[ẢNH] Những phong tục đón Tết "có một không hai" của các dân tộc ở Hà Giang

ANTD.VN - Hà Giang không chỉ là vùng đất nổi tiếng với thiên nhiên hùng vĩ, thơ mộng mà nơi đây còn là nơi sinh sống của rất nhiều dân tộc. Mỗi dân tộc có những phong tục đón Tết riêng, độc đáo và kỳ lạ.

Nổi bật đó là tục "Cướp giọng gà" để cầu may của người Pu Péo. Tục lệ này còn có tên gọi khác là tục “Đón giọng gà”

Vào rạng sáng năm cũ chuyển sang năm mới, người dân Pu Péo thức dậy sớm, canh chừng gà trống. Đến khi chúng chuẩn bị cất tiếng gáy, người dân ném pháo vào chuồng khiến gà giật mình, nhảy loạn xạ và thi nhau gáy

Lúc này, người dân cùng nhau hò hát, với quan niệm ai hát to, hát át được tiếng gà thì năm mới sẽ tràn đầy sức khỏe, sự may mắn, niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống

Tiếp đó, nét đẹp trong văn hóa của người Pu Péo còn được thể hiện thông qua phong tục gói bánh chưng đen và bánh chưng trắng

Vào tối ngày 29 Tết, người dân Pu Péo gói bánh chưng với gạo nhuộm đen bằng nước lá cây rừng để cúng tiễn năm cũ, khép lại những đen đủi, điều không may

Đến đêm 30, người dân gói bánh chưng từ gạo nếp trắng, nhân đậu xanh hoặc nhân đậu trắng để cầu may mắn, phúc lộc cho năm mới

Sau 12 giờ đêm, người trong nhà ra ngoài, khi về cần mang theo một món quà, đó là một bó củi để lấy may. Vào ngày mùng 1 Tết, nam nữ người dân tộc Pu Péo cùng nhau đi gánh nước để cầu mong năm mới mưa thuận gió hòa, việc trồng trọt được thuận lợi

Còn với người Lô Tô ở Hà Giang, nhắc đến phong tục đón Tết độc đáo, kỳ lạ, không thể bỏ qua phong tục “đi ăn trộm” vào thời khắc giao thừa để lấy may

Việc “ăn trộm” trong phong tục của người Lô Tô thường là lấy những đồ vật không có giá trị lớn mà chỉ đơn giản như: cây rau, củ tỏi hay thanh củi…

Tuy nhiên, mỗi đồ lấy đi phải gồm 12 cái, tượng trưng cho 12 tháng trong một năm. Nếu không lấy đủ số lượng 12 thì trong năm mới, người đó sẽ không được làm các công việc lớn vào tháng tương ứng với số đồ vật lấy trộm và bị chủ phát hiện

Phong tục đón Tết kỳ lạ tiếp theo phải kể đến là phong tục thờ bát nước lã của người Pà Thẻn ở Hà Giang. Bát nước lã thờ thường được đậy kín bằng một chiếc đĩa, là sự mong cầu của người dân về sức khỏe, về những điều may

Vào ngày 30 Tết, các gia đình sẽ cửa đóng then cài, nấu nồi cháo gà và cùng nhau ăn, sau đó lấy bát nước trên bàn thờ xuống để lau chùi, thay mới

Mọi hoạt động, nghi thức đều phải được giữ bí mật, bởi theo quan niệm của người Pà Thẻn, nếu để lộ, gia đình đó sẽ làm ăn vất vả, con gái gặp ốm đau và bệnh tật