[ẢNH] Mục đích thực sự của Mỹ khi rút quân khỏi Syria: Tăng cường hiện diện sát biên giới Nga?

ANTD.VN - Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa qua đã có một quyết định gây sửng sốt cho giới truyền thông, đó là tuyên bố sẽ rút các lực lượng Mỹ khỏi chiến trường Syria.

Vào hôm 19/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lần đầu tiên tuyên bố về kế hoạch rút các lực lượng quân sự nước này khỏi Syria với lý do Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS đã bị đánh bại.

Hành động thực tế đầu tiên tại thực địa đó là có vẻ như các nhân viên ngoại giao Mỹ đã bắt đầu sơ tán, trong khi khung thời gian rút quân lên tới 100 ngày.

Tiếp theo, vào ngày 20/12, các nguồn tin địa phương tại Syria xác nhận Mỹ đã tiến hành rút các nhân viên ngoại giao dân sự khỏi lãnh thổ quốc gia Trung Đông này.

Nhà Trắng không cung cấp thông tin chi tiết về quá trình rút quân, tuy nhiên đã có những tín hiệu đầu tiên cho thấy Washington đã bắt đầu đưa các thiết bị quân sự của mình rời khỏi điểm nóng.

Không chỉ có vậy, còn xuất hiện một vài báo cáo cho rằng Hoa Kỳ cũng đang triệt thoái các đơn vị hoạt động hiệu quả nhất của mình ra khỏi chiến trường Afghanistan.

Hành động trên của Tổng thống Donald Trump đã gây ra phản ứng dữ dội từ một số quan chức, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Tướng Jim Mattis đã tuyên bố từ chức.

Ông Mattis cho rằng việc rút quân Mỹ khỏi Syria lúc này là không phù hợp vì IS vẫn chưa bị đánh bại hoàn toàn, hơn nữa Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) vẫn rất cần sự hỗ trợ của Mỹ.

Mặc dù việc tuyên bố rút quân của Tổng thống Donald Trump mang lại một số hy vọng về hòa bình, tuy nhiên thực tế có vẻ không hề đơn giản như vậy chút nào.

Đầu tiên chính là sự tăng vọt các hoạt động do thám sát biên giới Nga được các lực lượng Mỹ thực hiện trong 10 ngày qua. Tiếp đó hôm 18/12, tàu trinh sát HMS Echo của Anh đã tiến vào biển Đen để thu thập dữ liệu về hải lưu và địa hình dưới đáy biển.

Cũng trong ngày 18/12, Mỹ và các đồng minh đã thông qua nghị quyết lên án việc Nga tăng cường quân sự hóa khu vực biển Azov, bán đảo Crimea... và thể hiện sự ủng hộ với Ukraine.

Bên cạnh đó, việc Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung INF có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian, khi điều này diễn ra thì họ sẽ tăng cường hiện diện quân sự sát biên giới Nga.

Tổng hợp những yếu tố trên, khả năng cao quyết định của Tổng thống Donald Trump rút quân khỏi Syria chỉ là một sự tái bố trí lực lượng chứ không phải giảm hiện diện của Mỹ tại điểm nóng.

Những binh lính, phương tiện quân sự của Mỹ từng bố trí tại Trung Đông rất có thể sẽ sớm nhận lệnh chuyển địa bàn hoạt động sang khu vực châu Âu sát biên giới Nga.

Việc rút chân khỏi địa bàn nóng bỏng cũng giúp cho ngân sách quốc phòng của Mỹ nhẹ gánh hơn khi chỉ phải chi tiêu cho các hoạt động nhằm răn đe và kiềm chế Nga.

Trước tình hình trên, có lẽ Nga cũng sẽ sớm có quyết định tương tự để tập trung đối phó kế hoạch của Mỹ, nhất là khi họ đã 3 lần tuyên bố rút quân khỏi Syria nhưng rồi vẫn phải quay lại ngay sau đó.