[ẢNH] Nga nghi ngờ có "bàn tay bẩn" đứng sau vụ phiến quân tấn công bằng UAV

ANTD.VN - Nga nghi ngờ rất có thể đã có thế lực ngầm giúp những phiến quân có được công nghệ dẫn đường UAV để tấn công vào các căn cứ của Nga tại Syria.

"Đòn tấn công bằng máy bay không người lái đánh vào căn cứ quân sự của Nga ở Hmeymim và Tartus đã là một trang mới trong lịch sử chủ nghĩa khủng bố quốc tế, chứng tỏ khả năng công nghệ mới của chiến binh", chuyên gia quân sự Nga Igor Korotchenko tuyên bố.

Có vẻ cuộc chiến sử dụng UAV đang trở thành chiến thuật ưa thích của tất cả các bên. Hình ảnh một chiếc UAV của Nga bị phiến quân bắn rơi.

Một chiếc UAV mang theo hai quả đạn thu được trong kho vũ khí của phiến quân khủng bố IS trước đây.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên khi máy bay quân sự Boeing P-8A Poseidon của hải quân Mỹ đã được phát hiện trong khu vực giữa căn cứ không quân Khmeimim và căn cứ hải quân Tartus của Nga ở Syria cùng với thời điểm các phiến binh khủng bố đang dùng UAV để tấn công vào các căn cứ Nga.

Theo dữ liệu của Bộ Quốc phòng Nga, cuộc tấn công đã thất bại: đêm 6-1-2018, 13 "mục tiêu trên không kích thước nhỏ" đã bị bắn hạ. Các chuyên viên quân sự nhận xét rằng những "giải pháp kỹ thuật" sử dụng trong vụ tấn công có gốc gác từ "một trong những quốc gia với khả năng công nghệ cao".

"Có thể nói rằng đây là một trang mới trong lịch sử chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Cần lưu ý là các thiết bị bay không người lái ở Syria đã xuất phát từ khoảng cách khá xa. Bây giờ UAV là mối đe dọa hiện thực mà tất cả các cơ quan tình báo thế giới cần tính đến, là thách thức mới mà chủ nghĩa khủng bố quốc tế ném ra trước tất cả các nước", ông Korotchenko - chuyên viên quốc phòng Nga nhận định.

Chuyên viên này cũng lưu ý rằng những vụ khủng bố như vậy có thể xảy ra ở bất kỳ nước nào, dù đó là quốc gia châu Âu, Trung Đông hoặc châu Á. 

Theo lời ông, những mục tiêu của UAV có thể không chỉ là quân sự mà còn là các chủ thể dân sự, đoàn xe hộ tống và dinh thự của các vị lãnh đạo Nhà nước, cũng như các cơ sở công nghiệp, kho nhiên liệu và những thể loại tương tự.

Đồng thời ông Korochenko cho rằng các chiến binh khó lòng tự làm chủ được công nghệ sản xuất và sử dụng UAV.

"Ngày nay, các thiết bị bay không người lái được sản xuất ở hàng chục quốc gia. Sự thật hiển nhiên nếu thiếu sự trợ giúp từ bên ngoài, phiến quân khó có thể tổ chức cuộc tấn công ồ ạt của các khí cụ bay UAV gắn thiết bị nổ tinh vi này", vị chuyên viên kết luận.

Tiếp sau đó, Bộ quốc phòng Nga đã công bố về địa điểm xuất phát của những máy bay không người lái cảm tử đã tấn công căn cứ không quân Nga.

Theo tin trên tờ báo chính thức của Bộ Quốc phòng Nga Krasnaya Zvezda, các máy bay không người lái đã tấn công căn cứ không quân Nga ở Hmeymim đã bay ra từ khu vực phía tây nam của “Khu vực giảm leo thang quân sự thuộc tỉnh”, Idlib do phe đối lập ôn hòa kiểm soát.

"Chúng tôi phát hiện ra rằng việc phóng máy bay không người lái đã được thực hiện từ khu vực làng Muazar, nằm ở phía tây nam của khu vực giảm leo thang xung đột ở Idlib, được kiểm soát bởi các thành phần vũ trang của phe đối lập" - tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Sau đó, Bộ Quốc phòng Nga đã gửi thư cho Tổng tham mưu trưởng Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ, tướng Akar Hulusi, và người đứng đầu Tổ chức Tình báo quốc gia Hakan Fidan để “phàn nàn” về sự kiện này.

"Moscow mong muốn Ankara cần phải thực hiện cam kết của mình để đảm bảo tuân thủ chế độ kiểm soát chấm dứt hành động thù địch của các nhóm vũ trang trong vùng kiểm soát và tăng cường công việc thiết lập các điểm quan sát trong khu vực giảm leo thang quân sự ở Idlib, để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng UAV vào bất kỳ mục tiêu nào" - bức thư cho biết.

Theo giới quan sát, đây là những “sự trùng hợp đáng ngạc nhiên” khi một “đàn UAV” tấn công cảm tử (với số lượng lớn) được phóng lên từ trong khu vực do phiến quân đối lập FSA thân Thổ Nhĩ Kỳ và vốn là đồng minh trước đây kiểm soát.

