[ẢNH] Lá chắn 'Đại bàng vàng' S-25 Berket bảo vệ Moscow

ANTD.VN -  S-25 Berkut là hệ thống tên lửa phòng không đầu tiên được Liên Xô biên chế năm 1955, trở thành lá chắn bảo vệ thủ đô Moscow đến giữa thập niên 1980.

Sau Đệ nhị thế chiến, chiến tranh lạnh bắt đầu leo thang, Liên Xô tỏ ra lo ngại với mối đe dọa từ các phi đội oanh tạc cơ chiến lược mang bom hạt nhân của Mỹ, cho rằng chúng có thể tiến sâu vào lãnh thổ nước này và đe dọa những mục tiêu trọng yếu ở thủ đô Moskva cùng nhiều thành phố khác.

Lãnh đạo Iosef Stalin đã ra lệnh cho nền công nghiệp nước này phải có kế sách phòng thủ, bảo vệ thủ đô Moscow.

Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô ngày 9-8-1950 giao nhiệm vụ chế tạo tổ hợp tên lửa phòng không S-25 Berkut (Đại bàng vàng) cho Viện thiết kế số 1 (KB-1), tiền thân của tập đoàn quốc phòng Almaz - Antei hiện nay, nơi đang sản sinh ra các hệ thống phòng thủ hàng đầu thế giới như S-300, S-350, S-400 và sắp tới là S-500.

Trong quá trình phát triển tên lửa S-25 Berkut, tổng công trình sư Alexandr Andreevich Raspletin đã đề xuất ý tưởng sử dụng hệ thống radar dẫn bắn đa kênh có thể phát hiện và bám bắt máy bay đối phương, đồng thời theo dõi đường bay và điều khiển tên lửa phòng không tới mục tiêu, đây là ý tưởng chưa từng có tại thời điểm đó.

Hình ảnh lá chắn với hàng chục hệ thống tên lửa S-25 "Đại bàng vàng" được bố trí dày đặc để bảo vệ thủ đô Moscow của Liên Xô.

Ý tưởng của Raspletin dẫn đến sự ra đời của radar S-200 với tầm theo dõi 150 km và góc quan sát 60 độ, sử dụng hai chùm sóng riêng rẽ để bám bắt mục tiêu và điều khiển tên lửa.

Loại radar này có thể phát hiện và tự động bám bắt 20 vật thể khác nhau, dẫn bắn cho một quả đạn tới mỗi mục tiêu trong số này.

Radar S-200 được hỗ trợ bởi radar cảnh giới R-113 Kama với tầm hoạt động 300 km, có nhiệm vụ phát hiện mục tiêu từ xa và chuyển tham số cho hệ thống dẫn bắn.

Vũ khí chính của tổ hợp phòng không S-25 Berkut là tên lửa V-300 có tầm bắn 45 km và mang đầu đạn nổ mạnh nặng 250 kg.

Các nhà thiết kế còn đề xuất phương án tích hợp máy bay đánh chặn G-400, được phát triển từ oanh tạc cơ chiến lược Tu-4 và trang bị tên lửa đối không G-300, cùng máy bay cảnh báo sớm D-500 vào tổ hợp Đại bàng vàng. Tuy nhiên, giải pháp này bị loại bỏ sau nhiều đợt thử nghiệm không thành công.

Liên Xô tiến hành tổng cộng 81 đợt bắn thử S-25 trong giai đoạn 1952-1953, trong đó sử dụng oanh tạc cơ Tu-4 và Il-28 làm mục tiêu, kết quả thu được vượt cả sức mong đợi.

Ngay sau khi được thử nghiệm thành công, hệ thống tên lửa S-25 đầu tiên biên chế ngày 7-5-1955 và đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu sau đó một năm.

Hệ thống này lần đầu ra mắt công khai trong cuộc duyệt binh ngày 7-11-1960 trên Quảng trường Đỏ.

Để xây dựng lá chắn cho thủ đô Moscow, các hệ thống tên lửa đánh chặn S-25 được bố trí thành hai vòng tròn quanh thành phố, với nhiệm vụ phòng thủ chống lại đòn tập kích của 1.000 oanh tạc cơ chiến lược. Vòng tròn nhỏ gồm 22 trận địa nằm cách trung tâm thủ đô 45-50 km, vòng tròn lớn gồm 34 trận địa ở khoảng cách 85-90 km.

Mạng lưới radar cảnh giới được bố trí ở khoảng cách xa hơn, cho phép phát hiện sớm mục tiêu, giúp lực lượng phòng không chuyển trạng thái chiến đấu trước khi máy bay đối phương vào tầm bắn hiệu quả. Các vành đai được điều phối bởi một trung tâm chỉ huy và 4 đài chỉ huy khu vực.

Mỗi trận địa gồm một đài điều khiển với hai radar S-200 để xác định tầm, hướng và độ cao mục tiêu, cụm 60 bệ phóng tên lửa nằm cách đó 1,5 km và khu vực hỗ trợ hậu cần. Toàn bộ các thành phần của hệ thống, trừ bệ phóng, đều đặt trong hầm bê tông kiên cố, có khả năng chịu hàng loạt quả bom tấn của Mỹ. Chúng cũng được ngụy trang hoặc bố trí trong rừng để đối phương khó phát hiện.

S-25 Berkut được coi là hệ thống phòng không uy lực nhất thế giới khi được đưa vào biên chế, nhưng nó cũng tồn tại hàng loạt nhược điểm.

Đầu tiên là radar và bệ phóng của tên lửa được bố trí cố định, không có khả năng cơ động, kết cấu trận địa dạng xương cá dễ bị phát hiện bởi trinh sát cơ tầm cao hoặc vệ tinh do thám, có nguy cơ bị đối phương tập kích tiêu diệt.

Thiết kế phức tạp và chi phí vận hành lớn khiến S-25 chỉ có thể bảo vệ thủ đô Mocow và một vài cơ sở cực kỳ quan trọng. Điều này thúc đẩy Liên Xô phát triển những hệ thống phòng không đơn giản, có khả năng sống sót cao và rẻ tiền hơn như S-75 Dvina và S-125 Pechora, cho phép triển khai ở nhiều địa điểm hơn.

Tuy nhiên, S-25 vẫn liên tục được Liên Xô nâng cấp để bảo đảm khả năng phòng thủ trước các đòn tấn công hạt nhân.

Phiên bản nguyên gốc có khả năng bắn hạ máy bay có tốc độ 1.500 km/h ở độ cao 15 km, trong khi dự án hiện đại hóa năm 1966 giúp nó đánh chặn được tên lửa hành trình có tốc độ tới 4.300 km/h ở độ cao 0,5-35 km. Tầm bắn của S-25 Berkut cũng được nâng lên gần 60 km.

Hàng loạt gói nâng cấp giúp Liên Xô duy trì hoạt động của lá chắn S-25 cho đến đầu thập niên 1980, thời điểm hệ thống này đã lạc hậu và không còn khả năng hiện đại hóa để đối phó với những mối đe dọa hiện đại.

Sự xuất hiện của hệ thống S-300 đã khiến hàng loạt biến thế S-25 bị loại biên vào năm 1984, tuy vậy phiên bản S-25M vẫn được Ngaduy trì tới tận năm 2011, khi S-400 đã đi vào biên chế.