[ẢNH] Mỹ loại biên 136 tiêm kích F/A-18 Hornet và cơ hội vàng cho không quân các nước Đông Nam Á

ANTD.VN - Việt Nam đã cho nghỉ hưu toàn bộ tiêm kích MiG-21, khoảng trống loại máy bay này để lại đang được Su-22 tạm thời gánh vác. Hiện không quân vẫn đang tìm một loại máy bay thay thế, rất có thể tiêm kích F/A-18 Hornet của Mỹ sẽ là một trong số những ứng cử viên sáng giá cho vị trí này.

Defense News dẫn lời người phát ngôn hải quân Mỹ, Thượng úy Lauren Chatmas cho biết, quyết định loại bỏ 136 tiêm kích F/A-18 Hornet được đưa ra sau khi “Chỉ huy các Chiến dịch của hải quân Mỹ cùng Sở chỉ huy hệ thống trên không của Hải quân Mỹ quyết định rằng số máy bay này đã hết vòng đời sử dụng và cần phải được nâng cấp nếu tái sử dụng”.

Ngoài ra, quyết định này cũng là một phần trong kế hoạch thay thế dần các phiên bản đã lỗi thời của các chiến đấu cơ F/A-18 Hornet bằng phiên bản hiện đại hơn là Super Hornet. 

Theo đó, toàn bộ phiên bản F/A-18 Hornet từ A-D sẽ bị loại bỏ hoàn toàn, chỉ để lại 2 phiên bản E và F được định danh là Super Hornet.

Việc chấm dứt hoạt động của những chiến đấu cơ F/A-18 Hornet sẽ được tiến hành liên tục trong các năm tài khóa từ 2017-2020.

Các chiến đấu cơ F/A-18 Hornet bị loại bỏ sau khi các quan chức Hải quân Mỹ cân nhắc về những nguy cơ có thể xảy ra đối với năng lực sẵn sàng chiến đấu của loại máy bay này cũng như chi phí hoạt động lâu dài so với lợi ích thực sự mà chúng mang lại.

Cũng theo người phát ngôn Hải quân Mỹ, Thượng úy Lauren Chatmas, kế hoạch loại bỏ những chiến đấu cơ F/A-18 Hornet sẽ giúp hải quân Mỹ tiết kiệm được khoảng 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới.

Một chiếc tàu sân bay Mỹ đang chở đầy tiêm kích F/A-18 Hornet và F/A-18 Super Hornet.

4 chiếc F/A-18C Hornet đang đậu trên tàu USS Carl Vinson của Mỹ.

Những chiếc F/A-18 Hornet đầu tiên được đưa vào biên chế Hải quân Mỹ năm 1983 trong khi phải 16 năm sau những chiếc F/A-18 Super Hornet mới được sử dụng. Không thể phủ nhận đây là những máy bay tiêm kích hạm mạnh nhất thế giới.

Không thể phủ nhận F/A-18 là một trong những tiêm kích hạm thành công nhất thế giới. 

Từ phiên bản tiêm kích hạng nhẹ F-5, Mỹ đã phát triển thành YF-17, đây chính là phiên bản tiền thân của tiêm kích hạm nổi tiếng F/A-18 hiện nay của không quân hải quân Mỹ.

Tiêm kích hạng nhẹ F-5 do Mỹ sản xuất. 

YF-17 phiên bản tiền thân của F/A-18 Hornet sau này.

Hải quân Mỹ đã bắt đầu chương trình thực nghiệm Máy bay chiến đấu hải quân (VFAX) để có được một loại máy bay đa nhiệm mới thay thế cho chiếc Douglas A-4 Skyhawk, A-7 Corsair II, và những chiếc McDonnell Douglas F-4 Phantom II còn lại, và bổ sung cho loại F-14 Tomcat. 

Phó đô đốc Kent Lee, khi ấy là lãnh đạo Bộ chỉ huy các hệ thống không quân hải quân (NAVAIR), là người ủng hộ hàng đầu cho dự án VFAX trước sự phản đối mạnh mẽ của nhiều sĩ quan hải quân, gồm cả Phó đô đốc William D. Houser, phó chỉ huy các chiến dịch không chiến hải quân.

