[ẢNH] Không quân Nga từ chỗ trỗi dậy hùng mạnh tới nguy cơ bị sa lầy tại chiến trường Syria

ANTD.VN - Chiến trường Syria khốc liệt kéo dài khiến không quân Nga đứng trước nguy cơ sa lầy vào một cuộc chiến hao tổn, dù trước đó họ đã trỗi dậy mạnh mẽ và khẳng định vị thế của mình trước phương Tây.

Cuộc chiến tại Syria đã giúp không quân Nga trỗi dậy mạnh mẽ, làm cho phương Tây có cái nhìn khâm phục lẫn lo sợ. Việc có thể duy trì hàng trăm máy bay chiến đấu hiện đại với cường độ không kích liên tục đã cho thấy sức mạnh khủng khiếp của không quân Nga.

Hiện không quân Nga đang duy trì hầu như toàn bộ các loại máy bay chiến đấu chủ lực của mình tại chiến trường Syria.

Từ các máy bay ném bom chiến lược hạng nặng như Tu-160, Tu-95MS và Tu-23.

Những máy bay ném bom chiến lược thường được cất cánh từ các sân bay nằm sâu trong nội địa của Nga, vượt qua biển cả để tiến hành các cuộc không kích vào các nhóm phiến quân tại Syria.

Hình ảnh một cuộc ném bom rải thảm thể hiện sức mạnh cơ bắp của không quân Nga.

Bên cạnh những loại máy bay ném bom chiến lược, Nga còn triển khai các loại tiêm kích hiện đại từ Su-27SM3, Su-30, Su-35 cho tới MiG-29SMT.

Các loại cường kích chủ lực  như Su-25, Su-24 cho tới máy bay cường kích hiện đại Su-34 cũng được điều động.

Tiêm kích MiG-29STM của không quân Nga với đặc điểm nhận dạng là chiếc lưng gù, đây là phiên bản mạnh nhất của dòng MiG-29 mới được điều động sang chiến trường Syria.

Các loại trực thăng tấn công mạnh nhất từ Mi-24, Mi-28, Mi-35 cho tới Ka-52 cũng đang ngày đêm tấn công các nhóm phiến quân tại Syria.

Thậm chí Moscow còn cho điều cả tiêm kích tàng hình Su-57, loại máy bay mới nhất của không quân Nga dù chúng chưa hoàn thiện và đi vào biên chế.

Nga đã triển khai tới 4 chiếc tiêm kích tàng hình Su-57 sang chiến trường Syria trong những ngày vừa qua.

Có thể nói rằng cuộc chiến tại Syria đã thay đổi toàn bộ không quân Nga về chiến lược tác chiến cũng như việc sử dụng các khí tài mới.

Những loại bom và tên lửa mạnh nhất trang bị cho máy bay được đem sang thử lửa.

Hình ảnh bom nhiệt áp được Nga sử dụng để diệt phiến quân tại chiến trường Syria.

Nga đã thường xuyên dùng bom nhiệt áp để tiêu diệt khủng bố IS tại Deir Ezzor, và nhóm khủng bố HTS tại Idlib. Hiện tại Nga đang dùng bom này để phá hủy các địa điểm bố phòng của phiến quân thánh chiến tại tử địa Đông Ghouta.

Hình ảnh bom nhiệt áp của Nga khi phát nổ, loại vũ khí này được đánh giá là có sức hủy diệt chỉ sau vũ khí nguyên tử.

Trước cuộc chiến Syria, không quân Nga chỉ là cái bóng của không quân Liên Xô hùng mạnh ngày nào. Thiếu hụt tài chính là nguyên nhân khiến không quân Nga suy giảm sức mạnh dù họ được thừa hưởng khối lượng khí tài khổng lồ từ Liên Xô.

Kể từ cuộc chiến tại Afghanistan, không quân Nga chưa thực sự có một cuộc chiến quy mô nào có sử dụng tới lực lượng không quân với cường độ cao.

