[ẢNH] Nhật Bản nói về kịch bản "cùng thắng" của Nga trong thương chiến dầu mỏ

ANTD.VN - Cuộc chiến dầu mỏ dai dẳng giữa Nga, Mỹ và Saudi Arabia kéo dài trong suốt thời gian qua có thể sẽ kết thúc với kịch bản các bên "cùng chiến thắng".

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chuẩn bị một kịch bản cùng có lợi, không chỉ nhằm chấm dứt cuộc đối đầu với Mỹ và Saudi Arabia trong thương chiến dầu mỏ mà còn nhận được một số lợi ích nhất định.

Nga vẫn có thể giành được chiến thắng bất chấp đòn đánh kép của đại dịch Covid-19 và sự sụp đổ của giá dầu gây tác động tiêu cực đối với nền kinh tế nước này

Ý kiến trên được thể hiện vào thứ hai ngày 6/4, bởi tác giả của tài liệu được xuất bản trong ấn bản tiếng Nhật của tạp chí Nihon Keizai.

Nga đã bắt đầu ký kết một thỏa thuận mới về việc hạn chế sản xuất dầu ở định dạng OPEC+, sau khi thỏa thuận trước đó bị phá vỡ vào tháng 3, hy vọng sẽ nhận được một lợi ích nhất định để đáp lại, bài báo viết.

"Thật không may, các đối tác của chúng tôi từ Saudi Arabia đã không đồng ý gia hạn thỏa thuận với các điều kiện hiện tại, họ thực sự đã rút khỏi thỏa thuận và tuyên bố giảm giá đáng kể cho dầu của mình cũng như kế hoạch tăng mạnh sản xuất". 

Ấn phẩm của Nhật Bản trích lời tuyên bố của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 3/4 tại một cuộc họp với các nhà lãnh đạo về tình hình trên thị trường kinh tế toàn cầu.

Đồng thời, ông Putin thừa nhận rằng tổng mức giảm sản xuất dầu theo thỏa thuận mới của OPEC + có thể là tối đa 10 triệu thùng mỗi ngày. 

Do đó, Tổng thống Nga ủng hộ ý tưởng của ông Donald Trump, người đang tìm cách cứu các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ khỏi phá sản.

Tuy nhiên tác giả của bài báo lưu ý, nếu Nga hỗ trợ trong quá trình tìm kiếm thỏa thuận mới thì Mỹ cũng nên giảm sản xuất dầu. Nếu không dầu đá phiến Mỹ sẽ lại bắt đầu mở rộng thị phần của mình trên thị trường thế giới, dẫn đến sự bất lợi của Nga.

"Ngay sau tuyên bố của Tổng thống Putin, vào ngày 3/4, nhà lãnh đạo Mỹ đã tập hợp những người đứng đầu các tập đoàn dầu khí Mỹ tại Nhà Trắng". 

"Ông Trump đề xuất các biện pháp hỗ trợ: cho vay dự trữ dầu chiến lược và dự trữ sản xuất dư thừa. Nga có thể hy vọng rằng do điều này, việc mở rộng thị phần của các công ty dầu đá phiến Mỹ ở thị trường châu Âu và châu Á sẽ bị hạn chế", bài báo viết.

Hơn nữa, tác giả thừa nhận rằng Tổng thống Nga đã đưa ra các điều kiện khác, ví dụ như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu khí của Liên bang Nga.

"Có một cơ hội mà Nga và Mỹ có thể sẽ đồng ý", tác giả của bài báo trích dẫn ý kiến của nhà phân tích hàng đầu thuộc Quỹ An ninh năng lượng quốc gia Igor Yushkov.

"Ngoài ra, có lẽ nhiệm vụ của phía Nga cũng là tránh các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nord Stream-2", ấn phẩm của Nhật Bản viết.

Cần nhớ lại rằng chính quyền Tổng thống Trump đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với các đường ống dẫn khí đốt của Nga bao gồm Nord Stream-2 và Turk Stream vào tháng 12/ 2019. 

Khi đó Nga nói rằng các biện pháp hạn chế sẽ không ngăn chặn việc hoàn thành công trình đúng hạn, Washington đe dọa sẽ tăng áp lực. Do đó, theo tác giả của bài báo, ông Putin sẽ không bỏ lỡ cơ hội để ký kết thỏa thuận và bảo đảm dự án này.

Ngoài ra tác giả viết, Tổng thống Nga còn một mối quan tâm khác. Vào tháng 11 năm nay, Mỹ sẽ tổ chức bầu cử tổng thống, trong đó ông Donald Trump của Đảng Cộng hòa sẽ cạnh tranh với ứng viên Dân chủ Joe Biden, người có lập trường cứng rắn với Moskva.

"Tốt hơn là làm cho Trump mắc nợ hơn là làm tổn thương ông ấy bằng cách từ chối cùng giảm sản lượng dầu trong khi Tổng thống Mỹ quyết tâm cải thiện quan hệ với Nga", tác giả cho biết.

Điều này cũng được ghi nhận trong tài liệu rằng Nga có biên độ an toàn và nhờ vào trữ lượng tích lũy do xuất khẩu hydrocarbon, họ có thể đứng vững hơn một năm trong điều kiện giá dầu giảm. 

Tuy nhiên, Moskva hướng đến một thỏa thuận với Saudi Arabia và giảm sản lượng dầu, dường như hy vọng sẽ có một lối thoát nhất định, mặc dù thực tế là cuộc đối đầu nhiều khả năng sẽ kết thúc với tỷ số hòa, hay còn gọi là thắng - thắng.