[ẢNH] Nga thất thế nghiêm trọng trước Mỹ khi không còn Hiệp ước INF

ANTD.VN - Viễn cảnh Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) bị xóa sổ sẽ mang lại cho Nga vô vàn bất lợi so với hiện nay, bởi vậy họ đang cố gắng níu giữ nó bằng nhiều cách.

Theo thông tin mới nhất từ truyền thông cả Nga và Mỹ, Moskva đã khước từ yêu cầu của Washington về việc tiến hành phá hủy tên lửa hành trình 9M729.

Theo cáo buộc của Mỹ, vũ khí này vi phạm Hiệp ước INF cho nên gần như chắc chắn Hoa Kỳ sẽ rút chân khỏi "Hòn đá tảng" ổn định tình hình quân sự thế giới vào ngày 2/2/2019.

Điều đáng nói ở đây đó là như một động thái nhằm níu kéo Mỹ ở tại Hiệp ước INF, trong tuần qua Nga đã "phá lệ" khi lần đầu tiên mời tùy viên quân sự nước ngoài tới tham dự buổi giới thiệu tính năng chi tiết của tên lửa 9M729.

Theo giới thiệu của Nga thì tầm bắn của tên lửa 9M729 chỉ đạt 480 km, tức là còn nhỏ hơn khi đặt cạnh đạn 9M728.

Tuy nhiên luận điểm này không thuyết phục được Mỹ vì chẳng có bất cứ điều gì để xác thực những thông tin Nga đưa ra là chính xác.

Vấn đề thu hút sự quan tâm ở đây đó là tại sao Nga lại tìm cách níu kéo Mỹ ở lại Hiệp ước INF?

Cần lưu ý rằng nhiều tướng lĩnh hay chính trị gia của nước này vẫn "nói cứng" rằng Moskva sẽ được rảnh chân khi không còn bị trói buộc bởi INF như trước kia nữa.

Điều này được giải thích một cách rất đơn giản đó là khi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung bị xóa bỏ Nga sẽ gặp rất nhiều bất lợi.

Khi đó, Mỹ có thể nhanh chóng triển khai tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo sát biên giới Nga, trên lãnh thổ các quốc gia đồng minh thuộc khối NATO.

Khác với tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa tầm trung khi đặt sát biên giới nước Nga sẽ khiến cho mọi hệ thống cảnh báo sớm của Moskva đều trở nên vô tác dụng và lực lượng phòng thủ chẳng cách nào đưa ra phương án đối phó kịp thời.

Ở chiều ngược lại, với các tên lửa đạn đạo và tên lửa hạt nhân tầm trung thì Nga chỉ có thể tấn công vào những căn cứ quân sự của Mỹ đặt trên lãnh thổ các quốc gia đồng minh ở châu Âu.

Họ không thể dùng tên lửa hành trình hay đạn đạo tầm trung để bắn phá trực tiếp vào đất Hoa Kỳ được.

Hệ thống căn cứ quân sự của Liên Xô sau khi siêu cường này tan rã đều bị giải tán gần như toàn bộ.

Đáng tiếc rằng Nga không duy trì được bất cứ một địa điểm nào có thể khiến Mỹ cảm thấy quan ngại khi triển khai tên lửa tầm trung tại đó, đồng nghĩa với việc Nga sẽ hứng chịu mọi thiệt thòi khi không còn INF.

Phương án mà Nga đang cân nhắc chính là đề nghị Cuba cho phép sử dụng lại một căn cứ thời Liên Xô và điều động các đơn vị Iskander-M tới đóng quân, nhưng La Habana chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ chấp thuận.