[ẢNH] Nếu Mỹ tấn công Venezuela, khả năng trợ giúp của Nga cũng là rất hạn chế

ANTD.VN - Khoảng cách địa lý và việc thiếu đồng minh trong khu vực là những yếu tố khiến Nga khó có thể hỗ trợ trực tiếp tổng thống Maduro trong khủng hoảng Venezuela.

Tổng thống Nga Putin coi việc giúp đỡ những chính quyền bị phương Tây gây sức ép là trụ cột chính sách đối ngoại. 

Khi Mỹ thúc giục Tổng thống Syria Bashar al-Assad rời ghế và hậu thuẫn cho phiến quân chống chính phủ, Nga đã điều động lực lượng đến Syria để kết hợp với Iran hỗ trợ Assad.

Venezuela đang lâm vào hoàn cảnh tương tự khi vào ngày 23-1, Mỹ công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido là tổng thống lâm thời và gọi Nicolas Maduro là tổng thống bất hợp pháp.

 Washington đã áp lệnh trừng phạt với tập đoàn dầu nhà nước Venezuela để chặn nguồn thu cho chính quyền Maduro. 

Tổng thống Donald Trump nói rằng ông cân nhắc tất cả phương án đối với Venezuela trong đó bao gồm cả biện pháp quân sự nếu như chính quyền Venezuela tấn công người biểu tình.

Nga chỉ trích các động thái của Mỹ và đứng về phía tổng thống Maduro.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, một phần Venezuela là đồng minh thân cận duy nhất của Nga tại khu vực Nam Mỹ, bên cạnh đó Nga cũng đang có nhiều dự án đầu tư với hàng tỷ đô la vào nước này, việc đổi thể chế đồng nghĩa với việc Nga mất tất cả.

Tuy vậy nhiều nhà quan sát cho rằng trong trường hợp Mỹ tấn công Venezuela, khả năng trợ giúp của Nga là rất hạn chế. 

Điều này bắt nguồn từ khoảng cách địa lý xa xôi, Nga chưa có những biên đội tàu sân bay đủ lớn để hoạt động dài hơi như Mỹ, mặt khác Nga cũng không có đồng minh thân cận tại đây.

Có sự khác biệt giữa Venezuela và Syria. Họ cách xa Nga hàng nghìn km và không có đồng minh mạnh mẽ trong khu vực như Iran để được hỗ trợ bởi lực lượng mặt đất. 

Nền kinh tế Nga đang đình trệ nên Điện Kremlin không có khả năng tài chính và công chúng trong nước cũng khó có thể ủng hộ một cuộc phiêu lưu tốn kém ở nước ngoài

Tuy vậy các dấu hiệu hiện nay cho thấy Điện Kremlin sẽ không can thiệp trực tiếp mà sẽ tìm cách để giảm nhiệt cho khu vực.

Moscow nhiều lần đề nghị đứng ra làm bên hòa giải tranh chấp. "Chúng tôi và các thành viên có trách nhiệm khác của cộng đồng quốc tế sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ chính phủ hợp pháp", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói.

Vladimir Zhirinovsky, người theo chủ nghĩa dân tộc cứng rắn, đề nghị Nga điều một hạm đội đến hậu thuẫn tổng thống Maduro. 

Về bản chất, động thái này sẽ giống như lặp lại khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962, khi Mỹ và Liên Xô ở bên bờ vực chiến tranh hạt nhân xoay quanh việc Liên Xô triển khai tên lửa ở Cuba. 

Trong những năm gần đây, Rosneft, công ty dầu mỏ nhà nước Nga, đã nắm giữ cổ phần đáng kể trong ngành công nghiệp dầu Venezuela và Điện Kremlin đã bán nợ vũ khí cho Caracas. Tháng 12/2018, Nga điều hai oanh tạc cơ đến Venezuela để thể hiện sự ủng hộ với Maduro.

Tuy nhiên, Dmitri S. Peskov, phát ngôn viên của tổng thống Nga, bác bỏ thông tin rằng Moscow đang can thiệp bằng những cách thức bí mật, như cung cấp nhân viên quân sự tư nhân để bảo vệ Maduro và tài sản quan trọng của chính phủ.

Các nhà phân tích khác cho rằng phương án này là không cần thiết vì quân đội Venezuela vẫn đứng về Maduro. Các quan chức Nga nhiều lần nói rằng họ không nhận được đề nghị xin hỗ trợ từ Caracas.

Giới chuyên gia đánh giá kịch bản Syria khó có thể lặp lại. Ngoài các yếu tố khoảng cách địa lý và chi phí, có một số lý do khiến Nga không dễ can thiệp vào tình hình Venezuela.

Tại Syria, Nga có thể chiến đấu từ xa, triển khai lực lượng không quân hoặc phóng tên lửa hành trình từ biển Caspi. Trong khi đó, Iran cung cấp lực lượng mặt đất cần thiết để đánh bại phiến quân chống chính phủ.

Giới phân tích Nga nhấn mạnh căng thẳng Venezuela chưa đến mức bùng phát chiến tranh và các oanh tạc cơ không thể giúp xử lý người biểu tình. Họ nhấn mạnh rằng Điện Kremlin sẽ không triển khai binh lính để đụng độ với người biểu tình trên đường phố ở Caracas hoặc các thành phố khác.

Ở Trung Đông, Syria có những người bạn như Iran. Nhưng ở Mỹ Latin, ngoài Cuba và Nicaragua, không một chính phủ nào ủng hộ ông Maduro, mà hai quốc gia này lại rất yếu về mặt vị thế lẫn quân sự.

Do đó, bất kỳ sự can thiệp nào của Nga đều có nguy cơ khiến quan hệ của họ với các nước khác trong khu vực này xấu đi, chưa kể đến việc kích động thêm nhiều lệnh trừng phạt từ Mỹ

Mặt khác Nga can thiệp quá sâu vào "sân sau" của Mỹ trong hoàn cảnh hiện tại cũng là điều bất lợi cho Nga.

Chính vì vậy Nga đang cố gắng để tháo ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng tại đây. Việc sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải, sẵn sàng gặp gỡ thủ lĩnh đối lập nếu được yêu cầu đã phần nào cho thấy bước đi chiến lược của Nga tại khu vực Nam Mỹ.