[ẢNH] Không quân Nga còn kém xa Mỹ kể cả khi có thêm hàng trăm Su-30SM, Su-35S

ANTD.VN - Mới đây Tổ hợp sản xuất máy bay Komsomolsk on Amur (KnAAPO) đã bàn giao cho Không quân Nga chiếc Su-35S thứ 80. Trước đó Irkut cũng cho xuất xưởng tới hơn 100 chiếc Su-30SM.

Với gần 200 tiêm kích thế hệ 4,5 đã được tiếp nhận vào biên chế và dự kiến con số sản xuất mới trong tương lai gần cũng tương đương, Không quân Nga được kỳ vọng sẽ sánh ngang với Mỹ.

Tuy nhiên những kỳ vọng của giới chức quân sự Nga có vẻ quá lạc quan vì đây vẫn chỉ là tiêm kích thế hệ 4 được hiện đại hóa, so với chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 thì khoảng cách vẫn còn rất lớn.

Ngoài việc bị thất thế về chất lượng, số lượng máy bay chiến đấu hiện đại của Nga cũng vẫn chỉ là một con số nhỏ khi đặt cạnh lực lượng tác chiến trên không vô cùng hùng hậu của Mỹ.

Xét riêng Không quân Mỹ, lực lượng này đang duy trì phi đội 187 chiếc tiêm kích thế hệ 5 F-22A Raptor trong vai trò chủ lực, các tướng lĩnh nước này tự hào tuyên bố rằng 1 chiếc F-22 có thể giao chiến cùng lúc với 10 Su-30.

Giữ vai trò xương sống, yểm trợ cho phi đội F-22 Raptor hiện là 119 tiêm kích tàng hình F-35A Lightning II. Theo kế hoạch dài hạn, Không lực Hoa Kỳ sẽ tiếp nhận tổng cộng 1.763 máy bay loại này.

Không quân Thủy quân Lục chiến Mỹ đang vận hành 57 chiếc F-35B, đây là phiên bản tiêm kích F-35 có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng để triển khai trên tàu đổ bộ tấn công. Họ sẽ nhận tất cả 353 chiếc trong dài hạn.

Không quân Hải quân Mỹ mới chỉ sở hữu 26 tiêm kích F-35C, đây là biến thể cất cánh đường băng ngắn để triển khai trên tàu sân bay, trước mắt sẽ có khoảng 260 chiếc được chế tạo.

Ngoài tiêm kích thế hệ 5, số lượng chiến đấu cơ thế hệ 4,5 của Mỹ với tính năng tương đương Su-30SM và Su-35S của Nga cũng đang trực chiến với số lượng lớn gấp hàng chục lần những gì mà Moska vừa tiếp nhận.

Số lượng tiêm kích F-15C/D và F-15E/F đang phục vụ trong Không quân Mỹ là 450 chiếc, chúng đang được nâng cấp toàn bộ lên phiên bản mới được trang bị radar mảng pha quét chủ động (AESA). Đây là khí tài mà cả Su-35S cũng chưa có.

Phi đội tiêm kích hạng nhẹ F-16C/D của Không quân Mỹ hiện tại là 940 máy bay, tương tự như F-15 chúng cũng đang được tích cực hiện đại hóa lên chuẩn Viper với năng lực không chiến tăng vọt.

Ngoài F-35B, Không quân Thủy quân Lục chiến Mỹ còn đang vận hành phi đội 273 tiêm kích F/A-18 các phiên bản, được triển khai tại các căn cứ trên bộ thay vì trên tàu sân bay.

Phi đội F/A-18 lớn nhất thuộc về Không quân Hải quân Mỹ với tổng số 780 máy bay đang hoạt động, trong đó biến thể F/A-18 Advance Super Hornet được áp dụng những công nghệ của tiêm kích thế hệ 5 mà theo đánh giá phải sánh ngang Su-57 vào thời điểm hiện tại.

Bên cạnh số Su-30SM và Su-35S mới vào biên chế, dĩ nhiên không thể bỏ qua 190 Su-27, 150 MiG-29 và 135 MiG-31 đang phục vụ trong Không quân Nga, nhưng số lượng trên vẫn quá nhỏ bé so với Mỹ, chưa kể chất lượng thì còn thua xa.

Phiên bản Su-27 hiện đại nhất là Su-27SM3 hay MiG-29SMT chưa có đột phá thực sự về công nghệ, vẫn dùng radar mảng pha quét thụ động (PESA) lạc hậu, sẽ gặp rất nhiều bất lợi trước máy bay Mỹ lắp radar AESA.

Nhiệm vụ khả thi của người Nga trong ngắn hạn có lẽ là phải làm sao ngăn không để khoảng cách với lực lượng tác chiến trên không của Mỹ bị kéo giãn quá nhiều khi Hoa Kỳ đang sản xuất tiêm kích thế hệ 5 với số lượng lớn.

Còn để ngang bằng hay thậm chí là vượt lên trên sức mạnh của Không lực Hoa Kỳ thì chắc chắn đây là nhiệm vụ bất khả thi đối với Nga trong tương lai tương đối dài trước mắt.