[ẢNH] Liên Hợp Quốc cảnh báo quân đội Myanmar

ANTD.VN -  Đặc phái viên Liên Hợp Quốc cảnh báo quân đội Myanmar có thể đối diện "hệ quả nghiêm trọng" nếu phản ứng mạnh tay với người biểu tình nước này ngày càng giận dữ trước cuộc đảo chính nhằm lật đổ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, lãnh đạo thực tế của quốc gia Đông Nam Á hôm 1-2-2021.

Quân đội Myanmar ngày 1-2 bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, lãnh đạo thực tế của quốc gia Đông Nam Á, cùng các quan chức cấp cao trong chính quyền dân cử, với cáo buộc có gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11-2020. Động thái này đã châm ngòi những cuộc biểu tình lớn nhất trong hơn một thập kỷ qua tại Myanmar.

Bất chấp việc quân đội Myanmar triển khai xe thiết giáp và binh lính đến nhiều thành phố lớn vào cuối tuần, phong trào biểu tình phản đối chính biến của quân đội vẫn tiếp diễn.

Nhiều người dân Myanmar không chấp nhận tình trạng quyền lực nằm trong tay quân đội sau sự kiện ngày 1-2.

Người biểu tình cũng yêu cầu chính phủ đương nhiệm trả tự do cho cựu Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và nhiều nhân vật chính trị khác.

Các cuộc biểu tình ngày 15-2 diễn ra với quy mô nhỏ hơn giai đoạn ban đầu. Những cuộc biểu tình trước đó từng tập trung đến hàng trăm nghìn người. Tuy vậy các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục diễn ra với cường độ cao.

Rạng sáng 16-2, một nhóm biểu tình đã bắt đầu tập trung gần ngân hàng trung ương Myanmar, gây sức ép để nhân viên cơ quan này tham gia phong trào phản đối quân đội.

Đêm 15-2, quân đội tiếp tục cắt Internet khiến nhiều nhóm phản đối cuộc chính biến tháng 2 thêm lo ngại. Những ngày qua, chính quyền do quân đội kiểm soát đã tạm thời vô hiệu hóa các ràng buộc pháp lý về quyền kiểm tra và bắt giữ người biểu tình.

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về vấn đề Myanmar, Christine Schraner Burgener, ngày 15/2 đã trao đổi với nhân vật số hai trong chính phủ do quân đội kiểm soát.

Theo người phát ngôn Liên Hợp Quốc Farhan Haq, bà Burgener đã "tái khẳng định rằng quyền tập hợp một cách hòa bình cần được tôn trọng". Bà nhấn mạnh người biểu tình phải được đảm bảo không bị trả đũa.

"Bà đã gửi thông điệp đến quân đội Myanmar rằng cả thế giới đang theo dõi sát sao tình hình. Bất kỳ phản ứng mạnh tay, dưới mọi hình thức, sẽ dẫn đến hệ quả nghiêm trọng", ông Farhan Haq cho biết.

Trong khi đó, ông Soe Win - người có quyền lực cao thứ 2 của chính quyền quân sự - khẳng định ông và bà Burgener đã thảo luận về những kế hoạch hiện nay của chính phủ đương nhiệm tại Myanmar. Phía quân đội cũng chia sẻ thông tin về "tình hinh thật sự" tại quốc gia này.

Cuối ngày 15-2, quân đội tiếp tục cảnh báo các cuộc biểu tình đang đe dọa ổn định quốc gia và khiến người dân lo sợ. Truyền thông quân đội khẳng định người dân "vui vẻ trước các cuộc tuần tra an ninh, cũng như việc lực lượng an ninh tuần tra ngày đêm".

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc gồm 47 thành viên hôm 12-2 thông qua nghị quyết kêu gọi Myanmar trả tự do cho bà Suu Kyi và những quan chức khác đang bị giữ sau cuộc đảo chính, đồng thời kêu gọi chính quyền Myanmar kiềm chế sử dụng bạo lực với người biểu tình.

Thomas Andrews, thanh tra của Liên Hợp Quốc tại Myanmar, cho rằng Hội đồng Bảo an nên xem xét áp đặt trừng phạt và cấm vận vũ khí lên Myanmar.

Còn Myint Thu, đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc, tuyên bố Myanmar không muốn "làm chậm quá trình chuyển đổi dân chủ non trẻ trong nước", bày tỏ sẵn sàng hợp tác với quốc tế.

Bộ Tài chính Mỹ ngày 11-2 thông báo các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Thống tướng Min Aung Hlaing và những quan chức quân sự hàng đầu Myanmar sau vụ đảo chính hôm 1-2.

Trước đó, Tổng thống Joe Biden cũng ký một sắc lệnh hành pháp cho phép Bộ Tài chính Mỹ nhắm vào cả con cái hoặc vợ/chồng của những người bị trừng phạt.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi kiềm chế bạo lực tại Myanmar, đồng thời yêu cầu quân đội nước này "cho phép khẩn cấp" nhà ngoại giao Thụy Sĩ Christine Schraner Burgener tới để đánh giá tình hình.

Tình hình chính trường Myanmar vẫn rất phức tạp torng thời gian tới khi cả người biểu tình và quân đội vẫn không có động thái nhượng bộ nhau.