[ẢNH] Nga lo ngại khi "Pháo đài bay chiến lược" B-52 mô phỏng tấn công Moskva

ANTD.VN - Căng thẳng giữa hai cường quốc quân sự Nga - Mỹ ngày càng có dấu hiệu gia tăng trước nguy cơ quay lại của một cuộc Chiến tranh Lạnh phiên bản hai.  

Các nguồn tin quân sự Nga cho rằng 5 máy bay ném bom chiến lược B-52H Stratofortress của Không quân Mỹ đã tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân giả định nhằm vào các mục tiêu ở Nga.

Những mục tiêu nằm trên đất Nga bị B-52 cho vào danh sách tấn công giả định trong các chuyến bay huấn luyện vào ngày 28/3 bao gồm Moskva và St. Saint Petersburg.

Chuyến bay huấn luyện của siêu máy bay ném bom B-52H Mỹ với tiêm kích F-16 của Na Uy trên Biển Na Uy là một trong những ví dụ về cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình giả định bên ngoài khu vực phát hiện bằng radar phòng không.

Bên cạnh đó, đợt huấn luyện trên của tốp máy bay chiến đấu NATO còn nằm luôn bên ngoài phạm vi đánh chặn của tiêm kích tầm xa MiG-31 Foxhound, dịch vụ báo chí Quân đội Nga cho biết.

Mỗi máy bay ném bom chiến lược B-52H có thể mang theo tối đa 20 tên lửa hành trình phóng từ trên không loại AGM-158A /B JASSM/JASSSM-ER hoặc AGM-86С/D.

Mặc dù bản thân B-52 theo đánh giá không thể xuyên thủng hệ thống phòng không đối phương, nhưng tên lửa hành trình với tầm bắn xa có thể vượt qua hầu như mọi tổ hợp tên lửa phòng thủ tối tân nhất.

Trước sự kiện trên, các quan chức Nga bao gồm cả Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về chuyến bay của B-52 gần biên giới nước này.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hồi tháng 2/2019 cho biết, liên minh quân sự có nhiều lựa chọn thông thường và các phương án khác nhau để đối phó với những gì NATO gọi là vi phạm của Nga đối với Hiệp ước INF.

Ông Stoltenberg không đề cập đến máy bay ném bom B-52 của Mỹ, nhưng phương tiện này thực sự là một cách để NATO cho Moskva thấy rằng vũ khí hạt nhân có thể được đưa đến gần biên giới Nga.

Trong khi đó Lầu Năm Góc tuyên bố rằng quá trình huấn luyện với các đồng minh NATO như Na Uy giúp tăng cường khả năng và sự sẵn sàng của liên minh quân sự trước "tình huống xấu".

Điều rất đáng chú ý đó là ngoài nhiệm vụ chiến lược, "Siêu pháo đài bay" B-52 của Không quân Mỹ còn đặc biệt hữu ích khi được sử dụng cho chức năng chiến thuật. 

B-52 mang được 27.200 kg bom và tên lửa đi xa 15.000 km, phạm vi hoạt động rộng giúp nó có thể quần vòng trên không trong thời gian dài để chờ yêu cầu hoặc hỗ trợ từ các căn cứ dưới mặt đất.

Bên cạnh đó, khả năng bay liên tục của chiếc B-52 cũng rất thuận tiện cho việc tuần tra và can thiệp trên các vùng biển rộng lớn. 

Nhiều chiếc đã được trang bị hệ thống nhắm mục tiêu Litening và radar Dragon’s Eye để xác định mục tiêu mặt nước, kết hợp cùng tên lửa chống hạm AGM-84 Harpoon khiến nó đóng vai trò quan trọng trong trường hợp xảy ra xung đột hàng hải.

B-52 Stratofortress theo đánh giá vẫn còn phát huy tác dụng rất lớn trong những thời điểm cần phải phô trương sức mạnh quân sự. 

Tuy có nguy cơ khi dùng máy bay để triển khai vũ khí hạt nhân so với tên lửa phóng từ tàu ngầm, nhưng sự xuất hiện của B-52 tại điểm nóng được đánh giá sẽ truyền tải tới đối phương thông điệp đe dọa rõ ràng hơn nhiều.