[ẢNH] MiG-29 Triều Tiên vừa bắn tên lửa R-60 hủy diệt mục tiêu trong chớp mắt

ANTD.VN - Triều Tiên vừa tiến hành một cuộc tập trận bắn đạn thật trên không với sự tham gia của các chiến đấu cơ MiG-29 và Su-25. Trong cuộc tập trận này, những chiến đấu cơ MiG-29 đã bắn tên lửa R-60 để hủy diệt mục tiêu.

Với 35 chiếc trong biên chế, MiG-29 là loại chiến đấu cơ mạnh nhất của không quân Triều Tiên. Vì được coi là "quốc bảo" nên chỉ trong một vài trường hợp đặc biệt Triều Tiên mới cho MiG-29 thị uy.

Mới đây Triều Tiên đã cho không quân tập trận với màn bắn đạn thật từ chiến đấu cơ MiG-29. Hình ảnh quả tên lửa được phóng đi từ MiG-29 đã phá hủy mục tiêu trên không.

Loại tên lửa được sử dụng trong cuộc tập trận này chính là tên lửa không đối không nổi tiếng R-60 do Liên Xô/Nga sản xuất.

Hiện R-60 và R-27 là hai loại tên lửa không đối không chủ lực mạnh nhất của không quân Triều Tiên.

R-60 (NATO định danh AA-8 Aphid) là loại tên lửa không-đối-không tầm ngắn của không quân Liên Xô. 

R-60 được phát triển bởi cục thiết kế Molniya vào cuối những năm 1960 để thay thế cho loại tên lửa tầm ngắn cũ K-13 (AA-2 Atoll) và bắt đầu được sản xuất từ năm 1973. 

R-60 được sử dụng trên nhiều loại máy bay chiến đấu của không quân Liên Xô như Mi-24, Su-15 bis, Su-17M3, Yak-38, MiG-21 bis, MiG-23, MiG-25, MiG-27, MiG-29...

R-60 có khối lượng nhỏ hơn khá nhiều so với các tên lửa đối không tầm ngắn của phương Tây. Thời gian phát triển loại tên lửa này cũng khá ngắn, chỉ khoảng 4 năm từ khi bắt đầu thiết kế đến lúc đưa vào sản xuất hàng loạt (so với thời gian trung bình để phát triển một loại tên lửa không-đối-không mới của Liên Xô là 8 đến 9 năm).

Sở dĩ có sự rút ngắn thời gian này là bởi Liên Xô đã thu được rất nhiều kinh nghiệm thực chiến của loại tên lửa đối không K-13 (AA-2 Atoll), đặc biệt là từ các phi công Không quân Việt Nam đã sử dụng K-13 để chiến đấu với Không quân Mỹ.

Thiết kế của R-60 bao gồm đầu dò hồng ngoại ở mũi, tiếp đến là đầu nổ và cuối cùng là động cơ nhiên liệu rắn. 

Khả năng linh hoạt cực cao của R-60 nhờ vào thiết kế thân ngắn và cơ chế điều hướng với 4 cánh lái nhỏ ở đầu và 4 cánh lái lớn ở đuôi tên lửa.

Đầu dò hồng ngoại của R-60 sử dụng công nghệ những năm 1970, nhưng về sau trước sự xuất hiện của các biện pháp gây nhiễu tên lửa tầm nhiệt nên ở phiên bản R-60M đã được tích hợp khả năng chống nhiễu và góc dò tìm tín hiệu nhiệt được mở rộng. Ngòi nổ radar lẫn quang học đều có thể được sử dụng trên R-60.

Với sự kết hợp giữa đầu dò hiệu quả và khả năng linh hoạt giúp R-60 thành một loại vũ khí không chiến đáng tin cậy. 

Mặc dù tầm bắn chỉ khoảng 8 km nhưng mục đích chính là sử dụng trong không chiến tầm cực gần khiến R-60 trở thành vũ khí không thể thiếu, thậm chí sự kết hợp giữa R-60 và MiG-29 còn là biểu tượng sức mạnh không chiến của Không quân Liên Xô.

Có thể nói R-60 là một loại tên lửa thành công trong thời gian phục vụ của nó với đầu dò nhiệt hiệu quả và sự nhanh nhẹn đáng kinh ngạc. 

Về sau R-60 được thay thế bởi loại tên lửa hiện đại hơn là R-73, vốn được cải tiến dựa trên thiết kế của R-60.

Tên lửa R-60 có chiều dài 2,09m, đường kính thân 120mm, trọng lượng là 43,5 kg.

Phần đầu nổ, ban đầu R-60 trang bị khối thuốc nổ nặng 3kg dùng ngòi nổ không tiếp xúc. 

Biến thể cải tiến R-60M trang bị đầu nổ nặng 3,5kg với ngòi nổ radar hoặc ngòi nổ quang học cải thiện khả năng đối phó với hệ thống tác chiến điện tử của đối phương. 

Ngoài ra, còn một biến thể khác dùng ngòi nổ urani làm nghèo để tăng hết sức mạnh khi công kích.

Tên lửa R-60 trang bị động cơ rocket thuốc phóng rắn cho tầm bắn tối đa 8km trên độ cao lớn, nhưng tầm tác chiến lý tưởng chỉ là 4km. 

Tuy nhiên, ưu điểm của R-60 không phải ở tầm bắn xa mà chính là tầm bắn ngắn nhất của nó chỉ 300m, lợi thế trong các cuộc không chiến quần vòng, cự ly gần. Hiện loại tên lửa này vẫn đang được sử dụng trong không quân hàng chục quốc gia trên thế giới.