[ẢNH] Nga không thể sản xuất lớn cả T-14 Armata lẫn Su-57?

ANTD.VN - Ít lâu sau khi tuyên bố sẽ không sản xuất lớn tiêm kích tàng hình Su-57, giới chức quốc phòng Nga lại đưa ra thông tin tương tự với xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata.  

Phó Thủ tướng Nga phụ trách mảng quốc phòng, ông Yury Borisov vừa đưa ra tuyên bố bất ngờ rằng việc sản xuất hàng loạt xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới T-14 Armata sẽ phải dừng lại do chi phí quá đắt đỏ.

Tuyên bố trên được ông Yuri Borisov đưa ra hôm 29/7, ông nói rõ các lực lượng vũ trang Nga không muốn mua xe tăng Armata với số lượng lớn vì chi phí quá cao.

"Tại sao chúng ta phải trang bị loạt xe tăng Armata, chúng ta có T-72 với nhu cầu lớn trên thị trường, trong khi so với Abrams, Leclerc và Leopard thì chúng vượt trội về giá cả, hiệu quả và chất lượng, tình hình tương tự với xe chiến đấu Boomerang", ông Borisov nói.

Chúng tôi không thực sự cần điều này (sản xuất hàng loạt xe tăng T-14 Armata), những chiếc xe tăng này là khá đắt đỏ so với những gì hiện có, Phó Thủ tướng Nga thẳng thắn chia sẻ.

Hiện nay Nga đang tập trung hiện đại hóa các xe tăng cũ, họ đã đưa số lượng lớn T-72, T-80 và T-90 trở lại biên chế chiến đấu, tạo ra các lữ đoàn xe tăng được trang bị loại T-72B3, T-80BVM và T-90M hiện đại.

Thừa nhận của ông Yuri Borisov không khiến nhiều người ngạc nhiên về số phận chương trình xe tăng Armata, đặc biệt là vấn đề liên quan đến giá thành của dòng chiến xa thế hệ mới này. 

Nhưng bên cạnh đó, xuất hiện chẳng ít ý kiến lo ngại rằng T-14 Armata sẽ trở thành một "quả bom xịt" tiếp theo của nền công nghiệp quốc phòng Nga tương tự như nhiều dự án trước đó.

Từ khi Liên Xô sụp đổ, có rất nhiều vũ khí được Nga vẽ ra trên giấy rất hoành tráng nhưng rồi không thể sản xuất đại trà, tiêu biểu như tiêm kích Su-37, Su-47 hay những siêu tàu sân bay và siêu tàu đổ bộ tấn công...

Điều này càng có cơ sở hơn khi cũng mới đây chính ông Borisov cũng tuyên bố rằng Nga không có ý định trang bị tiêm kích tàng hình Su-57 với số lượng lớn.

Nga cũng viện dẫn lý do tương tự là các tiêm kích dòng Sukhoi khác bao gồm Su-27, Su-30, Su-34 và Su-35 vẫn đang làm quá tốt công việc chiếm ưu thế trên không.

Nhưng luận điểm này ngay lập tức bị bóc mẽ rằng vô cùng phi lý vì tiêm kích thế hệ 4 chẳng thể nào so sánh được với chiến đấu cơ thế hệ 5 trên tất cả các phương diện.

Lý do Nga chưa dám sản xuất Su-57 số lượng lớn chẳng qua là do chúng còn tồn tại quá nhiều lỗi như diện tích phải xạ radar cao, hệ thống điện tử chưa ổn định và quan trọng nhất là động cơ chưa sẵn sàng.

Tiêm kích thế hệ 5 phải bay bằng động cơ dành cho tiêm kích thế hệ 4 sẽ khiến máy bay chẳng thể nào tàng hình trước các phương tiện trinh sát đối phương và không thể bay hành trình siêu âm như thiết kế.

Dĩ nhiên không có ai lại đi sản xuất hàng loạt một sản phẩm còn tồn tại quá nhiều lỗi và chưa biết đến khi nào mới có thể khắc phục nổi, chưa kể giá thành của chúng đã có dấu hiệu không thể kiểm soát.

Các tuyên bố gần đây của ông Borisov bị cho là nhằm mục đích che giấu tình trạng rất bất cập của công tác nghiên cứu khoa học cũng như khả năng sản xuất của nền công nghiệp quốc phòng Nga.

Điều làm giới quân sự Nga lo ngại nhất vào lúc này đó là sau xe tăng T-14 Armata hay tiêm kích tàng hình Su-57 thì 5 loại vũ khí chiến lược mới được Tổng thống Putin giới thiệu trong thông điệp liên bang có bị ảnh hưởng?