[ẢNH] Mất gần 200 quả tên lửa đối không, không quân Ukraine sẽ lâm thế bi đát?

ANTD.VN - Ukraine sắp phải tự tay phá bỏ 188 quả tên lửa không đối không R-73 do chúng đã hết niên hạn sử dụng. Được biết việc mất số lượng lớn tên lửa không đối không trong khi chưa có phương án thế chỗ chúng sẽ tạo ra lỗ hổng lớn trong tác chiến của không quân Ukuraine. 

Theo trang tin vestnik-rm của Nga cho biết, Ukraine sẽ tiến hành tiêu hủy 188 tên lửa không đối không R-73 đã hết niên hạn vào tháng 11 tới đây. Hiện số tên lửa này sẽ bị phá hủy trong khi Kiev vẫn chưa chuẩn bị đủ để thay thế cho chúng.

Có điều trớ trêu này là do Ukraine không phát hiện kịp thời số tên lửa hết niên hạn để kịp thay thế và bù đắp vào chỗ trống. 

Công tác quản lý khí tài lỏng lẻo khiến cho phần lớn số tên lửa này đã hết niên hạn từ lâu song không kịp phát hiện kịp thời.

Trong số 188 tên lửa hết hạn có 152 quả R-73K, 36 quả R-73L, tất cả đều được trang bị đầu đạn sử dụng thuốc nổ OKFOL.

Số tài liệu được công khai cũng chỉ ra rằng, 188 tên lửa R-73 trên chưa phải là con số cuối cùng và còn rất nhiều tên lửa khác của Không quân Ukraine có thể cũng đang trong tình trạng tương tự và họ không có phương án thay thế số tên lửa này.

Sau nhiều năm bị bỏ mặc, Không quân Ukraine hiện tại có trong biên chế gần 80 chiến đấu cơ các loại, trong đó số tiêm kích chỉ vào khoảng trên dưới 40 chiếc gồm MiG-29 và Su-27 đều được chế tạo dưới thời Liên Xô.

Tình trạng vũ khí trang bị cho chiến đấu cơ này còn bi đát hơn khi chúng không có được tuổi thọ cao như chiến đấu cơ và chuẩn bị hết niên hạn hàng loạt.

Khác với Nga luôn liên tục nâng cấp vũ khí thì Ukraine có vẻ vẫn như y nguyên cấu kiện vũ khí trang bị cho chiến đấu cơ từ thời Liên Xô.

Việc bị mất đi số lượng lớn tên lửa không đối không R-73 đặt ra không ít thách thức cho không quân Ukraine trong thời điểm hiện nay.

R-73 là loại tên lửa không-đối-không tầm ngắn tiêu chuẩn của Liên Xô được phát triển bởi cục thiết kế Vympel dựa trên những kinh nghiệm thu được từ loại tên lửa đối không tầm ngắn đời cũ R-60, bắt đầu đưa vào biên chế từ năm 1984.

R-73 nằm trong kho vũ khí của tiêm kích MiG-21-93, MiG-21 Bison, MiG-23MLD, MiG-29 và Su-27 cũng như các loại trực thăng Mi-24, Mi-28, Ka-50... 

R-73 cũng có thể sử dụng trên các máy bay vốn không có hệ thống ngắm bắn phức tạp.

R-73 có trọng lượng 105kg, chiều dài 2,9m, đường kính 170mm, sải cánh 510m, chúng có tầm bắn tối đa lên tới 40km với vận tốc Mach 2,5.

Để công phá mục tiêu, những tên lửa R-73 được trang bị đầu nổ phá mảnh nặng 8kg.

Ngoài khả năng linh hoạt tuyệt vời, R-73 còn có thể kết nối trực tiếp với mũ bay của phi công, cho phép công kích các mục tiêu ở cạnh sườn máy bay, điều vốn không thể thực hiện được với các loại tên lửa có phương cách nhắm bắn và điều hướng thông thường.

Tầm bắn tối đa của R-73 vào khoảng 30-40 km trong khi đó tầm bắn tối thiểu là 300m giúp loại tên lửa này cực kỳ hữu dụng trong các trận không chiến quần vòng (dogfight). Đây vẫn được coi là một trong số những tên lửa tầm ngắn nguy hiểm nhất thế giới.