[ẢNH] Nga "lạnh gáy" khi Mỹ trang bị siêu tên lửa hành trình hạt nhân cho pháo đài bay B-52

ANTD.VN - Tập đoàn Boeing đã được trao hợp đồng tích hợp hệ thống tên lửa hành trình phóng từ trên không tiên tiến, dự kiến sẽ thay thế tên lửa hạt nhân AGM-86 đã cao tuổi vào nền tảng "Pháo đài bay" B-52H.

Trong một thông báo mới đây, các cơ quan của Bộ Quốc phòng Mỹ đã thông báo về việc trao cho Boeing hợp đồng nghiên cứu tích hợp tên lửa hành trình tấn công ngoài tầm phòng không điểm (LRSO) vào oanh tạc cơ B-52H.

Tên lửa hành trình hạt nhân tầm xa LRSO được xác định sẽ là vũ khí có tính quyết định tới năng lực tác chiến của B-52H, trong vai trò phương tiện mang vũ khí chiến lược của Mỹ.

Với sự phát triển của các hệ thống tên lửa phòng không tầm xa hiện nay, B-52H khó lòng xâm nhập để ném bom hạt nhân như hình thức chiến thuật áp dụng vào thời kỳ chiến tranh Lạnh.

Bên cạnh đó, tên lửa hành trình AGM-86 cũng tỏ ra quá cũ kỹ, tầm bắn không thực sự cao, thiếu các biện pháp phòng vệ cũng như đánh lừa phòng không đối phương.

Ngoài ra cũng không thể bỏ qua việc Không quân Mỹ dự kiến sẽ loại biên toàn bộ tên lửa hành trình hạt nhân không đối đất AGM-86 vào thời điểm sau năm 2020.

Đến thời điểm đó, nếu không được trang bị vũ khí mới để thay thế thì "pháo đài bay" B-52H chỉ còn đơn thuần là một phương tiện mang vũ khí tấn công chiến thuật mà thôi.

Đây là điều khó chấp nhận đối với siêu cường quân sự hàng đầu thế giới, khi hiện nay Nga đang tiến hành nhiều chương trình nâng cấp, tích hợp vũ khí mới cho phi đội máy bay ném bom chiến lược của mình.

Trong hợp đồng với Boeing, thời gian đặt hàng cơ bản sẽ là 5 năm, với việc hoàn thành các đơn đặt hàng và giao hàng trong vòng 12 tháng sau khi kết thúc thời gian quy định.


Tên lửa hành trình hạt nhân tầm xa LRSO có thể sẽ là một phiên bản của tên lửa tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM-ER với tầm bắn trên 1.000 km.

Tên lửa sẽ được tích hợp những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay như lớp vỏ và hình dáng tối ưu cho tán xạ sóng radar, trang bị hệ thống dẫn đường tiên tiến nhất.

Mặc dù vẫn chỉ có tốc độ cận âm nhưng tên lửa LRSO vẫn đủ khả năng xuyên thủng những hệ thống phòng không tối tân nhất nhờ đặc tính nổi trội của mình.

Sau khi nhận tên lửa LRSO, "pháo đài bay" B-52H của Mỹ sẽ giữ vững chức năng của một phương tiện tấn công hạt nhân chiến lược, điều này rất có ý nghĩa với Mỹ trong điều kiện hiện nay.

Ngoài trang bị cho B-52H Stratofortress, tên lửa hành trình hạt nhân tầm xa LRSO được dự báo cũng có khả năng tương thích với khoang vũ khí của máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer hoặc B-2 Spirit.

Trước nguy cơ phải đối diện với thứ vũ khí công nghệ cao cực kỳ lợi hại của Mỹ, các đối thủ của họ như Nga, Trung Quốc chắc chắn sẽ cảm thấy "lạnh gáy" và phải cấp tốc tìm biện pháp đối phó.