[ẢNH] Nga phủ nhận huy động Hạm đội biển Đen để bảo vệ World Cup 2018

ANTD.VN - Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận thông tin cho rằng Hạm đội Biển Đen được đặt trong tình trạng báo động cao nhằm bảo đảm an toàn cho World Cup.

World Cup 2018 trở thành sự kiện thể thao lớn nhất thế giới đang được tổ chức tại Nga. Sự kiện này được đánh giá sẽ nâng cao vị thế mềm của Tổng thống Putin nói riêng và vị thế nước Nga nói chung.

Chính vì vậy, việc đảm bảo an ninh cho sự kiện này được Nga quan tâm đặc biệt với sự huy động một lực lượng lớn.

Nhưng không vì thế mà Nga phải huy động một lực lượng khí tài hùng hậu liên quan đến cả sự điều động các hạm đội. World Cup 2018 diễn ra từ ngày 14-6 đến 15-7 ở 11 thành phố của Nga.

Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận thông tin cho rằng Hạm đội Biển Đen được đặt trong tình trạng báo động cao nhằm bảo đảm an toàn cho World Cup.

"Hãng Reuters dẫn 'các nguồn tin thân cận với quân đội Nga' nói rằng lực lượng hải quân Nga tại Biển Đen đã được đặt trong tình trạng báo động cao nhằm ngăn cản Ukraine cố gây cản trở World Cup là thông tin không chính xác", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

 "Hạm đội Biển Đen vẫn hoạt động bình thường. Không có mệnh lệnh nào yêu cầu đặt hạm đội trong tình trạng báo động cao", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga kết luận.

Trước đó, Reuters dẫn ba nguồn tin được cho là am hiểu tình hình cho rằng hạm đội Biển Đen của Nga đóng gần bán đảo Crimea đã nhận lệnh sẵn sàng chiến đấu. Mệnh lệnh này có liên quan đến World Cup và sẽ kéo dài đến ngày 31-7, hai tuần sau khi sự kiện kết thúc.

Các nguồn tin cũng khẳng định Nga đã điều thêm các tàu chiến và máy bay đến khu vực biển Azov giáp Ukraine nhằm đề phòng Kiev tiến hành các hoạt động khiêu khích. "Có quan ngại rằng Ukraine sẽ có động thái khiêu khích trong thời gian World Cup diễn ra", một nguồn tin khẳng định.

Hạm đội biển Đen là một lực lượng cực mạnh của quân đội Nga. Nhất cử nhất động của lực lượng này đều làm giới quan sát quan tâm đặc biệt.

Đây cũng là hạm đội đang được trang bị những loại vũ khí cực mạnh của quân đội Nga như tên lửa hành trình Kalibr.

Loại tên lửa hành trình này đã thể hiện rất tốt trong cuộc chiến tại Syria thời gian vừa qua.

Hình ảnh tên lửa hành trình Kalibr đang được phóng đi từ tàu chiến thuộc Hạm đội biển Đen nhắm vào các mục tiêu của khủng bố tại Syria.

Mục tiêu của khủng bố IS tại Syria bị Hạm đội Biển Đen dùng tên lửa Kalibr tấn công phá hủy tan tành.

Hạm đội Biển Đen ra đời năm 1783 trong bối cảnh Đế chế Nga không ngừng tìm cách mở đường thông thương, tạo ảnh hưởng ở biển Đen và vùng biển Địa Trung Hải. Trải qua nhiều thăng trầm, Hạm đội này trở thành một trong những đơn vị chiến lược của hải quân Nga với những tàu chiến cực mạnh.

Hạm đội Biển Đen đóng ở Sevastopol, Crimea. Trong ảnh là tàu hộ vệ tên lửa lớp Tarantul.

 
 

Khu trục hạm lớp Kashin được chế tạo cho hải quân Liên Xô vào thập niên 1960-1970. Một chiếc loại này hiện phục vụ trong hải quân Nga.

Tuần dương hạm lớp Slava là một tàu chiến loại lớn cũng được thiết kế riêng cho hải quân Liên Xô và được hải quân Nga tiếp quản.

Tàu hộ vệ tên lửa loại nhỏ Nanuchka, được chế tạo giữa năm 1969 và 1981.

