[ẢNH] Nhóm phiến quân cả gan bắn rơi Su-25 Nga tại Syria là ai?

ANTD.VN - Từ các nhóm nhỏ phiến quân thân al-Qaeda, Tahrir al-Sham trỗi dậy thành một thế lực cực đoan ở Syria với mục đích lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad. Mới đây nhóm này bắn hạ chiến đấu cơ Su-25 của Nga tại Syria.

Ngay sau khi chiến đấu cơ Su-25 bị bắn hạ, giới quan sát đổ dồn xem lực lượng nào dám cả gan bắn hạ máy bay chiến đấu của Nga tại chiến trường Syria.

Phiến quân Tahrir al-Sham ngày 3-2 tuyến bố chính nhóm này đã bắn rơi cường kích Su-25 Nga ở khu vực tỉnh Idlib, tây bắc Syria. 

Không quân Nga cho biết máy bay bị bắn bởi tên lửa phòng không vác vai (MANPAD). Phi công kịp thoát khỏi máy bay nhưng tự sát sau khi chiến đấu với phiến quân trên mặt đất.

Hình ảnh chiếc Su-25 bị trúng tên lửa phòng không vác vai.

Những gì còn lại của chiếc máy bay cường kích Su-25 Nga.

Theo BBC, Tahrir al-Sham có nguồn gốc từ Jabhat Fateh al-Sham (JFS), hay thường được biết đến với cái tên Mặt trận al-Nursa, tổ chức khủng bố thân al-Qaeda khét tiếng ở Syria. 

Để phô trương thanh thế, từ đầu năm 2017, JFS bắt đầu liên kết với 4 nhóm Hồi giáo cực đoan khác nhỏ hơn để thành lập một lực lượng mới chống lại các nhóm nổi dậy được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Trong một thông báo đưa ra hồi cuối tháng 1-2017, Tahrir al-Sham đã chọn Hashim al-Sheikh hay Abu Jabir, kẻ đứng đầu một trong 4 nhóm Hồi giáo cực đoan trước khi sáp nhập, làm thủ lĩnh mới.

Chân dung Abu Jabir, thủ lĩnh nhóm phiến binh Tahrir al-Sham.

Đầu tháng 2-2017, Abu Jabir phát đi thông điệp khẳng định Tahrir al-Sham "là một thực thể độc lập, không phải sự mở rộng của các tổ chức hay phe phái cũ". 

Động thái trên dường như nhằm mục đích tách biệt hoàn toàn nhóm khỏi tổ chức khủng bố al-Qaeda.

Thủ lĩnh Abu Jabir nhấn mạnh Tahrir al-Sham sẽ trở thành "chiếc nồi đun giúp hòa hợp tất cả các phe phái".

Tahrir al-Sham còn nhận được sự ủng hộ từ 6 giáo sĩ Hồi giáo nổi danh khắp Syria, trong đó có giáo sĩ nhiều ảnh hưởng xuất thân từ Arab Saudi là Abdullah al-Muhaisini. 

Họ đã ký tên và ra một thông báo tuyên bố sẵn sàng gia nhập Tahrir al-Sham.

Theo một số nguồn tin, thủ lĩnh Abu Jabir sinh năm 1968 tại thành phố Aleppo, Syria.

Hắn được cho là đã chiến đấu trong hàng ngũ al-Qaeda ở Iraq dưới thời thủ lĩnh Abu Musab al-Zarqawi, sau đó hắn đã móc nối để đưa phiến binh Iraq vào Syria.

Tên này đã từng bị bắt ở Syria nhưng được trao trả tự do vào năm 2011 cùng với hàng trăm người Hồi giáo khác nhờ một lệnh ân xá của Tổng thống Syria Assad.

Trong lời kêu gọi gửi tới các thành viên hồi năm 2017, Abu Jabir đã thúc giục những tay súng thuộc liên minh "quên đi quá khứ" để tiếp tục cuộc chiến vì "mục tiêu cao cả" là lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad. 

Y đồng thời cảnh báo rằng cuộc chiến sẽ "không thể kết thúc bởi một phiên đàm phán hay các cuộc thảo luận đàn áp cách mạng và trao quyền cho những kẻ đồ tể".

Sau khi thành lập, Tahrir al-Sham đã đấu đá quyết liệt với các nhóm phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ để giành quyền kiểm soát miền bắc Syria. 

Đến tháng 6-2017, Tahrir al-Sham gần như kiểm soát toàn bộ tỉnh Iblib, sau khi phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ chấp nhận rút lui.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2017, Tahrir al-Sham đối mặt với một cuộc khủng hoảng, khi nhiều giáo sĩ, chỉ huy, thủ lĩnh cấp cao bị ám sát một cách bí ẩn. 

Giới quan sát nhận định có thể chính phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ là FSA đã thực hiện các vụ ám sát này nhằm triệt hạ ảnh hưởng của Tahrir al-Sham.

Trong bối cảnh đó, Tahrir al-Sham sẵn sàng làm tất cả để giành lại ảnh hưởng, củng cố lực lượng và phô trương thanh thế ở Syria. 

Tuy nhiên lựa chọn việc bắn hạ chiến đấu cơ Su-25 đồng nghĩa với việc chúng sẽ bị trả đũa khốc liệt từ lực lượng không quân Nga đang đóng tại đây.

Ngay sau khi cường kích Su-25 bị bắn rơi và phi công bị sát hại, Nga đã tiến hành các cuộc không kích chính xác bằng tên lửa, tiêu diệt hơn 30 tay súng phiến quân. 

Không quân Nga còn triển khai hàng loạt cuộc không kích nhằm vào hai thị trấn Kafr Nubl, Maasran cùng các thành phố Saraqeb, Maarat al Numan và Idlib do phiến quân kiểm soát ở tỉnh Idlib, phía bắc Syria.

Các cuộc không kích san phẳng nhiều tòa nhà tại khu vực do phiến quân kiểm soát. Phiến quân nói có cả dân thường thiệt mạng sau các đợt không kích, nhưng Bộ Quốc phòng Nga khẳng định họ chỉ nhắm vào các phần tử khủng bố.

Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Syria từ cuối tháng 9/2015. Với sự yểm trợ từ không quân Nga, quân đội Syria đã giải phóng gần như toàn bộ phần lãnh thổ bị các nhóm phiến quân chiếm đóng trong vòng hai năm qua. 

Moscow hiện vẫn duy trì hiện diện tại cảng Tartus và sân bay Hmeymim để thực hiện các sứ mệnh quốc tế trong tương lai.