[ẢNH] Mi-28 Nga có thực sự mạnh để cạnh tranh với AH-64 Mỹ?

ANTD.VN - Dù được xếp vào dòng trực thăng tấn công hạng nặng, nhưng Mi-28 của Nga vẫn phải chật vật để tìm chỗ đứng cạnh tranh với trực thăng AH-64 của Mỹ. 
Trong khi AH-64 của Mỹ đã thể hiện xuất sắc cả trong thực chiến lẫn trên thị trường xuất khẩu thì Mi-28 của Nga mới chỉ có khách hàng Iraq và Algeri. Những tưởng Mi-28 sẽ được Ấn Độ lựa chọn, tuy vậy cuối cùng New Delhi đã chọn AH-64 của Mỹ.
Mi-28 cũng là dòng trực thăng tấn công có thời gian phát triển khá dài khi chuyến bay đầu tiên xuất hiện vào năm 1982 tuy nhiên mãi tới 2009 phiên bản có khả năng tác chiến ngày đêm mới đi vào biên chế.
Sau khi có chuyến thực chiến lần đầu tiên không mấy ấn tượng tại chiến trường Syria, Nga đã tiếp tục nâng cấp để cho ra đời phiên bản Mi-28NM.
Hiện nay trong biên chế chính thức của Nga đang có phiên bản Mi-28A chỉ có khả năng tác chiến ban ngày, phiên bản này không được đánh giá cao; Mi-28N là phiên bản có khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết kể cả ban đêm và phiên bản nâng cấp Mi-28NM mới chỉ được biên chế với số lượng nhỏ.
Công bằng mà nói, Mi-28 là dòng trực thăng tấn công hạng nặng có khả năng tạo ra những đòn đánh hủy diệt xuống đối phương.
Tuy nhiên Mi-28 đã không thể hiện được sự kỳ vọng khi được thiết kế để thay thế những chiếc Mi-24.
Tại chiến trường Syria, nhưng chiếc Mi-28N thậm chí không hề tỏ ra vượt trội so với Mi-24. Điều này khiến không ít giới tướng lĩnh Nga chỉ trích nhà phát triển.
Có lẽ vì thế mà hãng chế tạo Mil đã đặt cược vào phiên bản Mi-28NM. So với phiên bản tiền nhiệm tuy không có nhiều thay đổi lớn về mặt ngoại hình trừ phần mũi, tuy nhiên các thay đổi mang từ bên trong đã giúp cho chiếc máy bay này đạt hiệu suất chiến đấu cao.
Giới phân tích vũ khí cho biết với sự ra đời của phiên bản Mi-28NM, dòng trực thăng tấn công đã đủ để xếp cùng chiếu với phiên bản AH-64E mới nhất của Mỹ.
Đã có những thông tin cho thấy Mi-28NM đã được Nga bí mật đem sang Syria thử lửa để đánh giá tính năng chiến đấu và thu được kết quả khả quan.
Chính từ bài thử nghiệm thực chiến này đã khiến Nga nhanh chóng quyết định đưa Mi-28NM vào sản xuất hàng loạt.
Về cấu tạo, buồng lái của Mi-28NM được gia cố chắc chắn hơn, với hệ thống điều hòa nhiệt độ, có thêm lớp giáp bảo vệ, trong đó có lớp kính lái trước bằng kim loại có khả năng chống được đạn 12,7 mm.
Cabin có thêm một lớp kính chia khoang riêng biệt giữa hai phi công, giảm thiểu tối đa khả năng phi công lái chính và phi công dẫn đường cùng lúc tử vong vì hỏa lực của đối phương. Khung sườn bằng hợp kim của Mi-28NM có khả năng chịu được đạn pháo phòng không 20 mm.
Với mẫu thiết kế áp dụng trên Mi-28NM, lần đầu tiên nguyên lý phân tách buồng lái giữa phi công lái chính và phi công dẫn hướng đã được áp dụng.
Trong trường hợp khẩn cấp khi ở độ cao trên 100 m so với mặt đất, phi hành đoàn có thể bung dù thoát ra khi máy bay gặp sự cố và rơi. Hệ thống thoát hiểm khẩn cấp sẽ được phi công lái chính và phi công dẫn lái kích hoạt tách biệt.
Theo ông Dmitry Litovkin, Giám đốc điều hành tạp chí Independent Military Review, Mi-28NM là phiên bản trực thăng tấn công được tăng cường nhiều tính năng kĩ chiến thuật, nhất là sức mạnh tác chiến.
Trực thăng này được trang bị các vũ khí chính xác cao, có hệ thống điều khiển mới tích hợp cấu thành trí tuệ nhân tạo (AI). Mi-28NM có khả năng tương thích, cùng tham gia đội hình chiến đấu với các trực thăng, UAV và máy bay khác trên chiến trường.
Về hỏa lực, trực thăng tấn công hạng nặng Mi-28NM được trang bị nhiều hệ thống vũ khí uy lực, gồm các tên lửa đa năng thế hệ mới và nhiều loại bom khác nhau. Trực thăng có thể tấn công các mục tiêu cố định và di động trong bán kính 8-10 km.
Mi-28NM có hệ thống ngắm bắn LSN-296 mới, có thể điều khiển 2 loại tên lửa chống tăng uy lực nhất của Nga hiện nay là Khrizantema và Vikhr.

