[ẢNH] Nga tìm cách chế tạo tên lửa chống tăng tương tự Javelin vì thất vọng với Kornet

ANTD.VN - Tại Triển lãm quân sự quốc tế Army 2018, Tập đoàn sản xuất các hệ thống vũ khí chính xác cao đã công bố việc nghiên cứu, phát triển một loại tên lửa chống tăng "phóng và quên".

Hiện nay trong biên chế của lực lượng bộ binh Quân đội Nga chưa có một loại tên lửa chống tăng mang vác thế hệ ba với chức năng "phóng và quên" và thực hiện hình thức tấn công theo kiểu "đột nóc" tương tự FGM-148 Javelin của Mỹ.

Tên lửa chống tăng có điều khiển (ATGM) chủ lực của Nga hiện nay là AT-14 Kornet vẫn thuộc thế hệ thứ hai.

So với Javelin thì phương thức tác chiến của Kornet khá hạn chế khi buộc trắc thủ phải duy trì đường ngắm, dẫn bắn liên tục cho tới khi tên lửa chạm mục tiêu.

Điều này gây ra mối nguy cơ rất lớn nếu đối phương phát hiện thông qua thiết bị cảnh báo laser và phản kích.

Bên cạnh đó, do không thực hiện được cú đánh từ trên cao thẳng vào vị trí được bọc giáp mỏng nhất của xe tăng mà sức xuyên 1.200 mm thép đồng nhất (RHA) của Kornet bị cho là chưa đủ gây tổn thương đối với những dòng MBT hiện đại cực kỳ vững chắc.

Điều này đã được thể hiện tại Syria khi một quả AT-14 Kornet bị bất lực trước chiếc xe tăng M60T Sabra của Thổ Nhĩ Kỳ.

Kênh truyền hình "Ngôi sao" của Nga mới đây cho biết, trước thực tế trên, Bộ quốc phòng nước này đã giao nhiệm vụ cho Tập đoàn sản xuất các hệ thống vũ khí chính xác cao tập trung nghiên cứu chế tạo một loại tên lửa chống tăng thế hệ tiếp theo.

Vũ khí này phải đủ sức phá hủy mọi loại xe tăng, thiết giáp hiện đại, kể cả khi phải bắn ở tư thế đối đầu.

Hiện tại chưa có thông tin chi tiết về tên gọi cũng như một số đặc điểm kỹ chiến thuật sơ lược của tên lửa chống tăng dự định sẽ thay thế Kornet.

Chỉ biết rằng một số chuyên gia đến từ các công ty quốc phòng hàng đầu của Nga tiết lộ vũ khí mới sẽ "tương tự như FGM-148 Javelin".

Thực ra ngay từ giữa năm 2016, Tư lệnh lực lượng pháo binh và tên lửa Nga, Trung tướng Mikhail Matveyevsky đã công bố tham vọng chế tạo một loại ATGM tiên tiến có khả năng "phóng và quên", nhưng phải đến bây giờ công việc mới thực sự được triển khai.

Trong tác chiến hiện đại, nhất là trên các chiến trường rộng lớn tại châu Âu, hầu như phía phòng thủ sẽ gặp phải xe tăng đối phương ở tư thế đối đầu chính diện.

Do vậy tên lửa chống tăng kiểu cũ không có chức năng đánh từ trên cao sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì luôn vướng vào phần giáp dày nhất của xe tăng.

Ngoài việc khắc phục nhược điểm trên của AT-14 Kornet, một tên lửa kiểu như Javelin còn có khả năng vô hiệu hóa các hệ thống phòng vệ "mềm" kiểu như Shtora-1.

Đèn nhiễu OTShU-1-7 khi đó không thể phát huy tác dụng vì bệ phóng không còn phải theo dõi đèn tín hiệu gắn ở đuôi tên lửa để dẫn bắn như trước nữa.