Tàu đổ bộ lớp Ropucha có thể chở được 450 tấn hàng. Chiếc tàu này đóng vai trò chủ đạo trong việc vận chuyển vũ khí của Nga cho quân đội Syria.

Tàu phá thủy lôi lớp Natya không thể thiếu trong biên chế của Hạm đội biển Đen.

Tàu lớp Albatros là tàu hộ vệ săn ngầm được chế tạo trong giai đoạn 1970-1990.

Tàu tuần tra lớp Rubin, có năng lực tác chiến chống lại các mục tiêu dưới nước, bề mặt và trên không.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới nhất lớp Borey cũng nằm trong biên chế của hạm đội này.

Tên lửa hành trình diệt hạm P-35 được phóng từ một chiến hạm thuộc hạm đội biển Đen.

Theo số liệu thống kê, vào thời điểm Liên bang Xô-viết tan rã, hạm đội biển Đen có khoảng từ 300 đến 635 chiến hạm và tàu ngầm.

Quân số lúc này vào khoảng 70 nghìn binh sĩ. Ước tính tổng giá trị của Hạm đội biển Đen, bao gồm tàu chiến và cơ sở vật chất, vào đầu năm 1992 là hơn 80 tỷ USD.

Với sự tan rã của Liên bang Xô-viết, hạm đội biển Đen trở thành mục tiêu tranh chấp giữa Nga và Ukraine, khi nhiều cơ sở vật chất của hạm đội này nằm trên lãnh thổ thuộc Kiev quản lý.

Sau nhiều cuộc tranh cãi liên quan đến việc phân chia Hạm đội, tháng 8-1992, Moscow và Kiev đạt được thỏa thuận đồng chỉ huy Hạm đội biển Đen trong vòng 3 năm.

Tháng 6-1993, Tổng thống Ukraine là L. Kravchuk và Tổng thống Nga B. Yeltsin đã ký hiệp định chia đôi Hạm đội Biển Đen với lộ trình thực hiện từ tháng 9-1993 đến năm 1996.

Tổng thống Ukraine là L. Kravchuk (trái) và Tổng thống Nga B. Yeltsin (phải) trong buổi ký kết.

Tuy nhiên, hiệp định này nhanh chóng đổ vỡ do các sĩ quan hải quân Nga phản đối việc chuyển giao trang bị, khí tài trong khi lãnh đạo quân đội Ukraine cũng không chấp nhận để Nga sử dụng các căn cứ trên phần đất do Kiev quản lý.

Do vậy, hiệp định về hạm đội Biển Đen phải thương lượng lại vào tháng 9-1993, tháng 4-1994, tháng 11-1995, nhưng cũng không đạt kết quả.

Vào thời điểm năm 1995, Hạm đội này có khoảng 48 nghìn thủy thủ và hải quân đánh bộ, 14 tàu ngầm, 74 chiến hạm và tàu tuần tiễu, 125 máy bay chiến đấu và 85 trực thăng.

Hạm đội này cũng có 1 lữ đoàn hải quân đánh bộ được trang bị 50 xe tăng, 45 khẩu đội pháo. Tư lệnh và các sĩ quan chỉ huy Hạm đội chủ yếu là người Nga.

Đến tháng 5-1997, Nga và Ukraine mới giải quyết dứt điểm được việc phân chia Hạm đội biển Đen khi Thủ tướng Nga Chernomyrdin và người đồng cấp Lazarenko ký 3 hiệp định liên chính phủ.

Hai bên nhất trí phương thức phân chia Hạm đội và Ukraine chấp thuận cho Hải quân Nga thuê căn cứ ở Sevastopol.

Theo thỏa thuận, số tàu chiến của hạm đội được chia đều cho hai nước nhưng Nga đã đồng ý bỏ tiền mặt mua lại một số tàu hiện đại. Vì vậy trên thực tế, Nga có được ¾ số tàu của hạm đội trong khi Ukraine có một nửa cơ sở vật chất.

Hai bên cũng thống nhất việc Nga thuê 3 quân cảng, 2 sân bay quân sự trên lãnh thổ Ukraine trong 20 năm với giá 100 triệu USD mỗi năm.

Theo thỏa thuận, Nga không được đồn trú quá 25 nghìn binh sĩ và đưa vũ khí hạt nhân vào các cơ sở thuê của Ukraine.

