[ẢNH] Mỹ "ngồi trên đống lửa" trước viễn cảnh đồng minh tại Syria chĩa súng vào nhau vì Thổ Nhĩ Kỳ

ANTD.VN - Việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân tấn công vào lực lượng dân quân người Kurd (YPG), tại khu vực Afrin, thuộc vùng nông thôn phía bắc Aleppo khiến xảy ra nguy cơ đối đầu giữa hai đồng minh Mỹ là lực lượng Dân chủ Syria (SDF) và quân đội Syria tự do (FSA).

Ngày 20-1, không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tiến hành những cuộc không kích đầu tiên đánh vào chiến tuyến của lực lượng dân quân người Kurd (YPG),tại khu vực Afrin, thuộc vùng nông thôn phía bắc Aleppo.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan trong một bài phát biểu tại tỉnh Anatolian tuyên bố rằng, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ phối hợp với lực lượng Quân đội Syria tự do (FSA) chống lại lực lượng dân quân người Kurd tại Afrin

Tiếp đó ngày 21-1, hàng đoàn xe tăng và bọc thép tiến vào tiếp khu vực này để đối đầu với YPG.

Đây được coi là cuộc tấn công quy mô lớn nhất trong những năm trở lại đây của Thổ Nhĩ Kỳ vào lực lượng dân quân người Kurd.

Hãng tin Hawar (Hawar News Agency - ANHA) đăng tải thông tin khẳng định rằng, các máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ không kích nhiều vị trí của lực lượng người Kurd tại các thị trấn Shero, Shra, Jandarseh và thành phố Afrin.

Nguồn tin mạng xã hội “đối lập” Syria cho biết: không quân Thổ Nhĩ Kỳ phá hủy nhiều khu vực phòng thủ của YPG tại các thị trấn Tall Rifat và Menagh, nơi tập trung đông người Ả rập sinh sống.

Tổng thống Erdogan nói, sau khi vô hiệu hóa lực lượng YPG ở Afrin, các lực lượng vũ trang liên minh quân sự do quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu sẽ tiến công vào thị trấn Manbij ở Syria.

Giới quan sát nhận định chiến dịch "Cành ô liu" của Thổ Nhĩ Kỳ đã được chuẩn bị kỹ càng từ lâu và lựa chọn thời điểm thích hợp để can thiệp sâu vào cuộc chiến tại Syria.

Các máy bay này đã tiêu diệt tới 108 trong tổng số 113 mục tiêu được dự tính trước đó.

Tuy nhiên điều đáng nói trong sự kiện này là việc các đồng minh Mỹ tại Syria có thể vì Thổ Nhĩ Kỳ mà quay súng chĩa vào nhau.

Cả quân đội Syria tự do (FSA) và lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đều là đồng minh của Mỹ để chống lại Tổng thống Assad.

Trước khi xây dựng lực lượng SDF, Mỹ đã tập trung sức lực để xây dựng lên lực lượng FSA.

Mỹ đã chuyển hàng chục tấn vũ khí hiện đại cho lực lượng này bao gồm cả tên lửa chống tăng TOW.

Sau khi nhận thấy dấu hiệu của lực lượng này có sự tham gia của những phần tử hồi giáo cực đoan chống Mỹ, Washington liền hạn chế và tiến hành ngưng cung cấp vũ khí cho lực lượng này.

Tuy vậy trong mặt trận ngoại giao lẫn trên chiến trường, FSA vẫn bị tiếng là đồng minh của Mỹ.

Sau khi bị Mỹ bỏ rơi, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp tục đỡ đầu lực lượng này để làm đối trọng với chính quyền của Tổng thống Assad mà họ vốn không ưa.

Về phía lực lượng Dân chủ Syria đang được Mỹ đỡ đầu, chiếm thành phần chủ đạo lại là các chiến binh người Kurd.

Ước tính người Kurd đang chiếm 80% số thành viên lực lượng này.

Cũng giống như FSA, SDF được Mỹ viện trợ cho một số lượng khổng lồ vũ khí trong đó có cả các loại vũ khí hiện đại.

SDF tuyên rằng họ sẵn sàng can thiệp để bảo vệ những chiến binh người Kurd trong lực lượng YPG.

Đã có những cuộc tấn công lẻ tẻ của SDF vào quân đội Thổ Nhĩ Kỳ để bảo vệ YPG.

Hiện tại quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang phối hợp chặt chẽ với FSA để đánh người Kurd. 

Trong một tương lai gần SDF và FSA chĩa súng vào nhau là điều khó tránh khỏi.

Điều này vô tình gây khó xử và bất lợi cho chiến lược của Mỹ tại quốc gia Trung Đông này.

Washington cung cấp vũ khí hiện đại cho cả FSA và SDF để tấn công vào quân khủng bố và lực lượng quân chính phủ Syria chứ không phải để họ tấn công vào nhau.

Việc FSA và SDF xung đột sẽ khiến cho cả hai lực lượng này suy yếu, tạo lợi thế cho quân đội Syria.

Cũng giống như Nga, Mỹ đang cố gắng xây dựng tầm ảnh hưởng của mình, chiếm được vị thế tại Syria sẽ có thể xoay chuyển phần nào cục diện của toàn bộ khu vực Trung Đông.

Trong khi Nga đang hỗ trợ hết mình cho quân đội chính phủ Syria, thì Mỹ lại đang ra sức xây dựng các lực lượng đối lập.

Sau khi khủng bố IS bị đánh tan, cục diện chiến trường đang chia đều phần lợi thế cho cả phe chính phủ lẫn đối lập.

Sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đã vô tình đang phá vỡ cục diện cân bằng ấy.

Hiện Syria vẫn lên tiếng cực lực phản đối hành động xâm phạm lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ, tuy vậy nếu FSA và SDF lao vào tấn công nhau, vô tình tạo lợi thế cho liên quân Nga-Syria.

Cả Nga và Mỹ được cho là ở thế tiến thoái lưỡng nan.

Nga và Mỹ một phần coi trọng Thổ Nhĩ Kỳ trong khi vẫn có những mối quan hệ mật thiết với các đồng minh của mình tại Syria.

Hiện hai cường quốc can thiệp chính vào Syria vẫn chưa có phản ứng chính thức về hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó nguồn tin chiến trường cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sau một ngày tiến quân khá thuận lợi thì họ đã bắt đầu gặp sức kháng cự mãnh liệt của lực lượng dân quân người Kurd.

Nguồn tin chiến trường còn cho biết, đã có 5 xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ và hàng chục binh sĩ đã bị loại khỏi vòng chiến đấu trong ngày 21-1 vừa qua.

Lực lượng tăng thiết giáp Thổ Nhĩ Kỳ tiến sâu vào lãnh thổ Syria khoảng 3,5km.

Sử dụng xe tăng và được sự hỗ trợ từ không quân, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã chiếm các vùng Shankal, Korne, Bali, Ada, Manli, vùng nông nghiệp Kit, Cordoba và Bibno, cũng như 4 ngọn đồi ở khu vực Afrin. Chiến trường vẫn tiếp tục nóng bỏng trong thời gian tới.