[ẢNH] Pantsir-SM bị phàn nàn "bình mới rượu cũ", gây thất vọng ngay khi ra mắt

ANTD.VN - Trong khi các hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới do Mỹ sản xuất đều có sự đột phá về công nghệ thì điều này lại chưa được nhìn thấy trên sản phẩm của Nga. Ngay cả Pantsir-SM cũng gây thất vọng ngay khi ra mắt.

Trường hợp điển hình về cải tiến công nghệ trong tên lửa phòng không của Mỹ được thể hiện rõ ràng trong đạn đánh chặn tầm cao SM-3 chuyên dùng để chống lại ICBM.

Đạn đánh chặn SM-3 có kích thước chẳng lớn hơn bao nhiêu so với SM-2 hay SM-6, vẫn đặt vừa bệ phóng tiêu chuẩn Mk 41 nhưng nó lại đạt tầm bay lên tới 2.500 km, xa gấp 4 lần khi đặt cạnh tên lửa 77N6 dự kiến trang bị cho S-500.

Để làm được điều này Mỹ đã cải tiến về nhiên liệu phóng cho đạn, đi kèm với đó là chip xử lý tinh vi và loại bỏ luôn đầu đạn để ứng dụng công nghệ va chạm động năng có độ chính xác tuyệt đối.

Trong khi đó nhìn sang S-500 Prometheus, hệ thống tên lửa phòng không được quảng cáo là độc nhất vô nhị này của Nga chỉ đơn giản là tăng kích cỡ quả đạn lên mức "siêu khủng" để có tầm bắn xa hơn mà thôi.

Còn lại những chi tiết khác như công nghệ dẫn đường hay nhiên liệu phóng chẳng có gì thay đổi, quả đạn vẫn phải mang theo đầu đạn cực lớn để bù đắp cho sai sót.

Trường hợp tương tự lại vừa xảy ra với tổ hợp tên lửa phòng không Pantsir-SM khi nó được trưng bày trong khuôn khổ Diễn đàn quân sự quốc tế Army 2019, Nga giới thiệu nó có tầm bắn lên tới 40 km, cự ly trinh sát của radar đạt 70 km, tăng 100% so với phiên bản cũ.

Đạn đánh chặn của Pantsir-SM (phải) tăng gấp đôi tầm bắn so với Pantsir-S1 (trái) chỉ đơn giản bằng cách tăng kích thước liều phóng và thu gọn phần thân quả đạn, khiến không thể lắp đầu dò radar chủ động như kỳ vọng mà vẫn phải dẫn thủ công bằng sóng radio.

Công nghệ dẫn bắn của Pantsir-SM cũng được thay đổi nhưng lại là tiết giảm radar hỏa lực để nâng cao tính năng cho radar cảnh giới, bởi vì để dẫn tên lửa bay hết tầm thì công suất đài phát cũ không đáp ứng nổi.

Nga lựa chọn giải pháp dùng mảng pha chính để thiết lập thông số vị trí tên lửa và mục tiêu để có thể điều khiển đạn đến đích. Ngoài ra họ còn lắp thêm thiết bị hội tụ sóng ở giữa mảng pha để cộng hưởng, truyền tín hiệu điều khiển đến quả tên lửa ở xa.

Phương án này bị xem là "bình mới rượu cũ" dành cho Pantsir-SM, tầm bắn hiệu quả của nó vì thế có lẽ vẫn chỉ được xếp ở hàng tên lửa phòng không tầm ngắn mà thôi.

Việc không được trang bị đầu dò radar chủ động khiến đạn đánh chặn của Pantsir-SM có độ chính xác kém khi tấn công mục tiêu từ cự ly xa do gặp phải hạn chế của đài phát sóng.

Nó bị nhận xét là không hiệu quả khi đánh chặn mục tiêu bay thấp với tốc độ chậm và quỹ đạo phức tạp, điều này đã được kiểm nghiệm tại Syria khi xác suất trúng đích của tên lửa 57N6 chỉ đạt 19% khi bắn UAV tự sát của phiến quân.

Đó là chưa kể đến những lần bị UAV cảm tử công nghệ cao Harop của Israel tấn công, hình ảnh ghi lại từ một chiếc Harop cho thấy trước khi bị hạ Pantsir-S1 của Syria đã nã đạn như mưa về phía nó nhưng đều trật mục tiêu.

Chính vì vậy mà triển vọng xuất khẩu của Pantsir-SM bị đánh giá là chẳng có gì sáng sủa, nó rất dễ đi vào vết xe đổ của Buk-M3 khi đến lúc này vẫn chẳng có đơn đặt hàng nào.

Ngoài ra trên bản nâng cấp của Pantsir-SM cũng chưa thấy có kênh dẫn bắn quang học, đây chính là điểm yếu khiến Ấn Độ loại bỏ hệ thống vũ khí này để lựa chọn Hybrid Biho của Hàn Quốc.

Tóm lại, Nga nên tìm cách đi sâu vào cải thiện công nghệ lõi của vũ khí chứ không nên vội vàng cho ra những bản nâng cấp với thông số lý thuyết rất ấn tượng nhưng thực tế lại gây nhiều thất vọng như trên.