Tuy nhiên những diễn biến phức tạp tại Ukraine với sự can thiệp ngấm ngầm từ phương Tây đã khiến quan hệ giữa Moscow và Kiev đổ vỡ.

Đỉnh điểm cuộc “đảo chính” xảy ra khi ngày 22-4-2014 mà Nga cáo buộc có bàn tay của phương Tây vào nội tình của Ukraine khi quốc hội nước này họp và tán thành truất phế Tổng thống Yanukovych. Lúc đó ông Yanukovych đang ở Crimea.

Trước tình hình khẩn trương nói trên, Tổng thống Nga triệu tập cuộc họp khẩn cấp khi tình hình ở Crimea được cho là còn nghiêm trọng hơn những gì đang xảy ra ở Kiev.

Tại cuộc họp ngày 22-2-2014, Tổng thống Nga nói với các quan chức cấp cao rằng tình hình đang thay đổi, chủ nghĩa dân tộc cực đoan ở Ukraine khiến đã đến lúc Liên bang Nga phải hành động để đưa Crimea về lại Nga. Hình ảnh căn cứ hạm đội biển Đen tại bán đảo Crimea.

Bằng nhiều biện pháp khác nhau được tiến hành đồng loạt, Nga đã thu hồi, sáp nhập bán đảo Crimea mà không xảy ra xung đột vũ trang. (Trước đây Crimea thuộc Nga, nhưng sau đó Đoàn chủ tịch Xô viết Tối cao của Liên Xô ban hành sắc lệnh cắt tỉnh Crimea trao cho Ukraine quản lý).

Hình ảnh binh sĩ Ukraine rời khỏi căn cứ hải quân thuộc hạm đội biển Đen.

Ngay sau khi tiếp quản toàn bộ hạm đội biển Đen, Nga đã ra sức tăng cường sức mạnh cho lực lượng này.

Bằng việc thay thế một loạt chiến hạm cũ đã hết niên hạn sử dụng cũng như nâng cấp cho những chiến hạm hiện đóng vai trò xương sống trong hạm đội này, Nga cũng không ngừng bổ sung chất lượng huấn luyện chiến đấu của những binh sĩ tại đây.

Hạm đội này cũng đang duy trì hoạt động của các phi đội tiêm kích đa năng Su-30SM, ngoài ra còn có hàng loạt máy bay trinh sát và săn ngầm với sức mạnh vượt trội.

Dự tính đến năm 2020 hải quân Nga sẽ đưa vào trang bị ít nhất 50 tàu chiến và tàu hỗ trợ các loại nhằm hiện đại hóa biên đội tàu chiến của hạm đội Biển Đen - vốn được xem là lực lượng nòng cốt của Hải quân Nga ngăn bước tiến của NATO ở biên giới phía tây nước Nga.

Tính đến tháng 5-2017 Hạm đội biển Đen có trong biên chế khoảng 300 tàu các loại trong đó có khoảng hơn 50 chiến hạm 6 tàu ngầm, khoảng 50 máy bay chiến đấu các loại và 25.000 binh sĩ.

Đóng vai trò soái hạm trong Hạm đội biển Đen đó chính là tuần dương hạm Moskva với sức mạnh kinh hoàng.

Tuần dương hạm Moskva có thể được xem như một tổ hợp phòng không khổng lồ trên biển, với tổ hợp phòng không tầm xa trên hạm S-300F với 64 tên lửa hải đối không, cùng với tổ hợp phòng không tầm gần OSA-MA.

Con tàu còn được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” khi nó sở hữu tới 16 tên lửa chống hạm tầm xa P-500 Bazalt hoặc Vulkan P-1000 có tầm bắn lên tới 500km.

Ngoài ra tàu còn mang theo các trực thăng chống ngầm Ka-25 hoặc Ka-27.

Cuộc chiến gần đây nhất mà tuần dương hạm Moskva tham gia là Chiến tranh Gruzia vào năm 2008, khi nó dẫn đầu biên đội tàu chiến của Hạm đội biển Đen bảo vệ vùng biển ngoài khơi nước Cộng hòa tự xưng Abkhazia trước các tàu tên lửa tấn công nhanh của Gruzia.

Hiện nay Moskva đang được điều động để tham gia các hoạt động quân sự của Nga tại Syria.