Tháng 8 năm 1973, Hạ viện ủy nhiệm cho Hải quân theo đuổi một phương án thay thế chi phí thấp cho F-14. Grumman đề xuất một mẫu cải tiến của F-14 có tên định danh F-14X, trong khi McDonnell Douglas đề xuất một biến thể hải quân của F-15, nhưng cả hai đều có phi phí đắt như loại F-14 đang triển khai. 

Mùa hè năm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Schlesinger ra lệnh cho Hải quân đánh giá các đối thủ tranh trong chương trình Máy bay chiến đấu hạng nhẹ (LWF) của Không quân, loại YF-16 của General Dynamics và YF-17 của Northrop.

 Cuộc cạnh tranh của Không quân yêu cầu một loại máy bay chiến đấu ban ngày không có khả năng tấn công. 

Tháng 5 năm 1974, Ủy ban Khoa học quân sự Thượng viện chuyển 34 triệu USD từ VFAX sang một chương trình mới mang tên Máy bay chiến đấu không quân hải quân (NACF), với dự định lợi dụng tối đa công nghệ đã được phát triển cho chương trình LWF.

Dù YF-16 dành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh LWF, nhưng hải quân nghi ngờ rằng một loại máy bay một động cơ với bộ bánh đáp hẹp có thể dễ dàng hay tương thích một cách kinh tế với hoạt động trên tàu sân bay, và từ chối chấp nhận loại máy bay xuất xứ từ F-16 này. 

Ngày 2 tháng 5 năm 1975 hải quân thông báo họ lựa chọn YF-17. Bởi LWF không có cùng những yêu cầu thiết kế như VFAX, hải quân đã yêu cầu McDonnell Douglas và Northrop phát triển một loại máy bay mới từ thiết kế và các nguyên lý của YF-17.

 Ngày 1 tháng 3 năm 1977 Bộ trưởng hải quân W. Graham Claytor thông báo rằng F-18 sẽ được đặt tên là "Hornet" (Ong bắp cày).

Northrop đã hợp tác với McDonnell Douglas như một nhà thầu thứ hai cho NACF để lợi dụng ưu thế của hãng này trong việc sản xuất máy bay hoạt động trên tàu sân bay, gồm cả loại F-4 Phantom II được sử dụng rộng rãi. 

Với chiếc F-18, hai công ty đồng ý chia nhau mọi thành phần chế tạo, và McDonnell Douglas thực hiện công việc lắp ráp cuối cùng. 

McDonnell Douglas sẽ chế tạo cánh, các bộ phận ổn định, và phần thân trước; trong khi Northrop sản xuất phần thân giữa và thân sau cùng các bộ ổn định dọc. 

McDonnell Douglas là nhà thầu chính cho các phiên bản hải quân, và Northrop sẽ là nhà thầu chính cho phiên bản hoạt động trên đất liền F-18L mà họ hy vọng sẽ bán trên thị trường xuất khẩu.

Ban đầu, kế hoạch dự định mua 780 chiếc máy bay ở cả ba biến thể: máy bay chiến đấu một chỗ ngồi F-18A và máy bay tấn công A-18A, chỉ khác nhau ở hệ thống điện tử; và loại TF-18A hai chỗ ngồi, giữ lại mọi khả năng chiến đấu của F-18 và giảm lượng nhiên liệu.

Sau những cải tiến trong hệ thống điện tử và màn hình hiển thị đa chức năng, A-18A và F-18A có thể được gộp chung trong một máy bay. Bắt đầu từ năm 1980, chiếc máy bay bắt đầu được gọi là F/A-18A và chiếc TF-18A được định danh lại là F/A-18B

Northrop đã phát triển F-18L như một mẫu máy bay xuất khẩu tiềm năng, trực tiếp cạnh tranh với F-16. Mẫu F-18L nhẹ hơn F/A-18 và hoạt động ổn định hơn so với F-16.

