[ẢNH] Nga cấp tốc sản xuất ào ạt Su-35S khi Su-57 vẫn trễ hẹn

ANTD.VN - Tương tự như xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata, tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga vẫn đang trầy trật để hoàn thiện tính năng thiết kế, điều này khiến Moskva phải cấp tốc triển khai phương án thay thế.

Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Sukhoi Su-57 là niềm hy vọng lớn nhất của Không quân Nga, được kỳ vọng sẽ giữ vai trò chiến đấu cơ chủ lực trong những năm đầu thế kỷ 21.

Mặc dù vậy sau những màn ra mắt hoành tráng và nhiều lời tung hô lên mây, tiêm kích tàng hình Su-57 đang có nhiều dấu hiệu cho thấy nó phải đối diện nguy cơ trở thành "bom xịt".

Còn quá nhiều việc người Nga cần làm trước khi Su-57 chính thức trực chiến, ví dụ như diện tích phản xạ radar của nó bị đánh giá là còn cao hay động cơ vẫn là loại dành cho thế hệ 4.

Như một động thái nhằm giúp đỡ nhà sản xuất, Nga đã đặt hàng 12 chiếc Su-57 khi chúng chưa hoàn thiện sức mạnh nhưng lại cho biết sẽ không tiếp tục chế tạo thêm.

Trong khi Su-57 chưa sẵn sàng thì các chiến đấu cơ thế hệ 4+ của Nga dĩ nhiên sẽ phải gồng mình lên để thay thế, ứng viên sáng giá nhất chính là Su-30SM và Su-35S.

Cuộc cạnh tranh nội bộ khốc liệt này đang có dấu hiệu nghiêng về Su-35S, khi Tổ hợp sản xuất máy bay Komsomolsk on Amur (KnAAPO) đang nhận được nhiều hợp đồng hơn hẳn Irkut (đơn vị lắp ráp Su-30SM).

Mới đây nhất, vào hôm 29-12-2018, Không quân Nga đã tiếp nhận cặp Su-35S cuối cùng trong loạt 10 máy bay đã lên kế hoạch bàn giao trong năm 2018, chúng mang số hiệu 15 và 17 "Đỏ".

Theo những thông tin từ ngành công nghiệp quốc phòng Nga, trong hai năm 2016 và 2017, Không quân Nga chỉ nhận được 20 chiến đấu cơ Su-35S, tuy nhiên chỉ trong năm 2018 con số này đã là 60.

Như vậy tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tiêm kích thế hệ 4+ Su-35S đã được cơ sở sản xuất KnAAPO bàn giao cho Không quân Nga đã lên tới con số 80 chiếc.

Dự kiến với tình hình chậm trễ của Su-57 và dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế, dây chuyền lắp ráp Su-35S sẽ được cơ sở sản xuất đẩy lên tới mức tối đa trong những năm tiếp theo.

Ngoài phục vụ nhu cầu của chính Không quân Nga, Su-35S còn là mặt hàng rất được ưa chuộng trên thị trường vũ khí thế giới khi nhiều quốc gia đang xếp hàng để chờ được mua.

Về phía Nga, có lẽ họ phải tạm chấp nhận tiến độ tiếp nhận tiêm kích Su-35S bị chậm lại, bởi vì khoản tiền thu được từ bán máy bay cho nước ngoài sẽ được tái đầu tư cho chính Quân đội Nga.

Việc Nga tăng tốc sản xuất Su-35S còn tỏ ra là bước đi hợp lý vì ngay cả lực lượng mạnh mẽ và có nguồn tài chính dồi dào như Không lực Hoa Kỳ vẫn tiếp tục đặt mua tiêm kích F-15X thay vì dồn toàn lực vào F-35.

Dự kiến trong tương lai Su-35S còn được nâng cấp đáng kể, khiến nó từ tiêm kích thế hệ 4,5 thành 4,75 nhờ tích hợp thêm khoang vũ khí bên trong để giảm diện tích phản xạ radar hay lắp đặt radar mảng pha quét chủ động.

Trước diễn biến trên, chắc chắn những quốc gia được xem là đối thủ của Nga như Ukraine hay khối quân sự NATO sẽ phải đặc biệt đề phòng và cấp tốc tìm biện pháp đối phó.