[ẢNH] Không phải Su-30, Su-35, 'Kiếm sĩ' Su-24 mới là chủ đạo hủy diệt khủng bố tại Syria

ANTD.VN - Các chiến đấu cơ hiện đại như Su-30, Su-35 chỉ đóng vai trò tấn công cầm chừng khủng bố tại Syria bên cạnh nhiệm vụ tạo sức mạnh cho không quân Nga, răn đe đối phương trên bầu trời Syria. Vai trò chủ đạo trong việc tiêu diệt khủng bố và phiến binh thánh chiến lại được giao cho "kiếm sĩ" Su-24.

Tuy Nga đang triển khai các chiến đấu cơ đa năng cực mạnh Su-30 và Su-35 sang chiến trường Syria, nhưng nhiệm vụ hủy diệt khủng bố và phiến binh thánh chiến lại do cường kích Su-24 biệt danh "Kiếm sĩ" đảm nhận.

Su-24 được chế tạo cho vai trò chủ đạo tấn công mặt đất, khi đối phó với lực lượng khủng bố và phiến binh thánh chiến vốn không có không quân cũng như lực lượng phòng không đủ mạnh thì việc giao nhiệm vụ cho Su-24 hủy diệt phiến quân cũng là điều dễ hiểu.

Mặt khác chi phí hoạt động của Su-24 thấp hơn hẳn Su-30, Su-34 và Su-35, trong bối cảnh cuộc chiến kéo dài, Nga tăng cường các cuộc không kích bằng Su-24 vừa có đủ sức mạnh hủy diệt nhưng cũng tiết kiệm chi phí.

Các kỹ thuật viên quân sự Nga lắp bom và tên lửa đối đất lên chiến đấu cơ Su-24.

Cho đến thời điểm hiện tại, Su-24 vẫn là chiến đấu cơ có số lần xuất kích diệt phiến quân nhiều nhất bên cạnh Su-25. 

Gần đây Nga đã điều thêm cường kích hiện đại Su-34 sang chiến trường Syria, tuy vậy nhiệm vụ không kích hủy diệt phiến binh thánh chiến và các tổ chức khủng bố tại Syria vẫn do Su-24 làm chủ đạo.

Hình ảnh các chiến đấu cơ Su-24 tại căn cứ Hmeymim, Syria.

Tên lửa đang được kéo ra để lắp vào chiến đấu cơ Su-24.

Cường kích Su-24 của không quân Nga tại chiến trường Syria.

Quân đội Nga đang lắp đặt bom cho cường kích Su-24.

Các loại bom và tên lửa của không quân Nga đang tham chiến tại Syria.

Mục tiêu của phiến quân khủng bố bị đánh trúng.

Bằng các loại tên lửa, bom thông thường và bom thông minh, Su-24 có thể triển khai các cuộc không kích bất kể ngày đêm.

Mỗi chiếc Su-24 được điều khiển bởi hai phi công ngồi song song với nhau, một phi công lái và một phi công điều khiển vũ khí.

Su-24 được Liên Xô thiết kế vào cuối thập niên 1960 đầu và chính thức đi vào biên chế năm 1974. 

Đã có tổng cộng 1.400 chiếc được sản xuất. Ước tính Nga vẫn đang duy trì hoạt động của 450 chiếc Su-24 với các phiên bản khác nhau.

Su-24 có chiều cao 6,19 m, chiều dài 24,59 m. Khối lượng khi không tải khoảng 22.300 kg. Trọng lượng tối đa khi cất cánh là 39.700 kg. Trần bay 11.000 m.

Khả năng hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết và cả đêm lẫn ngày của Su-24 thực hiện được nhờ hệ thống định vị Puma, bao gồm 2 radar định vị Orion-A và một radar giám sát mặt đất Relyef.

Những biến thể mới hơn được nâng cấp mạnh về hệ thống điện tử và vũ khí cho phép nâng cao sức mạnh gấp hơn 2 lần nguyên bản.

Chiếc máy bay được lắp đặt 2 động cơ phản lực đốt sau Saturn/Lyulka AL-21F-3A có công suất 110 KN (11216 Kgs) mỗi chiếc.

Với hai động cơ cực khỏe này giúp Su-24 có thể đạt vận tốc 1.700 km/h, tốc độ leo cao 150m/s.

Tầm bay của cường kích Su-24 đạt 2.500km.

Điểm độc đáo của Su-24 chính là việc thay đổi hình dạng của cánh. Khi cần bay với tốc độ siêu âm để truy đuổi kẻ địch hay chạy thoát tên lửa, Su-24 sẽ gập cánh về phía sau để tăng tốc.

Nhưng khi cần bay với tốc độ chậm và hạ độ cao thấp, các cánh của Su-24 sẽ xòe ra để tạo lực nâng.

Với 9 giá treo, Su-24 có khả năng mang 8.000kg vũ khí bao gồm: pháo bắn nhanh GSH-6-23M cỡ nòng 23 mm với 500 viên đạn.

Các loại tên lửa như tên lửa điều khiển bằng sóng vô tuyến Kh-23, tên lửa điều khiển bằng laser Kh-25ML, Kh-28, Kh-58, hoặc tên lửa chống bức xạ Kh-31P; tên lửa dẫn đường bằng laser/TV Kh-29, Kh-59.

Su-24 có thể mang theo các thùng phóng rocket S-5, S8 và S13 cùng các loại bom điều khiển TV/laser KAB-500KR và KAB-500L hoặc bom thông thường.

Để không chiến Su-24 có khả năng triển khai 2 tên lửa không đối không R-60 hoặc R-73.

Cường độ tác chiến ác liệt khiến Nga đã bị tổn thất 2 chiếc Su-24 tại Syria, một chiếc bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ, một chiếc bị rơi vì trục trặc kỹ thuật.

Tuy vậy Nga vẫn quyết duy trì hoạt động cường độ cao của Su-24 để cân bằng bài toán hỏa lực và chi phí trong bối cảnh cuộc chiến tại Syria vẫn đang tiếp tục kéo dài.