Cuộc chiến tại Chechnya và Gruzia Nga chỉ sử dụng hạn chế không quân.

Lực lượng không quân Nga lúc này tuy có số lượng máy bay đông đảo nhưng đều là các loại máy bay được chế tạo từ thời Liên Xô.

Không thể phủ nhận những loại máy bay này có sức mạnh đáng gờm, thậm chí còn mạnh hơn cả đối thủ đến từ phương Tây tại thời điểm chúng ra đời.

Nhưng theo thời gian chúng dần trở nên lỗi thời và không đáp ứng được với điều kiện chiến trường hiện đại.

Không quân các cường quốc hiện tại sử dụng chủ yếu là vũ khí công nghệ cao với độ chính xác tốt.

Cùng với đó là năng lực tác chiến điện tử cũng được chú trọng.

Đây là hai lĩnh vực Nga còn yếu, thời điểm sau khi Liên Xô sụp đổ.

Không quân Nga nói riêng và quân đội Nga nói chung chỉ khởi sắc khi Tổng thống Putin lên nắm quyền, bằng việc khôi phục kinh tế ông cũng từng bước nâng cao sức mạnh của quân đội đặc biệt là không quân.

Ông Putin ra lệnh duyệt chi thêm nhiều ngân sách cho việc phát triển vũ khí đặc biệt là các vũ khí dùng cho không quân.

Những dự án công nghệ cao dành cho không quân vốn bị đóng băng trước đây do thiếu ngân sách đều được ông Putin cho mở lại.

Từ đó hàng loạt loại máy bay chiến đấu hiện đại được sản xuất mới hoặc  nâng cấp với năng lực chiến đấu tốt hơn dành cho không quân Nga.

Nga thành công không chỉ trong việc tạo ra vũ khí mới, họ còn đẩy mạnh việc xuất khẩu các loại vũ khí này. Dòng máy bay Su-27, Su-30 và Su-35 nhận được nhiều quan tâm và đặt mua từ khách hàng.

Dù vậy nhiều loại máy bay chiến đấu của Nga vẫn chưa qua thực chiến khiến phương Tây cũng như các khách hàng tiềm năng đặt dấu hỏi về chất lượng thực sự về chúng.

Chiến trường Syria đã trở thành nơi thích hợp để Nga thử lửa các loại máy bay chiến đấu, vừa tiêu diệt phiến quân khủng bố vừa khẳng định chất lượng vũ khí của mình.

Dù vậy họ cũng gặp không ít thất bại do các loại vũ khí mới chưa thực sự hoạt động trơn tru như mong đợi. Hình ảnh trực thăng tấn công hiện đại Mi-28 của Nga bị rơi.

Bên cạnh đó một số máy bay của Nga bị đối phương bắn rơi khiến phi công nước này tử nạn.

Hình ảnh chiếc máy bay cường kích Su-24 của Nga bị bắn hạ trên chiến trường Syria.

Nhưng trên hết việc hoạt động hiệu quả của không quân Nga đã giúp quân đội Syria triệt tiêu nhóm khủng bố khét tiếng IS.

Không quân Nga đang gắn liền với sự tồn vong của chính quyền của Tổng thống Assad.

Sức mạnh của không quân Nga khiến phiến quân khiếp sợ cũng như các thế lực nước ngoài muốn lật đổ chính quyền của ông Assad phải dè chừng.

Sự xuất hiện của máy bay Nga là sự bảo đảm cho chiến thắng trong các chiến dịch tấn công của quân đội Syria (SAA).

Nhiều trận đánh SAA đã lật ngược thế cờ, từ việc bị thua chạy trước phiến quân nhưng nhờ các cuộc không kích của Nga đã họ đã quay lại phản công và giành chiến thắng.

Ngay cả Mỹ dù không ưa gì chính quyền của Tổng thống Assad nhưng cũng không dám tung ra các cuộc tấn công cường độ cao nhằm vào quân đội Syria.

