[ẢNH] Mỹ dừng tàu ngầm tấn công mang 154 Tomahawk vào phút chót, nếu không Syria sẽ cực kỳ tàn khốc

ANTD.VN - Tổng thống Donald Trump có kế hoạch đánh phá cả các căn cứ quân sự của Syria, thậm chí cả căn cứ Nga và Iran với số lượng tên lửa được huy động lên tới hơn 300 quả. Tuy nhiên tướng lĩnh Mỹ đã ngăn cản kế hoạch này và chiếc tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Ohio mang theo 154 quả tên lửa Tomahawk sẵn sàng tấn công đã bị dừng vào phút cuối, nếu không Syria sẽ bị tàn phá cực kỳ tàn khốc.

Dẫn các nguồn tin từ Mỹ, truyền thông Nga đưa tin Tổng thống Mỹ Donald Trump suýt đã ra lệnh không kích Nga và Iran ở Syria cũng như các căn cứ quân sự của quân đội Syria nếu như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis không can ngăn.

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã cảnh báo rằng cần phải tránh tiến hành tấn công Syria bởi nó sẽ là nguồn cơn dẫn tới một cuộc chiến mở rộng. 

Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Tổng thống Donald Trump trong một cuộc họp.

Theo Hãng tin RIA Novosti của Nga, Lầu Năm Góc đã trình cho Tổng thống Donald Trump tổng cộng 3 phương án không kích Syria

1. Đánh các mục tiêu Syria có liên hệ với vũ khí hóa học.

2. Giống phương án 1 nhưng mở rộng sang các trung tâm nghiên cứu và bộ chỉ huy quân sự Syria.

3. Mở rộng mục tiêu sang hệ thống phòng không của Nga ở Syria.

 Phương án này nhằm "phá hủy tiềm năng quân sự của chế độ Syria" nhưng không đụng đến guồng máy chính trị của Tổng thống Assad.

Tin cho biết ông Trump nhất quyết đòi bắn phá luôn các mục tiêu Nga và Iran "nếu điều đó cần thiết để phá hủy kho khí tài quân sự của Syria", tuy nhiên Bộ trưởng Mattis đã lên tiếng can ngăn.

Giới phân tích quân sự cho biết quân đội Mỹ đã sẵn sàng bắn tới 300 quả tên lửa Tomahawk nếu như Bộ trưởng Mattis không thành công trong việc ngăn cản Tổng thống Donald Trump.

Một trong những biện pháp dự trù cho cuộc tấn công diện rộng là Hải quân Mỹ đã điều siêu tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Georgia (SSGN-729) thuộc lớp Ohio tham gia bắn tên lửa Tomahawk.

Điều đáng sợ là tàu ngầm USS Georgia (SSGN-729) mang tới 154 tên lửa hành trình Tomahawk.

Hình ảnh các giếng phóng tên lửa hạt nhân Trident II được cải tiến để mang theo 7 quả tên lửa hành trình Tomahawk.

Trên tàu USS Georgia (SSGN-729) có tới 22/24 giếng phóng như vậy. Đây là phương tiện mang phóng tên lửa hành trình Tomahawk nhiều nhất của quân đội Mỹ.

Số tên lửa Tomahawk mà tàu ngầm USS Georgia (SSGN-729) mang theo gần gấp đôi so với các tàu khu trục lẫn tuần dương hạm của Mỹ.

Chiến hạm mặt nước của Mỹ chỉ có khả năng mang tối đa 90 quả tên lửa Tomahawk. Trong cuộc tấn công vào Syria hôm 14-4 vừa qua, tuần dương hạm USS Monterey thuộc lớp Ticonderoga bắn thẳng 30 quả tên lửa hành trình Tomahawk.

Việc chọn phương án 1, tức chỉ tập trung tấn công các mục tiêu Syria có liên hệ với vũ khí hóa học đã khiến Mỹ không dùng đòn tấn công của tàu ngầm USS Georgia (SSGN-729) vào phút chót dù chiếc tàu này đã áp sát hải phận Syria.

Trong đợt tấn công hôm 14-4-2018, Mỹ chỉ sử dụng tàu ngầm USS John Warner thuộc lớp Virginia để bắn 6 quả tên lửa hành trình Tomahawk tiêu diệt chính xác các mục tiêu tại Syria.

