[ẢNH] Mỹ xúc tiến kế hoạch "trục xuất" Nga khỏi căn cứ hải quân tại Sudan

ANTD.VN - Các lợi ích của Nga và Mỹ đã xung đột tại Sudan, nơi Moskva có kế hoạch thành lập một căn cứ hải quân trên bờ Biển Đỏ, ở Cảng Sudan.

Moskva đã ký một thỏa thuận với Khartoum vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, người Mỹ đang tuyên bố lợi ích tại Cảng Sudan và các cơ sở khác ở nước này.

Cổng thông tin Al-Arab cũng như các phương tiện truyền thông khác của Sudan cho rằng Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ (AFRICOM) đã cố gắng trong gần hai tháng để thuyết phục Sudan từ bỏ các thỏa thuận với Liên bang Nga và hợp tác với Lầu Năm Góc.

Mới đây, lần đầu tiên kể từ khi thành lập AFRICOM (2008), một tàu vận tải viễn chinh cao tốc mang tên USNS Carson City đã đến Cảng Sudan với lính Thủy quân lục chiến Mỹ trên tàu.

Phó Tư lệnh AFRICOM Andrew Young cho biết: "Đây là thời điểm thay đổi cơ bản trong quan hệ song phương giữa Mỹ và Sudan".

Các phương tiện truyền thông Ả Rập đưa tin rằng tàu hải quân Mỹ đã đến Cảng Sudan như một phần thỏa thuận quân sự giữa Khartoum và Washington.

Điều này có vẻ "giật gân" vì chỉ vào tháng 12/2020, giới lãnh đạo Mỹ chỉ mới loại Sudan khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

Trước đó trong gần 20 năm, không có bất kỳ cuộc tiếp xúc quân sự nào giữa hai bên, chưa nói đến hợp tác. Chỉ có các biện pháp trừng phạt, điều này đã cản trở rất nhiều sự phát triển của đất nước châu Phi.

Vào ngày 6/1, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã bay đến Khartoum, nơi mà theo truyền thông Ả Rập, họ đã thảo luận về khả năng di dời trụ sở chỉ huy AFRICOM từ Đức sang Sudan.

Cũng trong tháng 1/2021, ông Andrew Young và Cục trưởng Cục tình báo - Chuẩn Đô đốc Heidi Berg, đã đến thăm Sudan. Họ có cuộc gặp với Thủ tướng Abdullah Hamdok, Chủ tịch Hội đồng Chủ quyền, Bộ trưởng Quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang nước này.

Bình luận về những cuộc tiếp xúc, phát ngôn viên AFRICOM - Đại tá Christopher Karnes nói rằng "Mỹ sẵn sàng giúp Lực lượng vũ trang Sudan nâng cao tính chuyên nghiệp của họ".

Sau khi các nhà lãnh đạo quân sự AFRICOM đến thăm Sudan, các phương tiện truyền thông Ả Rập bắt đầu nói về một số thỏa thuận quân sự đã ký với người Mỹ. Ở cấp độ chính thức, lãnh đạo Sudan không xác nhận hay phủ nhận điều này.

Vào tháng 8/2020, Ngoại trưởng Mỹ Michael Pompeo đã đến thăm Khartoum. Washington hứa sẽ giúp đỡ sự phát triển của đất nước về vật chất và tài chính, vị tướng không từ chối.

Có vẻ như Washington cũng thúc giục Sudan làm hòa với Israel và Khartoum cũng không chống lại, nhưng yêu cầu dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại đất nước.

Sang tháng 12, các lệnh trừng phạt đã được dỡ bỏ, tới ngày 6/1/2021, giống như một số quốc gia Ả Rập khác, Sudan đã ký thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel.

Điều này xảy đến với sự tham gia của Bộ trưởng Tài chính Mỹ, người đã đến Khartoum để giúp lãnh đạo Sudan "giải quyết các khoản nợ của Khartoum đối với Ngân hàng Thế giới".

Nhưng hỗ trợ tài chính tích cực cho Sudan từ Mỹ vẫn chưa được quan sát. Các chuyên gia Nga cho rằng hoạt động của người Mỹ ở nước này có liên quan đến việc Moskva muốn đặt căn cứ hải quân ở Sudan.

Nhưng không chắc rằng các liên hệ quân sự của AFRICOM với Khartoum chỉ được kết nối với mong muốn chống lại Moskva.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã tuyên bố rằng "chính sách gây bất ổn" của Liên bang Nga là một trong những thách thức chính đối với NATO, không chỉ ở châu Âu mà còn tại Trung Đông và Châu Phi.

Mỹ có lợi ích địa chính trị và kinh tế riêng ở Sudan và các khu vực tiếp giáp với nó, trước hết là Biển Đỏ. "Nếu Nga xây dựng một căn cứ hải quân ở Sudan, thì giống như thời Liên Xô, khi họ có các căn cứ ở đó, sẽ kiểm soát việc đi lại của tàu bè qua Biển Đỏ".

Đại tá Nikolai Shulgin, chuyên gia quân sự cho biết: "Chính qua vùng biển này và qua kênh đào Suez, gần 1/10 tổng lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển trên thế giới được thực hiện".

Ông lưu ý rằng người từng cai trị Sudan - Omar al-Bashir, coi khu vực này là "chìa khóa của châu Phi".

“Bashir đã mất một thời gian dài cố gắng thuyết phục Nga sở hữu những chìa khóa trên. Và Nga bây giờ có nó”.

“Mặc dù căn cứ hải quân của Nga ở Sudan chỉ tồn tại trên giấy. Nhưng các đối thủ của Moskva, như họ nói, có mọi thứ trong tầm kiểm soát”, chuyên gia bình luận.

Không có gì bí mật khi tại khu vực eo biển Bab el-Mandeb, con đường ngắn nhất từ ​​Đại Tây Dương đến Ấn Độ Dương, các nhóm hải quân của Mỹ và đồng minh đã tập trung đông đủ.

“Đội hình hoạt động thứ 152 của các quốc gia tham gia vào chiến dịch chống khủng bố đóng tại cảng Djibouti: Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha và một số quốc gia khác”.

“Trung Quốc cũng xây dựng căn cứ của họ gần đó trong cùng một quốc gia. Cụ thể, Nga và Trung Quốc được coi là đối thủ lớn nhất của Mỹ”, ông Shulgin lưu ý.

Trong khi đó, việc xây dựng một căn cứ hải quân của Nga ở Sudan dường như vẫn chưa được bắt đầu.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga Timur Ivanov gần đây cho biết "một ủy ban trinh sát đã làm việc ở đó, làm rõ khả năng kỹ thuật và khối lượng yêu cầu của các tòa nhà và công trình phụ trợ".

Ủy ban này của Bộ Quốc phòng Liên bang Nga hoạt động trong khuôn khổ thỏa thuận song phương về việc thành lập một trung tâm hậu cần cho Hải quân Nga tại Sudan.

"Bây giờ chúng tôi sẽ chuẩn bị một báo cáo, chuẩn bị các lý do cần thiết để tính toán chi phí và theo cách thức quy định, chúng tôi sẽ đưa ra quyết định về việc khởi công xây dựng", vị Thứ trưởng nói và cho biết thêm thời điểm khởi công vẫn chưa được xác định.