Trong bối cảnh quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai các hệ thống radar phòng không và tên lửa Hawk tới khu vực này, việc để lọt số lượng mục tiêu lớn đến như thế là điều hết sức vô lý.

Tổ chức quân đội Syria tự do (FSA) từng là đồng minh thân cận của Mỹ.
Họ cũng là lực lượng đối lập lớn đứng thứ hai sau tổ chức Dân chủ Syria (SDF) đang được Mỹ hậu thuẫn.
Sau khi chuyển một số lượng lớn khí tài bao gồm cả những loại vũ khí hiện đại như tên lửa chống tăng TOW và Javelin, Mỹ đã tuyên bố ngừng cung cấp vũ khí cho lực lượng này.

Lý do được Mỹ đưa ra rằng, lực lượng này chứa đựng một số nhánh có mối quan hệ thân thiết với khủng bố IS.

Một số thành viên lực lượng này còn ngầm tuồn vũ khí cho IS.

Chính điều này khiến Mỹ cảm thấy bất an, một số kẻ đứng trong hàng ngũ FSA còn có tư tưởng cực đoan chống Mỹ, vì vậy Tổng thống Trump đã tuyên bố ngừng viện trợ ngay sau khi ông nhậm chức.

Tuy vậy Nga vẫn nghi ngờ Mỹ đang có những bước đi sau lưng không công khai để ngầm giúp đỡ lực lượng này.

Tuy bị cắt đứt viện trợ từ Mỹ, nhưng FSA vẫn đang nhận được nhiều sự trợ giúp khác từ các nguồn khác trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia Ả rập khác.

Không quân Mỹ vẫn thực hiện các cuộc không kích trên lãnh thổ Syria vào các cứ điểm của IS, thậm chí là quân đội Syria, nhưng chưa thấy có động tĩnh nào để loại bỏ FSA.

Không quân Mỹ vẫn đang ra mặt giúp đỡ lực lượng SDF, nhưng giới chuyên gia nhận định rất có thể Mỹ sẽ còn một sự trợ giúp ngầm nào đó cho FSA.

Trong khi SDF vẫn đang củng cố và xây dựng lực lượng, có thể Mỹ vẫn muốn những cuộc xung đột giữa FSA và SAA nhằm bào mòn năng lực chiến đấu của quân đội Tổng thống Assad.

Nhưng cũng không loại trừ khủng bố HTS và FSA liên kết với nhau và chúng có thể sản xuất hay mua từ thị trường chợ đen được các UAV này.

Tuy Nga không nói rõ nước nào trong khi cáo buộc có tổ chức nước ngoài đứng sau lưng vụ tấn công bằng UVA, nhưng ai cũng hiểu điều Nga đang muốn nhắm tới là Mỹ.

Sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa máy bay trinh sát săn ngầm P-8 có mặt sát căn cứ của Nga trùng với thời điểm vụ tấn công diễn ra.

Điều này củng cố nhận định của một số chuyên gia quốc phòng Nga cho rằng, rất có thể Mỹ cũng có phần can dự trong cuộc tấn công này.

Nhìn về quá khứ, Mỹ vẫn cho các máy bay trinh sát bay gần căn cứ Nga tại Syria để thu thập tin tức. 

Vì thế việc máy bay trinh sát săn ngầm P-8A bay gần căn cứ và bay lâu hơn bình thường cũng có thể đó là chuyến bay trinh sát đã định trước, khi thấy có cuộc tấn công vào căn cứ Nga nên chiếc P-8A tiếp tục bay để thu dữ liệu về cuộc tấn công này.

Việc đổ tội và cáo buộc nhau giữa Mỹ và Nga tại chiến trường Syria không phải bây giờ mới diễn ra.

Tuy Nga và Mỹ không có xung đột trực diện trên chiến trường, nhưng hai quốc gia này lại liên tục nảy lửa trong cuộc chiến truyền thông.

Không ít lần Mỹ tố Nga lợi dụng tấn công khủng bố để oanh kích các mục tiêu của phe đối lập do Mỹ bảo trợ.

Trong khi đó Nga cho biết họ chỉ oanh kích vào các mục tiêu của phiến quân khủng bố mà thôi.

Nga cũng tố Mỹ nhiều lần cáo buộc không vô căn cứ việc quân đội Syria tấn công vào lực lượng đối lập do nước này bảo trợ để tấn công trả đũa.

Giới quan sát quốc tế nhận định, cả Nga và Mỹ đều có những lợi ích cốt lõi tại Syria.

Việc can thiệp của Nga và Mỹ vào chiến trường này không ngoài mục tiêu cuối cùng là đem lại chỗ đứng và tầm ảnh hưởng tại quốc gia Trung Đông vốn có vị trí quan trọng và trữ lượng dầu mỏ lớn này.

Vì vậy các bên sẽ tranh thủ để cáo buộc nhằm hạ uy tín nhau bất cứ khi nào có thể.

Nỗi đau cuối cùng vẫn chỉ dành cho chính người dân Syria mà thôi.