[ẢNH] Không những Pantsir-S1 trúng đòn tan nát, hệ thống S-200 của Syria cũng bị Israel phá hủy

ANTD.VN - Sau khi Syria bắn 20 quả rocket vào cao nguyên Golan - phần đất vốn của Syria đang nằm trong tay Israel kiểm soát - Tel Aviv liền tung đòn phản công được cho là khốc liệt nhất kể từ trước tới nay. Ngoài việc hủy diệt các căn cứ, Israel còn tấn công vào các hệ thống phòng không Syria, trong đó có Pantsir-S1 đồng thời phá hủy luôn hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-200 của Syria.

"Dù đã được cảnh báo trước, lực lượng phòng không Syria vẫn khai hỏa nhằm vào các máy bay Israel thực hiện cuộc không kích. Để đáp trả, không quân Israel đã phóng tên lửa vào các tổ hợp phòng không của Syria. Các tiêm kích Israel trở về căn cứ an toàn", thông báo của Bộ Quốc phòng Israel cho biết.

Hình ảnh hệ thống phòng không Pantsir-S1 của quân đội Syria bị UAV cảm tử Harop của Israel phá hủy.

Hệ thống phòng không tầm thấp Pantsir-S1 

Ngoài ra hệ thống phòng không tầm xa S-200 cũng bị tên lửa chống radar của Israel "băm nát".  Hình ảnh radar trinh sát nhìn vòng P-35/P-37 của tổ hợp S-200 bị phá hủy.

Radar điều khiển hỏa lực điều khiển hỏa lực 5N62 của tổ hợp S-200 cùng chung số phận.

Đây được coi là tổn thất lớn nhất của quân đội Syria trong vài năm trở lại đây. Ngoài hàng chục căn cứ, kho tàng bến bãi và các hệ thống phòng không bị phá hủy họ còn mất thêm 23 binh sĩ trong cuộc tấn công vừa qua của Israel.

Israel luôn tìm cách tiêu diệt các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-200 của Syria, sau khi một trong những tên lửa loại này đã hạ gục tiêm kích F-16I của không quân nước này.

Vụ 7 sĩ quan của một kíp điều khiển tên lửa S-200 Syria đã bị thiệt mạng trong một vụ đánh bom cài ở vệ đường được cho là hành động trả thù của Israel bởi có tin cho rằng đây chính là kíp chiến đấu đã bắn hạ F-16I.

Vì vậy việc tiêu diệt hệ thống S-200 được coi là mục tiêu hàng đầu trong các cuộc không kích của Israel.

Trước đó các máy bay tiêm kích của Israel cũng đã phá hủy một hệ thống S-200 sau khi hệ thống này bắn cảnh cáo vào hai tiêm kích F-15I của không quân Israel trên không phận Lebanon.

S-200 là hệ thống phòng không tầm xa mạnh nhất của Syria. Trước khi S-400 đi vào biên chế thì S-200 được coi là hệ thống phòng không có tầm bắn xa nhất thế giới, vượt trên cả hệ thống S-300.

Tổ hợp phòng không tầm xa này được Liên Xô phát triển vào thập niên 1960 để bảo vệ các khu vực hành chính, công nghiệp và quân sự tối quan trọng khỏi các cuộc tập kích đường không của Mỹ và phương Tây.

S-200 là mẫu tên lửa phòng không cuối cùng kết hợp động cơ chính nhiên liệu lỏng và tầng đẩy sơ tốc nhiên liệu rắn, cũng là tổ hợp cuối cùng của Lực lượng phòng không Liên Xô (PVO) được đặt trên các bệ phóng cố định. 

Phiên bản S-200A Angara (SA-5a) có tầm bắn 180 km được biên chế cho PVO vào năm 1966.

Trong khi mẫu S-200 Vega (SA-5b) ra đời trong thập niên 1970 được nâng tầm bắn lên tới hơn 300 km.

Mỗi tiểu đoàn S-200 được biến chế 6 bệ phóng tên lửa cố định (mỗi bệ 1 đạn) và đài điều khiển hỏa lực. Hệ thống có thể liên kế với các đài radar cảnh giới khác.

Khi bắn, 4 động cơ rocket phụ sẽ khởi động trước đưa tên lửa rời khỏi bệ phóng, cháy hết nhiên liệu (từ 3-5,1 giây) nó sẽ tự động tách khỏi thân tên lửa. Sau đó, động cơ chính được kích hoạt đưa tên lửa bay tới mục tiêu (thời gian cháy 51-150 giây).

Tên lửa sử dụng hệ chiếu vô tuyến pha giữa để hiệu chỉnh đường bay. Ở pha cuối dùng đầu tự dẫn radar bán chủ động tấn công mục tiêu.

Đạn tên lửa có khả năng diệt mục tiêu ở cự ly xa từ 250-300 km, độ cao 20.000 m.

Tên lửa S-200 áp dụng cơ cấu dẫn đường bằng radar bán chủ động (SARH) kết hợp với cập nhật pha giữa bằng tín hiệu vô tuyến. 

Sử dụng phương thức SARH trên toàn hành trình giúp tăng độ chính xác của S-200 ở khoảng cách lớn.

Mỗi tên lửa của S-200 được đẩy lên bằng 4 tên lửa phụ. Sau khi các tên lửa phụ này tách ra (từ 3 - 5 giây) tên lửa chính sẽ bay bằng nhiên liệu của chính nó. 

Mỗi quả đạn lắp đầu đạn nổ phân mảnh nặng 217 kg (chứa bên trong 16.000 mảnh nhỏ loại 2g và 21.000 mảnh nhỏ 3,5g) cho bán kính sát thương rất lớn đủ khiến máy bay biến thành bó đuốc giữa không trung một khi bị trúng tên lửa S-200.

Với tốc độ bay tối đa có thể đạt được là Mach 8, các tên lửa S-200 có thể hạ gục các mục tiêu đang di chuyển với tốc độ Mach 4 với xác suất thành công là 85%.

Loại radar mà S-200 sử dụng là 5N62 với băng tần H và tầm hoạt động 270 km. 

Ngoài 5N62, S-200 còn có thể kết hợp với một số loại radar dùng băng tần A và E hiện đại hơn trong thời kì hiện nay để nâng tầm hoạt động và khống chế mục tiêu.

Hình ảnh tổ hợp tên lửa phòng không S-200 của quân đội Syria tại một căn cứ gần thủ đô Damascus.

Hiện nay Syria có 5 trận địa S-200 đang hoạt động, đây chính là hàng rào phòng không vững chắc dọc theo biên giới phía Tây và vùng Biển Địa Trung Hải của Syria.