[ẢNH] Nga quá tự tin khi mang bản S-300PM lạc hậu sang Syria để chống F-35I?

ANTD.VN - Theo nguồn tin của hãng thông tấn TASS thì Quân đội Syria đã nhận được 3 tiểu đoàn tên lửa phòng không tầm xa S-300PM, đi kèm 24 xe bệ phóng và 300 đạn đánh chặn.

Như vậy trái với các dự đoán ban đầu, phiên bản S-300 mà Nga cung cấp cho Syria là S-300PM nội địa chứ không phải S-300PMU-2 dành riêng cho xuất khẩu.

Được biết đây là những tổ hợp S-300 được Nga rút khỏi biên chế của một trung đoàn tên lửa phòng không nước này sau khi đơn vị được hiện đại hóa bằng các hệ thống S-400 Triumf tiên tiến hơn.

Sau khi biết tin Syria nhận được biến thể S-300 nội địa, đã có luồng ý kiến cho rằng phiên bản này là đủ để giúp phòng không quốc gia Trung Đông bảo vệ bầu trời vì tính năng của nó cao hơn bản xuất khẩu.

Nhưng đại đa số nhận xét lại cho rằng S-300PM là phiên bản đã quá lạc hậu, khó mà chống trả nổi tiêm kích F-35I tối tân được trang bị nhiều loại đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm của Không quân Israel.

Cần lưu ý rằng S-300PM có phiên bản xuất khẩu là S-300PMU, sau đó nó phát triển lên thành S-300PM-1 và S-300PM-2, tương ứng biến thể thương mại là S-300PMU-1 cùng với S-300PMU-2, như vậy S-300 của Syria là loại lạc hậu đã vài thế hệ.

Cho dù là phiên bản nội địa nhưng chênh lệch công nghệ khiến S-300PM khó mà sánh nổi với S-300PMU-2 của Iran, trong khi hệ thống phòng không của Tehran từng bị điều tiếng là không phát hiện nổi F-35I của Israel khi nó xâm nhập bầu trời hồi tháng 2.

Mặc dù Nga thông báo đã tiến hành một số đại tu đi kèm nâng cấp cho S-300PM trước khi chuyển giao nhưng đối với mỗi sản phẩm công nghiệp quốc phòng thì nó chỉ có một cái ngưỡng nhất định chẳng thể nào vượt qua.

S-300PM cho dù có được hiện đại hóa đi nữa thì có lẽ nó cũng chỉ tiệm cận được S-300PMU-1 là cùng chứ chẳng thể nào sánh ngang S-300PMU-2, điều này có thể liên tưởng phần nào đến việc nâng cấp hệ điều hành iOS cho chiếc iPhone đời cũ.

Người Nga dĩ nhiên có thể cung cấp đạn tên lửa đánh chặn tầm xa 48N6E2 hoặc 48N6E3 cho tổ hợp S-300PM của Syria nhưng phóng được là một chuyện, dẫn bắn chính xác lại là chuyện khác.

Các đài radar cảnh giới và điều khiển hỏa lực trang bị cho tổ hợp S-300PM của Syria không thể đủ năng lực dẫn bắn hết tầm bay cho đạn 48N6E2 chứ chưa nói đến 48N6E3.

Nếu muốn tận dụng hết hiệu năng của tên lửa đánh chặn tiên tiến thì chẳng có cách nào khác ngoài việc S-300PM của Syria phải kết nối với S-400 của Nga và do quân nhân Nga trực tiếp điều khiển.

Nhưng nếu như vậy thì tình hình lại rất khác, lúc này Nga và Israel sẽ chính thức bước vào cuộc đối đầu trực diện, điều mà Moskva lẫn Tel Aviv luôn cố gắng tránh đi.

Bởi vậy gần như chắc chắn sau khi hoàn thành quá trình huấn luyện và chuyển giao lại cho binh lính Syria sử dụng thì Damascus sẽ phải độc lập vận hành các tổ hợp S-300PM của mình.

Điều này khiến cho Syria rất khó đánh bại được Không quân Israel, bởi vì ngoài những lần tập trận cùng S-300P và S-300V trên đất Mỹ thì IAF còn tiến hành huấn luyện cùng S-300PMU-1 của Hy Lạp - phiên bản cao cấp hơn S-300PM.

Bên cạnh đó, trình độ tác chiến và kinh nghiệm dày dạn của các phi công Israel điều khiển F-35I Adir cũng khiến họ được đánh giá là có nhiều "cửa thắng" hơn hẳn khi đối đầu S-300PM của Syria.