[ẢNH] Nhân tố bí ẩn IRGC khiến Nga - Syria đang trải qua cuộc xung đột ngấm ngầm?

ANTD.VN - Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iran (IRGC) đang được coi là nhân tố khiến giữa Nga và Syria đang dấy lên những xung đột ngấm ngầm. Trong khi Nga muốn IRGC phải rút khỏi Syria, thì Damascus lại muốn lực lượng này ở lại quốc gia này để giúp chống lại các phe phái đối lập.

Hiện chiến trường Syria bên phía quân đội chính phủ của Tổng thống Assad có sự hiện diện của hai quốc gia đó là Nga và Iran bên cạnh một số lực lượng khác. Iran hiện giữ vai trò thứ 2 sau Nga.

Iran phủ nhận mọi sự hiện diện quân sự ở Syria nhưng thừa nhận việc đã cử tới quốc gia Trung Đông này một số cố vấn quân sự nhằm hỗ trợ Damascus trong cuộc chiến chống khủng bố. 

Đồng thời, Tehran cũng khẳng định việc cử các cố vấn quân sự tới Syria là phù hợp với thông lệ, đặc biệt là được sự cho phép của chính quyền Syria.

Tuy vậy giới quan sát nhận định rằng một số đơn vị đặc nhiệm của Iran đang chiến đấu trên chiến trường Syria.

Cùng với đó là một số tướng lĩnh cao cấp. Theo hãng thông tấn Fars News Agency, tướng Shahrokh Daiepour của IRGC bị thiệt mạng khi đang huấn luyện các tay súng của nhóm Hezbollah ở Syria tại khu vực gần biên giới với Iraq.

Nguyên nhân và tình huống cụ thể khi viên tướng này bị thiệt mạng đến nay vẫn chưa được tiết lộ. 

Theo một số nguồn tin thì đây là lần đầu tiên Iran "mất tướng" ở Syria.

Iran được cho là đang cung cấp vũ khí cũng như huấn luyện cho các đơn vị thiện chiến Syria.

Sự tăng cường hiện diện tại Syria của Iran có xu hướng tăng lên đặc biệt từ cuối năm 2017.

Một số tướng lĩnh cao cấp nhất của Iran cũng đã trực tiếp sang quan sát chiến trường Syria. Hình ảnh tư lệnh trưởng lực lượng Vệ binh Cộng hòa Cách mạng Hồi giáo Iran tại chiến trường Syria, tướng Haj Qassem Soleimani (người cuốn khăn).

Tướng Haj Qassem Soleimani là một trong số những viên tướng cao cấp nước ngoài trực tiếp chỉ huy trận đánh chiếm lại tỉnh Deir Ezzor từ tay khủng bố IS.

Thậm chí sau đó trong Thông điệp của tướng Iran, gửi tới bộ tư lệnh lực lượng viễn chinh Mỹ trên chiến trường Syria nêu rõ, sau khi cuộc chiến chống IS kết thúc, không một người lính Mỹ nào được phép hiện diện ở Syria. 

"Những binh sĩ Mỹ nên tự nguyện rút hoặc sẽ bị buộc phải rút khỏi Syria", Tướng Haj Qassem Soleimani tuyên bố.

Tướng Haj Qassem Soleimani nói với một sĩ quan Nga và yêu cầu Nga nhận trách nhiệm trình bày ý kiến của Iran với lực lượng quân sự Mỹ. 

Quân đội Mỹ sẽ được coi là lực lượng xâm lược nếu bộ tư lệnh lực lượng viễn chinh Mỹ quyết định ở lại đông bắc Syria, nơi mà người Kurd và các bộ lạc người Ả rập cùng chung sống.

Bức thư mà tướng Soleimani gửi cho Mỹ tuyên bố sẽ sử dụng “các biện pháp bất ngờ”chống lại Mỹ: "Lính Mỹ sẽ phải đối mặt với những chiến binh và lực lượng mà trước đây bạn chưa từng gặp phải ở Syria. Người Mỹ sẽ sớm phải rời khỏi đất nước này".

Tướng Soleimani được truyền thông phương Tây xác định là một trong số ít người kiến tạo chiến lược đánh thắng các lực lượng Hồi giáo cực đoan và IS ở Syria.

Tuy vậy mối quan hệ giữa Nga - Iran - Syria đột ngột thay đổi sau khi có sự can thiệp của Israel.

Phía Israel liên tục tung ra các cuộc tấn công với cường độ mạnh mẽ hơn kể từ đầu năm. Vai trò của Israel đe dọa thay đổi đáng kể cán cân chiến lược tại Syria, điều này không chỉ đe dọa Syria mà còn làm giảm ảnh hưởng của Nga tại vùng đất nóng bỏng này.

Việc mất dần ảnh hưởng tại Syria, thậm chí có thể phải mất trắng địa thế này nếu như cuộc chiến nghiêng hẳn về phía phe đối lập làm Nga lo lắng. 

Đứng trước tình thế đó, Nga đã có những bước đi toan tính khi chấp nhận nhượng bộ đôi phần với Israel để nước này hạn chế tấn công vào Syria. Đổi lại Iran phải rút khỏi quốc gia này.

Ngay lập tức Nga đã lên tiếng kêu gọi Iran rút về nước đồng thời yêu cầu phía chính quyền của Tổng thống Assad đề nghị Iran rút sự hiện diện quân sự. 

Trong bối cảnh hiện tại, Syria vẫn muốn duy trì sự hiện diện của Iran, vì rõ ràng họ nhận thấy Nga hết mình cho Syria theo cách Nga muốn chứ không phải điều mà Damascus cần.

Điều này thể hiện rõ nét qua những cuộc tấn công ồ ạt của phương Tây và Israel vào Syria, dù Nga nắm giữ hệ thống phòng không cực mạnh nhưng họ vẫn "im lìm lặng lẽ".

Chuẩn bị cho mình một sự trợ giúp đắc lực bên cạnh Nga vẫn được coi là hướng đi thận trọng đem lại nhiều lợi ích hơn cho Syria.

Vì vậy Syria đã khước từ lời đề nghị buộc Iran rút khỏi nước này. Ngay lập tức phía Nga đã có những thông điệp rắn, trong số đó là việc rút các máy bay chiến đấu đặc biệt là các loại dành cho việc tấn công mặt đất về nước.

Hiện Nga chủ yếu đang duy trì các loại tiêm kích đa năng, thay vì những máy bay có tính năng cường kích có khả năng hỗ trợ đánh đất tốt cho các chiến dịch quân sự của Syria.

Chiến trường Syria đang tiếp tục phân hóa khi sự rạn nứt trong khối đồng minh Nga-Iran-Syria ngày càng rõ nét hơn.