[ẢNH] Nga- Ukraine thay nhau triển khai tên lửa chiến thuật răn đe

ANTD.VN - Nga và Ukraine đang có những động thái đáp trả lẫn nhau thông qua việc triển khai tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn.

Trong lễ duyệt binh chào mừng quốc khánh diễn ra hôm 24/8/2018, Quân đội Ukraine đã chính thức giới thiệu trước công chúng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Grom-2 do nước này tự nghiên cứu phát triển.

Đây là một hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật di động tầm ngắn có hình dáng cũng như tính năng kỹ chiến thuật rất giống với đạn 9M723 thuộc tổ hợp Iskander-M của Nga.

Đạn tên lửa Grom-2 được đặt trên xe mang phóng tự hành việt dã 5x5 có độ cơ động rất cao với 2 quả đạn sẵn sàng phóng, như vậy là nó hoàn toàn tương đương với Iskander-M.

Thông số kỹ chiến thuật cơ bản của tên lửa Grom-2 bao gồm chiều dài 7,2 m; đường kính 0,95 m; mang theo đầu đạn quy ước trọng lượng 480 km; sai số 50 - 70 m.

Tầm bắn của tên lửa Grom-2 hiện vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn, Ukraine chỉ công bố phiên bản xuất khẩu có thể vươn tới cự ly 280 km khi lược bỏ bớt bình nhiên liệu.

Trong khi đó cự ly thực tế của Grom-2 bản nội địa theo các chuyên gia quân sự thì tối thiểu cũng phải được 500 km, thậm chí còn vượt xa khá nhiều.

Điều đáng chú ý ở đây là các quan chức quốc phòng Ukraine từng khẳng định vũ khí này đủ sức bắn tới Moskva, tức là nó sẽ vượt qua được quãng đường trên 750 km.

Tên lửa Grom-2 được coi như át chủ bài của Ukraine nhằm mục đích trả đũa Nga nếu như giữa hai quốc gia từng là anh em này nổ ra một cuộc chiến tranh trên quy mô lớn.

Trước động thái bị xem là "gây hấn" trên của Ukraine thì dĩ nhiên Nga không chịu ngồi yên mà Moskva đã chuẩn bị những phương án đáp trả xứng đáng, thậm chí còn có thể nói là mạnh hơn nhiều.

Nguyên phó tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraine, Trung tướng Igor Romanenko mới đây đã cung cấp cho báo chí một số thông tin về các động thái triển khai quân của Nga.

Trung tướng Romanenko cho rằng so với thời điểm năm 2014, quân đội Nga đã thiết lập các lực lượng chiến lược ở Crimea mà 5 năm trước đây chỉ mang ý nghĩa chiến thuật.

Bên cạnh đó, Nga còn tổ chức các đơn vị ở Belarus, chuyển vũ khí tới các kho hậu cần và sẵn sàng triển khai một cuộc tấn công ở tầm chiến lược từ phía Bắc, nơi có khoảng cách gần nhất từ biên giới tới thủ đô Kiev.

Nghiêm trọng nhất là Nga còn triển khai cả nhóm tổ hợp tên lửa chiến thuật Iskander có thể phóng đi tới 360 tên lửa.

Uy lực của số đạn trên là vô cùng khủng khiếp 

Tuy nhiên thông qua hành động răn đe được cả hai phía thực hiện thì có lẽ nguy cơ chiến tranh toàn diện giữa Nga và Ukraine sẽ khó có khả năng trở thành hiện thực.