Tuy nhiên quan hệ giữa McDonnell Douglas và Northrop trở nên gay gắt vì sự cạnh tranh bán hàng giữa hai mẫu dẫn đến mẫu máy bay F-18L đã không còn được tiếp tục phát triển. 

Các đơn đặt hàng máy bay hạng nhẹ của Mỹ đều bị F-16 và F/A-18 chiếm hết.

Chiếc F/A-18A sản xuất hàng loạt đầu tiên cất cánh ngày 12 tháng 4 năm 1980. Sau giai đoạn sản xuất 380 chiếc F/A-18A việc sản xuất chuyển sang F/A-18C vào tháng 9 năm 1987.

F/A-18 là một máy bay chiến thuật đa nhiệm, hai động cơ cánh giữa. Nó có khả năng thao diễn cao, nhờ lực đẩy trên trọng lượng lớn, hệ thống điều khiển bay số fly-by-wire, và các cánh nâng trước (LEX). 

LEX cho phép Hornet vẫn ở trong vòng kiểm soát ở những góc tấn công lớn. Cánh có dạng hình thang với góc chéo 20 độ ở phần mép trước cánh và một cạnh lái đuôi thẳng. Cánh có cánh tà suốt chiều dài và cánh lái đuôi có các cánh tà đơn khe và những cánh nhỏ suốt chiều dài.

Hornet nằm trong số những chiếc máy bay đầu tiên sử dụng nhiều màn hình hiển thị đa chức năng, với chỉ một nút bấm cho phép phi công thực hiện chức năng chiến đấu hay tấn công hoặc cả hai.

Hornet cũng có ưu điểm ở việc được thiết kế nhằm giảm thiểu nhu cầu bảo dưỡng, nhờ đó có thời gian nghỉ ngắn hơn các máy bay cùng loại to lớn hơn như F-14 Tomcat và A-6 Intruder. 

Thời gian sử dụng không mắc lỗi trung bình của nó lớn gấp ba lần bất kỳ loại máy bay chiến đấu nào khác của không quân, và chỉ cần số thời gian bảo dưỡng bằng một nửa.

Các động cơ General Electric F404 của nó cũng được thiết kế với ưu tiên hàng đầu cho khả năng hoạt động, độ tin cậy và khả năng duy trì.

Động cơ F404 chỉ được kết nối vào khung máy bay ở 10 điểm và có thể được thay thế mà không đòi hỏi thiết bị đặc biệt; một đội bốn người có thể tháo động cơ trong vòng 20 phút.

F/A-18 lần đầu tham chiến tháng 4 năm 1986, khi những chiếc Hornet của phi đội VFA-131 Hornets từ tàu USS Coral Sea thực hiện các phi vụ SEAD chống lại các lực lượng phòng không Libya trong chiến dịch Lửa thảo nguyên và một cuộc tấn công vào Benghazi như một phần của Chiến dịch El Dorado Canyon.

Trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, hải quân Mỹ triển khai 106 chiếc F/A-18A/C Hornet và Thủy quân lục chiến triển khai 84 chiếc F/A-18A/C/D Hornet. 

Hai chiếc F/A-18 của hải quân Mỹ đã bị bắn hạ vào ngày ngày 17 tháng 1 năm 1991, ngày đầu tiên của cuộc chiến, Thiếu tá hải quân Scott Speicher thuộc phi đội VFA-81 bị thiệt mạng khi máy bay của ông lao xuống đất.

Chiếc F/A-18 kia do Đại úy hải quân Robert Dwyer điều khiển mất tích ở phía bắc vịnh Persian sau một phi vụ thành công vào Iraq.

Các phi công F/A-18 được công nhận thực hiện hai chiến công bắn rơi tiêm kích MiG-21 trong Chiến tranh vùng Vịnh. Ngày 17-1, ngày đầu tiên của cuộc chiến, hai phi công của Hải quân Mỹ, Thiếu tá Mark I. Fox cùng người hộ tống, Đại úy Nick Mongilio được điều từ tàu USS Saratoga tại Biển Đỏ tới ném bom một sân bay ở tây nam Iraq. 

