[ẢNH] Mục đích bí ẩn của Trung Quốc khi sớm loại biên Su-30MKK khỏi lực lượng xung kích

ANTD.VN - Tiêm kích đa năng Su-30MKK nhập khẩu từ Nga từng một thời gian khá dài giữ vai trò chiến đấu cơ chủ lực của Không quân Trung Quốc (PLAAF).

Không quân Trung Quốc vừa công bố bức ảnh chụp các tiêm kích Su-30MKK thuộc biên chế Lữ đoàn không quân số 9 - Chiến khu Đông bộ trong lễ chia tay đơn vị.

Đây là điều gây sửng sốt cho nhiều người bởi Su-30MKK vẫn được đánh giá là một trong những dòng chiến đấu cơ tối tân nhất thế giới hiện tại và thời gian mà Trung Quốc khai thác nó vẫn chưa lâu.

Được biết Trung Quốc đã đặt hàng lô chiến đấu cơ Su-30MKK đầu tiên vào năm 1999 với số lượng 38 chiếc, giá trị hợp đồng trong khoảng 1,5 - 2 tỷ USD, chúng được giao hàng trong giai đoạn 2000 - 2001.

Ngay trong năm 2001, Trung Quốc lại ký hợp đồng tiếp theo trị giá 2 tỷ USD mua thêm 38 chiếc Su-30MKK nữa, việc bàn giao diễn ra trong hai năm 2002 và 2003.

Các tiêm kích Su-30MKK này được PLAAF đánh giá rất cao về cả năng lực không chiến khi đặt cạnh Su-27SK và J-11A, đặc biệt điểm nhấn là khả năng tấn công mặt đất - điều mà hai chiếc tiêm kích trên không có.

Chiến đấu cơ Su-30MKK sau khi về tới Trung Quốc thì đã được ưu tiên trang bị cho các đơn vị tinh nhuệ nhất, làm nhiệm vụ bảo vệ những địa bàn trọng yếu của nước này.

Ngoài ra một phần phi đội Su-30MKK còn được sử dụng cho công tác huấn luyện phi công, để những quân nhân cầm lái loại J-7 hay J-8 cảm nhận được chiến tranh hiện đại diễn ra ác liệt đến mức độ nào.

Su-30MKK với năng lực vượt trội của mình thường xuyên giành chiến thắng trước J-7 và J-8 một cách rất dễ dàng trong không chiến đối kháng, nó được coi như bảo vật trấn quốc của Trung Quốc.

Vậy nhưng thật bất ngờ khi PLAAF lại quyết định loại bỏ Su-30MKK khỏi đơn vị chủ lực đầu tiên và quá trình này sẽ được tiếp diễn ở các trung đoàn và lữ đoàn khác.

Tuy nhiên không phải Su-30MKK được cho nghỉ hưu hoàn toàn mà nó chỉ đơn giản là lui về tuyến sau, thay thế những chiếc J-7 và J-8 đã hết hạn sử dụng mà thôi.

Vị trí mà Su-30MKK bỏ lại sẽ được Trung Quốc nhanh chóng lấp đầy bằng các chiến đấu cơ nội địa mà họ quảng cáo là có tính năng kỹ chiến thuật vượt trội như J-16 và nhất là J-20.

Ngành công nghiệp hàng không quân sự của Trung Quốc thời gian gần đây đã phát triển với tốc độ như vũ bão, họ đã cho thấy mình đuổi kịp và thậm chí còn bắt đầu vượt trên cả Nga.

Tiêm kích thế hệ 4,5 mà Trung Quốc chế tạo dựa trên Su-27 Flanker như J-11D hay J-16 được nhận định còn ưu việt hơn cả Su-35 nhờ trang bị radar mảng pha quét điện tử chủ động - khí tài mà máy bay Nga đang phải trầy trật trang bị.

Không thể bỏ qua việc Không quân Trung Quốc bắt đầu tiếp nhận tiêm kích tàng hình J-20 với số lượng lớn, chúng chính là đối tượng sẽ thay thế Su-30MKK tại các đơn vị xung kích chủ lực.

Sau khi nhìn kỹ lại sự việc thì có thể thấy rằng quyết định điều chuyển tiêm kích Su-30MKK ra tuyến sau là khá hợp lý và không có gì bất thường như khi tiếp cận thông tin ban đầu.