[ẢNH] Mỹ bất ngờ tái triển khai ‘pháo đài bay’ B-52 tới đảo Guam

ANTD.VN - Mỹ vừa bất ngờ quyết định tái triển khai "pháo đài bay" B-52 tới đảo Guam, động thái này được giải thích là nhằm đảm bảo sự tự do và rộng mở trong khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương. 

“Một nhóm máy bay B-52 Stratofortress của Không quân Mỹ từ căn cứ Minot ở bang Bắc Dakota đã được triển khai đến khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương để hỗ trợ nhóm đặc nhiệm ném bom thuộc Lực lượng Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương”, thông cáo của Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ (USSTRATCOM) đưa ra hôm 15/7.

“Nhóm oanh tạc cơ B-52 được triển khai với mục đích thể hiện cam kết của nước Mỹ tới các quốc gia đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương”, thông cáo cho biết thêm.

Trang web của Lực lượng Không quân Mỹ tại Thái Bình Dương (PACAF) cho biết, nhóm oanh tạc cơ B-52 đã hạ cánh xuống căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam.
Dự kiến, các máy bay này sẽ tham gia hỗ trợ huấn luyện binh sĩ của các quốc gia đồng minh trong cuộc tập trận Talisman Saber 2021. Hình ảnh máy bay B-52 vừa hạ cánh xuống căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam.
Tháng 4/2020, Mỹ bất ngờ tuyên bố rút 5 chiếc B-52 khỏi căn cứ Guam và không điều lực lượng thay thế.
Đây là lần đầu tiên trong 16 năm qua quân đội Mỹ không triển khai bất cứ oanh tạc cơ B-52 nào trên đảo Guam. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không đưa ra lời giải thích cho động thái này.
Lầu Năm Góc thực thi nhiệm vụ mang tên "Duy trì hiện diện oanh tạc cơ liên tục" (CBP) từ năm 2004, trong đó một phi đoàn B-52H luôn có mặt trên đảo Guam nhằm hỗ trợ các chiến dịch quân sự của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương và cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, cũng như bảo đảm gây áp lực liên tục với Triều Tiên.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2018 đề ra chiến lược mới, tập trung vào cạnh tranh với các cường quốc như Nga và Trung Quốc thay vì các tổ chức khủng bố. Quan hệ Washington - Bình Nhưỡng cũng đã được cải thiện đáng kể sau hai cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un.
Động thái rút toàn bộ pháo đài bay B-52 khi đó được Trung Quốc hoan nghênh đặc biệt. Thông thường khi triển khai tại đảo Guam, Mỹ thường điều B-52 bay qua biển Đông và Hoa Đông, điều này gây khó chịu cho Bắc Binh.
Mặt khác Trung Quốc cũng lo ngại việc pháo đài bay B-52 triển khai tại đảo Guam có thể tạo ra các mối nguy hiểm tiềm ẩn.

Bất chấp việc từng "gãy cánh" tại Chiến tranh Việt Nam, tuy nhiên nhờ những nâng cấp cùng chiến thuật hợp lý, B-52 vẫn được coi là pháo đài bay và là biểu tượng sức mạnh của không quân Mỹ.

Thậm chí xét về hiệu năng và tính kinh tế, lão tướng B-52 còn trên cơ cả máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit và B-1B Lancer.
Trong khi B-1B và B-2 đã được Mỹ lên kế hoạch thay thế thì B-52 ít nhất vẫn hoạt động tới năm 2040, tức gần 100 năm kể từ khi chúng bay chuyến bay đầu tiên.
Quân đội Mỹ còn đang thực hiện tiến trình nâng cấp cho “pháo đài bay” B-52 để tăng khả năng chuyên chở vũ khí. Kế hoạch nâng cấp mang tên 1760 sẽ cho phép B-52 mang thêm 8 quả bom J-serie đời mới bên cạnh một số giá treo vũ khí mới.
B-52 thường mang theo bom tấn công trực diện kết hợp (JDAM) trên các giá treo. Với quá trình nâng cấp mới, máy bay sẽ chở theo được hàng loạt tên lửa và bom đời mới. Đáng chú ý, số bom và tên lửa này có thể được cất giấu trong thân máy bay.
“Điều này đồng nghĩa máy bay B-52 có thể chở thêm 66% lượng bom so với phiên bản cũ. Con số tăng thêm này là cực kì lớn. Hãy thử tưởng tượng bạn có thể tấn công được nhiều lần hơn trước mà chỉ cần một lần xuất kích”, Không quân Mỹ tuyên bố.
Như vậy, với gói nâng cấp mới nhất tải trọng vũ khí của một chiếc B-52H sẽ đạt tới gần 50 tấn bỏ xa đối thủ nặng ký nhất tới từ Nga loại máy bay Tu-160 (40 tấn).
Ngoài khối lượng bom khủng khiếp, B-52 còn được cải tiến nâng cấp để mang những tên lửa hành trình tầm xa tấn công ngoài tầm với của phòng không đối phương.
Mỗi chiếc B-52 có thể mang tới 13 tên lửa hành trình tầm xa, những loại tên lửa này được phóng từ khoảng cách hàng ngàn cây số, vượt xa tầm với của các hệ thống phòng không.

Điều này có nghĩa là B-52 có thể tấn công đối phương từ khoảng cách rất xa mà không cần đội tiêm kích hộ tống cũng như không cần phải có tên lửa hành trình Tomahawk "dọn đường" trước.

Bởi thế nên cho dù ra đời đã lâu, nhưng nhờ những thay đổi trong chiến lược tác chiến và nâng cấp từ chính những chiếc pháo đài bay này, khiến cho chúng vẫn là những vũ khí hiệu quả mà quân đội Mỹ ưa dùng.

Theo thỏa thuận với Nga, Mỹ được phép duy trì con số 76 chiếc B-52 và đều là phiên bản H. Hiện Mỹ vẫn còn lưu giữ hàng trăm chiếc B-52 trong tổng số 744 chiếc từng sản xuất tại sa mạc căn cứ không quân Davis Monthan tại bang Arizona.