[ẢNH] "Lỗi đánh máy" tai hại khiến Nga bị "ngượng chín mặt" tại Triển lãm Army 2018

ANTD.VN - Trong khuôn khổ Triển lãm quân sự quốc tế Army 2018, Nga đã dành một khu vực để trưng bày các chiến lợi phẩm mà họ thu giữ được trên chiến trường Syria.

Đáng chú ý nhất trong khu trưng bày chính là các loại vũ khí chống tăng có nguồn gốc phương Tây được phiến quân sử dụng và đã gây rất nhiều thiệt hại cho phía Quân đội chính phủ Syria.

Gây chấn động chính là hình ảnh này, khi người Nga chú thích rằng trong tay phiến quân đã có cả tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin cực kỳ hiện đại do Mỹ sản xuất, đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ ngấm ngầm tuồn vũ khí của mình cho quân nổi dậy.

Nhưng căn cứ vào đặc trưng của chi tiết tay cầm và hình dáng "te tua" của ống phóng sau khi bắn, các chuyên gia quân sự rất dễ dàng nhận ra đây thực chất chỉ là súng phóng rocket APILAS chứ không phải tên lửa Javelin.

Súng phóng rocket chống tăng không giật dùng một lần APILAS do Tập đoàn GIAT của Pháp sản xuất, chính thức được đưa vào sử dụng trong quân đội nước này từ năm 1984.

Ước tính đã có tới trên 12.000 khẩu súng chống tăng APILAS các loại được Tập đoàn GIAT xuất xưởng để cung cấp cho nhiều quân đội trên khắp thế giới.

Bằng một cách nào đó, một số khẩu súng phóng rocket chống tăng không điều khiển trên đã lọt vào tay phiến quân Syria và được sử dụng để chống lại quân đội chính phủ.

Do đặc tính sử dụng một lần cho nên ống phóng của súng chống tăng APILAS được cấu tạo từ vật liệu sợi Aramid, chỉ sau duy nhất một lần bắn là không thể sử dụng được nữa.

Toàn bộ tổ hợp súng và đạn chống tăng APILAS có trọng lượng 9 kg, trong đó ống phóng có chiều dài 1.290 mm, đường kính thân 112 mm, nặng 4,7 kg.

Đạn chống tăng APILAS thuộc chủng nổ lõm mang một đầu đạn duy nhất, nó không có đầu đạn nối tiếp dạng tandem để chống giáp phản ứng nổ như các loại vũ khí chống tăng hiện đại.

Tuy vậy viên đạn với trọng lượng 4,3 kg này mang theo trong nó đầu đạn nặng 1,5 kg, đủ sức xuyên thủng tới 720 mm giáp đồng nhất hoặc đục thủng 2 m tường bên tông.

Súng chống tăng APILAS nhìn chung không phải một vũ khí quá lợi hại khi đặt cạnh RGP-28 hay RPG-29 của Nga, tuy vậy nó được đánh giá vẫn thừa sức hạ gục T-62M và T-72SA của Quân đội Syria.

Có lẽ hình dáng của ống phóng với các tấm cao su bịt ở 2 đầu đã khiến người Nga nhầm lẫn khẩu súng chống tăng sử dụng một lần này với tên lửa FGM-148 Javelin.

Sự cố ở tấm ảnh minh họa trên bị so sánh như một "lỗi đánh máy" đầy tai hại, khiến người Nga đang phải chịu rất nhiều chỉ trích vì công tác kiểm duyệt chưa được chặt chẽ.

Chưa rõ sau khi bị chỉ ra sai lầm thì nhà tổ chức đã tiến hành thay thế và minh họa lại cho vũ khí chiến lợi phẩm đang được trưng bày hay chưa.

Tuy nhiên điều quan trọng hơn đó là Nga vẫn chưa có trong tay một quả tên lửa FGM-148 Javelin hoàn chỉnh của Mỹ để tiến hành... nghiên cứu