Tuy vậy chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Georgia (SSGN-729) lớp Ohio mang theo 154 tên lửa Tomahawk vẫn được lệnh trực chiến tại bên ngoài hải phận Syria. Sẵn sàng can thiệp nếu Mỹ quyết định mở thêm các cuộc tấn công khác.

Hải quân Mỹ có tổng cộng 18 chiếc tàu ngầm lớp Ohio này, dùng để giáng đòn hạt nhân vào lãnh thổ đối phương. 

Đây cũng là một trong bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ, hai phần kia là tên lửa liên lục địa phóng từ hầm ngầm trên đất liền (ICBM) và oanh tạc cơ chiến lược mang bom hạt nhân như B-52, B-2.

Tuy nhiên sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nguy cơ đối đầu hạt nhân giữa các siêu cường giảm nhiệt, 4 tàu ngầm lớp Ohio được tháo bỏ tên lửa hạt nhân và trang bị TLAM để tăng cường khả năng tấn công mặt đất.

Các tàu này được đổi định danh thành tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình (SSGN), USS Georgia (SSGN-729) cũng được đổi số hiệu từ SSBN-729 sang SSGN-729.

Toàn bộ 24 quả tên lửa hạt nhân Trident II, mỗi quả có tầm bắn 7.400 km, sức công phá tương đương 53 quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima đã bị loại bỏ.

Sau khi hoán cải, USS Georgia (SSGN-729) mang được 154 tên lửa Tomahawk trong 22 trên tổng số 24 ống phóng tên lửa, nhiều hơn cả một biên đội tàu mặt nước. 

Toàn bộ số tên lửa này có thể phóng theo loạt từ dưới nước trong vòng 6 phút. 

Tên lửa Tomahawk trị giá 1,4 triệu USD/quả, được lắp đầu đạn nặng 454 kg, tầm bắn khoảng 1.600-2.500 km, dẫn đường bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS).

Đây được coi là một trong số những loại tên lửa hành trình mạnh nhất thế giới.

Hai ống phóng còn lại trên tàu ngầm USS Georgia (SSGN-729) được chuyển đổi thành cửa mở đặc biệt để triển khai lính đặc nhiệm.

Tàu ngầm có thể triển khai hơn 60 lính đặc nhiệm hải quân SEAL khi cần thiết.

Chúng cũng được dùng để phóng tàu lặn không người lái (UUV), tàu ngầm chở lính SEAL (SDV), phao định vị thủy âm và các loại cảm biến dưới nước khác.

Lớp tàu Ohio được coi là tàu ngầm lớn nhất của phương Tây khi có chiều dài 170 m, lượng choán nước khi lặn lên tới 19.000 tấn.

Tàu có thể lặn sâu đến 250 m, tốc độ khi lặn khoảng 46 km/giờ.

 Tàu ngầm lớp này có thủy thủ đoàn 155 người. Tàu có thể ở dưới nước tối đa 90 ngày.

Ngoài tên lửa hành trình Tomahawk, tàu ngầm cũng được trang bị các ống phóng ngư lôi để tấn công tàu chiến mặt nước và tự vệ trước tàu ngầm đối phương.

Các ống phóng ngư lôi nằm ở phần mũi tàu với một góc nghiêng nhỏ so với mặt phẳng đường kính của tàu.

Mỗi tàu ngầm Ohio được trang bị tới 8 quả ngư lôi hạng nặng Mk-48 để tiêu diệt tàu ngầm và tàu nổi đối phương.

Không như các tàu chiến hay chiến đấu cơ, tàu ngầm USS Georgia (SSGN-729) có thể tiến đến gần bờ biển đối phương mà không bị phát hiện, phóng tên lửa Tomahawk đánh trúng mục tiêu ở sâu trong đất liền, sau đó lặn sâu và thoát ra ngoài để tránh bị đánh trả.

Nhiệm vụ của SSGN-729 là áp chế, tiêu diệt các hệ thống tên lửa phòng không và chống hạm trong đợt tấn công phủ đầu, mở đường cho máy bay và tàu mặt nước khai thác lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ đối phương. 

Các tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình như USS Georgia (SSGN-729) là công cụ hữu hiệu để đối phó với chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận khu vực (A2/AD) của đối phương.