[ẢNH] Không quân Israel, nhân tố bất ngờ đến khó chịu cho Nga và Mỹ tại chiến trường Syria?

ANTD.VN - Luôn bí ẩn tung ra những cuộc tấn công bất ngờ nhưng cũng cực kỳ dứt khoát vào chiến trường Syria, không quân Israel luôn khiến các bên đang tham chiến tại Syria bất ngờ thậm chí khó chịu.

Không quân Israel là một trong những lực lượng tác chiến đường không mạnh nhất thế giới. Chiến trường Syria một lần nữa cho thấy họ vẫn tiếp tục dẫn dắt "cuộc chơi" tại Trung Đông vốn đầy những bất ổn bởi xung đột.

Được trang bị hiện đại, với lối đánh táo bạo cùng những phi công tài giỏi, họ khiến ngay cả Nga, Mỹ cũng phải cảm phục, trong khi Iran và Syria luôn thấp thỏm lo sợ.

Không quân Israel đã được tung vào tham chiến trong cuộc chiến 6 ngày (1967) chống lại liên quân Ả Rập, họ đã giành thắng lợi một cách thuyết phục khiến ngay cả Liên Xô và Mỹ lúc đó cũng kiêng nể

Chỉ trong 6 ngày không quân Israel đã hủy diệt 452 máy bay của liên minh Ả Rập. Sức mạnh của không quân Israel còn nằm ở năng lực chiến đấu của phi công. 

Họ được đánh giá nằm trong nhóm đầu thế giới cùng với phi công Nga và Mỹ.

Chiến lược nhập khẩu máy bay từ nước ngoài kết hợp phát triển trong nước và nâng cấp, trang bị vũ khí theo yêu cầu sử dụng riêng là cách để Không quân Israel độc bá Trung Đông. 

Hiện Israel có tổng cộng 684 máy bay các loại, tổ chức thành 5 không đoàn, 6 căn cứ không quân biên chế hàng chục liên đội hàng không.

Đáng chú ý, Israel là nước thứ 2 sau Mỹ biên chế tiêm kích tàng hình thế hệ thứ 5, F-35I. Hiện họ đã có hàng chục chiếc đang phục vụ trong biên chế.

Israel cũng là nước đầu tiên đưa tiêm kích F-35I vào thực chiến. Nhiều nguồn tin khẳng định F-35I đã vượt qua lưới lửa phòng không của Nga, kể cả S-400 để tiến đánh quân đội Syria trong những đợt tấn công tính từ đầu năm nay.

Sau đó có thể đã có thỏa thuận ngầm với Nga, nên không quân Israel chỉ cần dùng F-15, F-16 tiến đánh quân đội Syria.

Hiện Israel đã đặt hàng tổng cộng 50 chiếc tiêm kích tàng hình F-35 tối tân này để duy trì sức mạnh quân sự hàng đầu trong khu vực.

Bên cạnh F-35, không quân Israel còn duy trì hàng trăm chiếc tiêm kích F-16I, phiên bản F-16E/F Block 52 của Mỹ. Phiên bản này được coi có sức chiến đấu ngang ngửa với Su-30SM của Nga.

Israel cũng là quốc gia có phiên bản F-15 mạnh nhất thế giới, những chiếc F-15I được phát triển trên cơ sở F-15E Strike Eagle của Mỹ nhưng trang bị thiết bị điện tử của Israel, khiến nó mạnh hơn cả phiên bản gốc. 

F-15I của Israel được coi là đối thủ ngang tài ngang sức với Su-35 của Nga. Hình ảnh tiêm kích F-15I với màu sơn rằn ri sa mạc đặc trưng.

Lực lượng không quân trực thăng của Israel có trong trang bị khoảng 130 máy bay các loại do Mỹ và Pháp sản xuất. 

Trong đó, đóng vai trò chủ lực là các trực thăng đa năng S-70A Yanshuf.

Họ cũng có những trực thăng tấn công tốt nhất thế giới bao gồm 45 chiếc AH-64 Apache. Lực lượng trực thăng tấn công mạnh hơn bất cứ không quân nước nào trong khu vực.

Không quân vận tải đang biên chế khoảng 70 chiếc máy bay hầu hết do Mỹ cung cấp. Các máy bay này ngoài vai trò không vận, còn có các phiên bản làm nhiệm vụ tiếp nhiên liệu trên không, chữa cháy rừng, tác chiến điện tử, tuần tra hải quân.

Nòng cốt lực lượng vận tải chủ yếu là 18 chiếc máy bay hạng trung C-130E/H và C-130J-30.

Không quân Israel hiện có trong tay 9 máy bay tiếp nhiên liệu trên không Boeing KC-707 Saknai. Hiện Tel Aviv vẫn cần mua thêm, tuy nhiên Mỹ đã không bán vì lo ngại có trong tay nhiều máy bay tiếp dầu, không quân Israel sẽ tác chiến tầm xa gây náo loạn Trung Đông.