Sau khi hủy diệt khủng bố IS, Tổng thống Putin tiếp tục ra lệnh cho không quân Nga phải vô hiệu hóa các nhóm thánh chiến đặc biệt là HTS vốn là chi nhánh của Al-Qeada tại Syria.

Các cuộc tấn công với cường độ cao của không quân Nga đang tiếp tục hủy diệt các căn cứ của nhóm thánh chiến tại tử địa Đông Ghuota.

Ngày 3-3 lực lượng không quân Nga tiếp tục không kích thị trấn Kafr Zita, căn cứ địa vững chắc của lực lượng Hồi giáo cực đoan trên vùng nông thôn miền bắc tỉnh Hama. Các máy bay chiến đấu Nga sử dụng bom nhiệt áp và bom xuyên bê tông phá hủy hầm ngầm của phiến quân.

Theo một thông lệ bất thành văn, không quân Nga không kích đáp trả các cuộc pháo kích của lực lượng Hồi giáo cực đoan, đánh vào những thị trấn đã được giải phóng. 

Bất chấp những tổn thất nặng nề trước các cuộc không kích, các tay súng thánh chiến vẫn thường xuyên tấn công bằng tên lửa Grad hoặc pháo hạng nặng vào các khu dân cư này.

Nguồn tin trên mạng xã hội cho biết, một quả bom xuyên bê tông, dẫn đường vệ tinh đánh trúng một kho vũ khí ngầm của phiến quân, gây lên một vụ nổ kinh hoàng và khói bụi bao trùm cả thành phố.

Các máy bay chiến đấu Nga phát hiện được một xe pháo phản lực Grad và nhanh chóng phá hủy xe phóng tên lửa này cũng bằng bom có điều khiển.

Tương tự như thị trấn Al-Latamenah, Kafr Zita cũng là thị trấn mà các nhóm Hồi giáo cực đoan, chủ yếu là tổ chức Quân đội Syria tự do (FSA) xây dựng thành pháo đài kiên cố, có hệ thống hầm hào, trận địa phòng ngự dày đặc trên mặt đất cùng hệ thống đường hầm ngầm phức tạp. 

Trong các đường hầm đó có cả doanh trại, nhà kho chứa xe cơ giới gắn vũ khí, các trung tâm chỉ huy và kho tàng cất giữ đạn dược.

Tuy vậy giới quan sát nhận định Nga cũng không khỏi lo lắng về một cuộc sa lầy có thể đến tại quốc gia Trung Đông này.

Cuộc nội chiến tại Syria đã bước sang năm thứ 7 và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc.

Để bảo vệ quyền lợi của mình, dù muốn dù không, Nga vẫn phải duy trì sự hiện diện của không quân để hỗ trợ chính quyền Assad.

Việc triển khai một số lượng lớn phương tiện chiến đấu và phi công tại Syria khiến Nga phải duy trì một khoản chiến phí khổng lồ.

Trong hoàn cảnh tăng trưởng kinh tế đang có dấu hiệu chững lại do sự cấm vận của phương Tây, ngân sách quốc phòng ngày càng eo hẹp, duy trì một khoản chiến phí lớn cho chiến trường Syria đang dần trở thành gánh nặng đối với Nga.

Ngay cả khi nhóm khủng bố HTS cùng các nhóm phiến binh thánh chiến khác bị tiêu diệt, liên quân Nga-Syria vẫn phải đối mặt với lực lượng quân đội Syria tự do (FSA) được Thổ Nhĩ Kỳ nâng đỡ và nhóm Dân chủ Syria (SDF) đang được Mỹ đỡ đầu.

Cuộc chiến tại Syria vẫn sẽ tiếp tục vì vậy Nga sẽ phải tính toán thiệt hơn trong bối cảnh nguy cơ sa lầy đang ngày một rõ hơn tại chiến trường này.