Khi đang trên đường thực hiện nhiệm vụ, họ được một chiếc E-2C cảnh báo về máy bay MiG-21 đang tiếp cận. Những chiếc Hornet đã bắn hạ hai chiếc MiG-21 với các tên lửa AIM-7 và AIM-9 trong một cuộc hỗn chiến ngắn. 

Những chiếc F/A-18, mỗi chiếc mang bốn quả bom 2.000 lb (910 kg), sau đó tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ném bom trước khi quay trở về Saratoga. 

Máy bay Hornet cũng chứng minh khả năng sống dai khi một chiếc dù bị bắn trúng cả hai động cơ nhưng vẫn có thể bay về căn cứ an toàn. 

Trong suốt cuộc chiến, những chiếc F/A-18 đã thực hiện 4.551 lần xuất kích với chỉ có 10 chiếc bị thiệt hại gồm cả hai chiếc mất.

F/A-18 đã chứng minh độ tin cậy và khả năng linh hoạt của nó trong Chiến dịch Bão táp Sa mạc, bắn hạ các máy bay chiến đấu đối phương và sau đó ném bom các mục tiêu địch trong cùng một phi vụ. Nó đã phá vỡ các kỷ lục về độ tin cậy, khả năng và hoạt động và khả năng duy trì.

Cả các model F/A-18A/C cả hải quân và F/A-18A/C/D của Thủy quân lục chiến đều được sử dụng liên tục trong Chiến dịch Southern Watch và tại Bosnia cũng như Kosovo trong thập niên 1990. 

Những chiếc Hornet của Hải quân hoạt động trong Chiến dịch Tự do bền vững năm 2001 xuất phát từ các tàu sân bay hoạt động ở Biển bắc Ả Rập để tấn công các căn cứ bên trong Iraq.

Hiện nay những chiếc F/A-18 trong biên chế hải quân Mỹ cũng như CF-18 (phiên bản F/A-18 dành cho Canada) vẫn đang tiếp tục không kích các phần tử khủng bố tại chiến trường Syria.

Dù bị loại biên để nhường chỗ cho các loại máy bay hiện đại hơn, nhưng năng lực chiến đấu của những chiếc F/A-18 Hornet vẫn được đánh giá cao. Nếu được nâng cấp những chiếc máy bay này có thể hoạt động thêm từ 10 tới 20 năm nữa.

Các chiến đấu cơ của Mỹ luôn được thiết kế để có độ giới hạn tuổi thọ khung thân tốt gấp hai thậm chí gấp 3 lần các máy bay cùng loại của Nga.

Vì vậy nếu khách hàng mua và yêu cầu Mỹ nâng cấp hệ thống điện tử mới, đây vẫn được coi là giải pháp tình thế cực hiệu quả cho những quốc gia có tiềm lực chi tiêu quốc phòng ở mức vừa phải.

Những chiếc F/A-18 có tốc độ tối đa Mach 1,8 và có thể mang nhiều loại vũ khí gồm cả tên lửa không đối không và không đối đất hoặc không đối hạm, cùng với đó là một pháo M61 Vulcan 20mm và các loại bom thông minh sẽ là đối thủ hết sức "khó chịu" cho bất cứ loại máy bay này.

Vì được thiết kế để hoạt động trên tàu sân bay nên khả năng hải chiến của những tiêm kích này sẽ phù hợp cho các quốc gia có đường bờ biển dài và sở hữu các hải đảo.

Độ tin cậy và tính linh hoạt của máy bay biến F/A-18 Hornet đã giúp nó trở thành một trong những loại vũ khí đáng giá nhất trên tàu sân bay của hải quân Mỹ hiện nay. Tại Đông Nam Á ,không quân Malaysia cũng đang tin dùng loại máy bay có tính năng chiến đấu đỉnh cao này.