Phi công của Mi-28NM được trang bị mũ bay gắn kèm hệ thống chỉ thị mục tiêu có thiết kế chuyên dụng, hiển thị thông tin toàn cảnh để ngắm bắn mục tiêu ở mọi hướng nhìn.

Mi-28NM được trang bị radar Nadterechny Н025 cũng như tổ hợp ngắm bắn và dẫn đường thế hệ mới, bao gồm cả hệ thống điều khiển hạ cánh trong điều kiện đêm tối và sương mù, điều này giúp nâng cao hiệu quả tác chiến lên gần gấp hai lần so với phiên bản tiền nhiệm.

Trong thiết kế của Mi-28NM, vị trí phần thu phát của radar vẫn được giữ nguyên ở phía trên cánh quạt chính của trực thăng

Ngoài hệ thống điện tử và khung thân nâng cấp, phần khác biệt nữa là cánh quạt của Mi-28NM sử dụng vật liệu composite giúp trực thăng hoạt động ổn định hơn, động cơ mới khỏe hơn nhưng lại tiết kiệm nhiên liệu hơn so với tiền nhiệm.

Ngoài ra, Mi-28NM còn được trang bị cả thiết bị bay không người lái (drone) cảm tử. Trực thăng có thể tiến vào một khu vực tác chiến đã được xác định trước và phóng một hoặc nhiều drone điều khiển từ khoang lái. Khi đã xác định được mục tiêu, phi hành đoàn sẽ thông báo dữ liệu và giám sát quá trình phóng tiêu diệt.

Mi-28NM có khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, bay được cả ở chế độ tự động và có người lái, thích ứng được với các loại địa hình.

Một trong những cải tiến thực tế nhất ở Mi-28NM chính là chế độ “điều khiển đôi” của kíp lái. Trong trường hợp phi công lái chính bị thương hay thiệt mạng, phi công dẫn đường vẫn có thể điều khiển trực thăng.

Một cải tiến khác chính là việc Mi-28NM được trang bị thêm một hệ thống radar trên khoang lái, có khả năng quét xung quanh máy bay, với góc quét đạt tới 90 độ ở chiều ngang và 44 độ theo chiều thẳng đứng, giúp phát hiện và định vị nhiều mục tiêu cùng lúc.

Với những tính năng đỉnh cao như vậy, Mi-28NM của Nga được dự đoán sẽ tạo ra bước đột phá trong năng lực tác chiến của quân đội Nga cũng như trên thị trường xuất khẩu.