Lực lượng máy bay cảnh báo sớm chỉ có 2 chiếc Eitam CAEW do Israel phát triển sử dụng khung gầm máy bay thương mại Gulfstream G550.

Hiện loại vũ khí chủ lực đang được Israel sử dụng để tấn công vào Syria chính là tên lửa không đối đất Delilah.

Giới quan sát cho rằng có thể đêm qua đòn tấn công bằng tên lửa vào Damascus cũng chính do Delilah đảm nhận.

Với những vũ khí tối tân, lực lượng hậu cần mạnh mẽ, nhân lực tài năng, không quân Israel đủ sức đè bẹp bất cứ đối thủ nào. 

Chính điều này đã khiến Syria chỉ phản ứng một cách chừng mực khi bị tiêm kích Israel tấn công, bởi họ hiểu rằng, nếu Israel tấn công tổng lực bằng không quân, quân đội Syria sẽ nhanh chóng đi vào vòng nguy hiểm.

Dù Nga đã bố trí một lực lượng hùng hậu các hệ thống phòng thủ tên lửa, nhưng với khoảng 10 chiếc F-35I trong tay, không quân Israel có thể tấn công bất cứ lúc nào.

Dù không ưa chính quyền của Tổng thống Assad, cũng như Tel Aviv rất tức giận trước hành động triển khai căn cứ của Iran (kẻ thù không đội trời chung với Israel), nhưng họ cũng chưa dám phiêu lưu mở một chiến dịch tấn công quy mô toàn diện vào Syria.

Một mặt Nga đang có những căn cứ quân sự lớn ở Syria, mặt khác chính quân đội Nga đang chống lưng cho quân đội Syria nên với mối quan hệ giao hảo đang hết sức nồng ấm với Moscow, Tel Aviv không thể đánh lớn.

Hơn nữa ngay cả việc Israel dùng không quân để tấn công tổng lực vào Syria cũng chưa chắc đã là điều mà Mỹ mong muốn.

Mỹ vẫn đang muốn duy trì cục diện hiện tại ở Trung Đông. Họ không muốn một cuộc chiến giữa quân đội Do Thái vào liên minh Ả rập

Giữa liên minh Ả rập và Israel chưa bao giờ là mối quan hệ "cơm ngon canh ngọt" kể từ khi những người Do Thái tái lập quốc.

Việc Israel tái lập quốc đã xua đuổi người Ả rập trên vùng đất họ đang sống (Israel cho rằng đó là vùng đất của tổ tiên họ ngày xưa, sau khi bị Roma đánh bại, người Do thái đã phải phân tán ra khắp nơi trên thế giới) đã gây nên làn sóng phản ứng dữ dội từ các quốc gia Ả rập. 

Cuộc chiến năm 1967 là đỉnh điểm cho xung đột giữa người Do thái và khối Ả rập, đứng đằng sau là Mỹ và Liên Xô.

Dù phần thắng thuộc về Israel nhưng cuộc chiến đã gây xáo động không những trong khu vực mà còn trên bình diện quốc tế.

Vì vậy cả Nga và Mỹ đều không mong muốn một cuộc chiến diện rộng diễn ra tại Trung Đông.

Quay lại cuộc chiến tại Syria, các bên đang ở vào thế cầm cự nhau. Trong khi Mỹ và liên quân đe dọa tấn công Syria nếu như nước này tấn công vào Idlib. 

Dù Mỹ nói họ chỉ tấn công trong trường hợp quân đội Syria sử dụng vũ khí hóa học, nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng lý do không chỉ đơn giản vậy, vì Idlib là vùng đất cuối cùng được bố trí bài bản của phiến quân đối lập tại Syria.

Hiện các cuộc không kích của Nga và Syria cũng bắt đầu giảm bớt trên chiến trường Idlib, thay vào đó là chiến trường Đông Syria, nơi tàn binh IS còn đang ẩn náu.

Có thể Nga lo lắng một cuộc tấn công của Mỹ và liên quân vào quân đội Syria có thể sẽ biến những nỗ lực rút bớt chân ra khỏi Syria của Nga mấy tháng nay sụp đổ.

Nga đang ngày càng phải chịu một khoản chiến phí nặng nề cho chiến trường Syria. Trong bối cảnh kinh tế bị Mỹ cấm vận, đây là một thách thức không nhỏ.

Vì thế Nga chỉ muốn duy trì tốt tình thế hiện tại trước khi có các bước đi chiến lược vào những thời điểm thích hợp.

Cả Mỹ cũng thế, có vẻ như cái cớ "vũ khí hóa học" đang dần mất tác dụng và họ cũng muốn duy trì cục diện hiện tại. Tuy vậy các cuộc tấn công từ phía Israel có thể đảo lộn tất cả. Cuộc chiến tại Syria đang ngày một phức tạp hơn.