[ẢNH] Nga buộc phải phá hủy tên lửa hạt nhân mạnh nhất thế giới vì Ukraine?

ANTD.VN -Nga chuẩn bị tháo dỡ hai tên lửa đạn đạo hạt nhân hạng nặng R-36M2 Voevoda được NATO mệnh danh SS-18 Satan. Có ý kiến cho rằng Ukraine chính là nguyên nhân của việc buộc phải tháo dỡ này.

Quân đội Nga cuối tuần trước ký hợp đồng xử lý hai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) R-36M2 đang niêm cất tại một căn cứ quân sự ở vùng Ural. Moscow cũng gửi thông báo cho Washington về kế hoạch phá dỡ tên lửa này theo Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (New START) giữa hai nước.

Quá trình phá hủy hai tên lửa dự kiến được thực hiện vào tháng 11, trong đó mỗi tên lửa có khối lượng 52 tấn sẽ được tháo rời để thu hồi các kim loại quý. 

Các linh kiện trong mỗi quả R-36M2 chứa khoảng 1,2 kg vàng, 19 kg bạc, vài gram bạch kim, 6 tấn kim loại đen và 20 tấn kim loại màu. Những vật liệu như sợi thủy tinh và cao su sẽ được tái chế hoặc loại bỏ.

Nga đẩy nhanh đợt tháo dỡ này ngoài nhanh chóng đáp ứng điều khoản New START, thỏa thuận kiểm soát vũ khí duy nhất còn hiệu lực giữa Nga và Mỹ, họ còn muốn nhắm thông điệp rằng Nga đang rất tuân thủ các hiệp ước cắt giảm vũ khí, trong khi Mỹ lại tìm cách phá bỏ.

New START được ký năm 2010 và sẽ hết hạn vào tháng 2-2021, cho phép mỗi nước triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân, mức thấp nhất trong hàng chục năm qua. 

Hai nước cũng bị giới hạn về số tên lửa đạn đạo phóng từ mặt đất và tàu ngầm, cũng như oanh tạc cơ mang bom và tên lửa hành trình hạt nhân.

Tuy vậy cũng không ít ý kiến cho rằng Nga đẩy nhanh việc tháo dỡ tên lửa hạt nhân mạnh nhất thế giới R-36M2 và tuân thủ một cách nghiêm túc thỏa thuận là có lý do của nó.

Đó là vì Ukraine là nước duy nhất nắm giữ việc bảo trì loại tên lửa đặc biệt nguy hiểm này, đặc biệt là phần động cơ vẫn do Kiev cung cấp chứ Nga chưa thể chế tạo được trong nước. 

Trước đây dù căng thẳng nhưng Nga và Ukraine vẫn duy trì hợp đồng bảo dưỡng tên lửa này, tuy nhiên gần đây Kiev đã rút hoàn toàn việc hợp tác với Nga. 

Điều này dẫn đến loại vũ khí khủng khiếp nhất hành tinh cũng sẽ có nguy cơ nằm đất vì không được bảo trì. Hiện Nga chỉ còn một ít động cơ dự trữ và chúng không đủ cho các tên lửa R-36M2 hiện đang biên chế.

Chính vì vậy Nga đã đẩy nhanh việc phát triển loại tên lửa mới nhằm thay thế cho R-36M2 cũng như tránh phụ thuộc vào Ukraine.

Trong số các loại vũ khí nguyên tử mà con người từng chế tạo, thì tên lửa đạn đạo hạt nhân chiến lược R-36M2 nặng nhất, với tổng trọng lượng lên tới 211 tấn.

Chúng có thể bay xa tới 16.000km để tấn công bất cứ địa điểm nào trên hành tinh. Đây được coi là niềm tự hào của lực lượng hạt nhân Liên Xô và là nỗi khiếp sợ cho Mỹ và NATO.

Những tên lửa hạt nhân này có thể mang tới 10 đầu đạn hạt nhân độc lập với sức công phá từ 550 - 750 kiloton. Tổng trọng lượng đầu đạn nặng tới 9 tấn.

Khác với đa phần công nghệ tên lửa ngày nay sử dụng nhiên liệu rắn, những tên lửa hạt nhân chiến lược thời chiến tranh lạnh lại sử dụng nhiên liệu lỏng.

Tuy không nhỏ gọn như tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng lại có ưu điểm là có thể mang lượng đầu đạn lớn, đặc biệt là chi phí chế tạo và bảo dưỡng rẻ hơn nhiều.

Về cơ bản, R-36M/M2 là ICBM 2 tầng phóng sử dụng nhiên liệu lỏng kết hợp giữa N2O4 và UDMH. Thiết kế động cơ và buồng chứa nhiên liệu mới cho phép ICBM Satan mang được 188 tấn nhiên liệu

Tên lửa được R-36M2 phóng thử lần đầu vào tháng 2-1973 và được nhận vào biên chế ngày 30-12-1975. R-36M có tới 6 biến thể (từ Mod-1 tới Mod-5) với sự khác biệt chủ yếu ở trang bị đầu đạn chiến đấu.

R-36M2 sử dụng phương thức phóng thẳng đứng nguội. Đạn tên lửa được bảo quản trong thùng vận tải – phóng, lắp trong hầm phóng được nạp nhiên liệu ở trạng thái trực chiến thời gian dài. Cơ chế phóng được thực hiện hoàn toàn tự động.

R-36M2 tương tự như các dòng ICBM sử dụng hệ thống dẫn đường hỗn hợp tự động quán tính ở pha đầu, nhưng được hiệu chỉnh pha giữa thông qua máy tính đạn đạo kết nối với trung tâm chỉ huy mặt đất. Sai số mục tiêu của ICBM R-36M2 vào khoảng 500m - một con số không đáng kể đối với loại vũ khí hạt nhân có sức hủy diệt kinh hoàng.

Lực lượng tên lửa chiến lược Nga hiện còn duy khoảng 80 bệ phóng R-36M2 và chúng sẽ tiếp tục hoạt động cho tới năm 2026 trước khi bị thay thế hoàn toàn bởi Sarmat-một loại tên lửa hạt nhân vừa được Nga phát triển.

Trước khi bị dần thay thế bằng loại tên lửa R-28 Sarmat vào năm 2020 thì R-36M2 vẫn là loại tên lửa có tầm bắn xa nhất thế giới hiện nay.