[ẢNH] Nga bất lực nhìn F/A-18E/F Mỹ đánh bật ‘con cưng’ MiG-29K ra khỏi Ấn Độ?

ANTD.VN - Những động thái mới nhất cho thấy rất có thể Ấn Độ sẽ đặt mua dòng tiêm kích hạm F/A-18E/F Super Hornet của Mỹ nhằm trang bị cho không quân hải quân của mình.

Hãng chế tạo vũ khí Boeing của Mỹ đề xuất xây dựng một cơ sở mới ở Ấn Độ để sản xuất các máy bay chiến đấu F/A 18 Super Hornet nếu tập đoàn này giành được hợp đồng lớn các máy bay chiến đấu cho cả hải quân và không quân Ấn Độ.

Trong động thái mới nhất, chiếc tiêm kích hạm F/A-18E Super Hornet của Mỹ cũng đã thực tập màn cất cánh nhảy cầu, điều này được cho là đang thử nghiệm khả năng tương thích với tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ.

Hiện tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ đang biên chế dòng tiêm kích hạm MiG-29K, tuy nhiên chúng hoạt động thiếu ổn định, liên tiếp xảy ra tai nạn, thậm chí chỉ còn 1/3 trong tổng số 45 chiếc đặt mua là còn hoạt động được.

Điều này khiến giới chức quân sự Ấn Độ tìm đến một giải pháp thay thế MiG-29K, chiếc máy bay được nhắm đến chính là F/A-18E/F, dòng tiêm kích hạm thành công nhất thế giới.

Nếu việc mua F/A-18E/F Super Hornet để thay thế MiG-29K thành hiện thực thì đây là đòn đau đánh vào dòng tiêm kích hạm xuất khẩu của Nga. Nga hiện chỉ có thể sản xuất MiG-29K, trong khi dây chuyền sản xuất Su-33 đã đóng lại từ lâu và khó có khả năng khôi phục sản xuất.

F/A-18E/F Super Hornet là loại máy bay tiêm kích hoạt động trên tàu sân bay, bắt đầu biên chế cho Hải quân Hoa Kỳ vào năm 1999.

F/A-18 Super Hornet là một phiên bản có kích thước lớn và hiện đại hơn được phát triển từ F/A-18C/D Hornet.

F/A-18E/F Super Hornet được Hải quân Mỹ đặt mua của hãng McDonnell Douglas vào năm 1992, nó bay lần đầu tiên vào tháng 11 năm 1995, hạ cánh lần đầu tiên trên tàu sân bay vào năm 1997 và đi vào hoạt động chính thức vào năm 1999, thay thế cho tiêm kích hạm F-14 Tomcat.

So với F/A-18 Hornet thì phiên bản F/A-18E/F Super Hornet có kích thước to lớn hơn 20%.

Điều này giúp máy bay có tầm bay xa và khả năng hoạt động lâu dài trên không, phiên bản F/A-18 Hornet tuy được đánh giá cao về tính năng nhưng chúng vẫn có điểm yếu do tầm hoạt động ngắn.

Máy bay được thiết kế với chiều dài: 18.31m; Sải cánh: 13.62m; Chiều cao: 4.88m.

Trọng lượng cất cánh tối đa lên tới 30 tấn.

Máy bay được trang bị hai động cơ F414-GE-400 với lực đẩy đốt sau lên tới 98 kN.

Hai động cơ cực khỏe này giúp F-18 Super Hornet có thể bay với vận tốc Mach 1.6.

Tầm bay của F/A-18E/F Super Hornet lên tới 2346km.

Về hỏa lực, F/A-18 E/F Super Hornet sở hữu kho vũ khí khổng lồ, với 11 giá treo trên cánh và giữa thân, cho phép F-18 mang tải trọng 8 tấn vũ khí bên ngoài.

Nó có thể sử dụng được nhiều loại bom, tên lửa cho đủ các nhiệm vụ đối không, đối hải và đối đất, tác chiến điện tử…

Trong nhiệm vụ đối không, F/A-18 Super Hornet được trang bị một khẩu pháo 6 nòng 20mm ở mũi máy bay cùng các tên lửa không đối không như AIM-9 Sidewinder, AIM-120 AMRAAM...

Một chiếc F/A-18 Super Hornet được trang bị đầy đủ vũ khí với các tên lửa không đối không AIM-120 tầm xa và AIM-9X tầm ngắn.

Trong nhiệm vụ chống tàu mặt nước nó có thể mang tên lửa chống hạm AGM-84 và có thể cả tên lửa chống radar AGM-88 HARM.

Trong tác chiến tấn công mặt đất, F-18 có thể được lắp đặt tên lửa không đối đất AGM-65 Maverick, AGM-154 JSOW, AGM-158 JASSM, AGM-84 SLAM-ER và mang được nhiều loại bom, từ “bom ngu” tới “bom thông minh”.

Loại chiến đấu cơ được mệnh danh là “vũ khí của thần chết” này được trang bị màn hình điều khiển tinh thể lỏng đa dụng, hệ thống lái số fly-by-wire, kính nhìn ban đêm, mũ phi công JHMCS mang lại khả năng nhận biết đa trạng thái, nhiều mục đích cho phi công.

Radar quét mảng pha chủ động AESA APG-79 trên F/A-18E/F Super Hornet cho phép đồng thời tấn công đối không và đối đất.

Hệ thống cảm biến quang điện chính và chùm laser chỉ định mục tiêu AN/ASQ-228ATFLIR cung cấp bản đồ mặt đất chi tiết ở cự ly xa.

Máy bay cũng được trang bị hệ thống đối kháng tổng hợp (IDECM) gồm hệ thống phòng vệ chống tên lửa, có khả năng phóng mồi bẫy ALE-47, ALE-50; radar cảnh báo AN/ALR67V3 và hệ thống gây nhiễu ALQ-65 hoặc ALQ-71; hệ thống thông tin số liệu chuẩn Link 16…

Khả năng tác chiến của F/A-18 Super Hornet đã được kiểm chứng qua thực tế chiến đấu trong rất nhiều chiến dịch tác chiến của Mỹ-NATO, năng lực của nó không có gì phải bàn cãi.

Việc Ấn Độ nhắm đến F/A-18E/F Super Hornet ngoài việc cần sự chuyển giao công nghệ sản xuất, tăng cường sức mạnh hải quân, họ lại đang cần công nghệ máy phóng của tàu sân bay Mỹ cho những hàng không mẫu hạm tương lai, vì thế thương vụ đình đám náy có thể được thực hiện sớm trong thời gian tới.