[ẢNH] Khi sự chịu đựng đạt đến giới hạn, phòng không Syria lên tiếng, không quân đối phương sẽ 'ngã sấp mặt'

ANTD.VN - Việc quyết định bắn hạ chiến đấu cơ và tên lửa của Israel phần nào cho thấy hệ thống phòng không Syria cực kỳ nguy hiểm. Việc họ án binh bất động trước đây là nhằm giảm bớt căng thẳng với Tel Aviv trong bối cảnh "tứ bề thọ địch", tuy nhiên khi sự chịu đựng đạt tới giới hạn thì không quân Israel sẽ có lý do để mà lo lắng.

Trước chiến tranh, phòng không Syria được coi là một trong những lực lượng mạnh nhất Trung Đông. Họ có khá đa dạng các chủng loại vũ khí, từ tầm thấp đến tầm cao và bao gồm cả những hệ thống hiện đại mới của Nga.

Có nguồn tin cho rằng Syria thậm chí còn đặt mua cả hệ thống phòng không S-300 của Nga, tuy nhiên nội chiến tại quốc gia này đã khiến thương vụ bị gián đoạn.

Theo số liệu của Military Balance, Syria có 25 lữ đoàn và 2 trung đoàn phòng không độc lập. Cả 2 trung đoàn phòng không độc lập này đều được trang bị tên lửa phòng không tầm xa S-200.

S-200 chính là hệ thống đã bắn hạ chiến đấu cơ F-16D của không quân Israel hôm 10-2 vừa qua.

Hệ thống tên lửa phòng không S-200 do Liên Xô phát triển từ những năm 1960, được thiết kế nhằm bảo vệ các mục tiêu chiến lược khỏi máy bay ném bom tầm xa, tầm cao của Mỹ và phương Tây. Trước khi có S-400, S-200 là tên lửa phòng không đạt tầm bắn xa nhất thế giới, vượt cả tầm bắn của S-300.

Đạn tên lửa S-200 sử dụng hệ chiếu vô tuyến pha giữa để hiệu chỉnh đường bay. Ở pha cuối dùng đầu tự dẫn radar bán chủ động tấn công mục tiêu.

Mỗi quả đạn lắp đầu đạn nổ phân mảnh nặng 217 kg (chứa bên trong 16.000 mảnh nhỏ loại 2g và 21.000 mảnh nhỏ 3,5g) cho bán kính sát thương rất lớn, đủ biến máy bay thành bó đuốc giữa không trung một khi bị trúng tên lửa S-200. 

Hình ảnh hệ thống phòng không S-200 của Syria.

Một hệ thống S-200 của Syria bị hư hại trong cuộc nội chiến.

Một trong những loại vũ khí phòng không cơ động nguy hiểm nhất của Syria là các tổ hợp tên lửa tầm trung di động Buk M2E.

Hệ thống này có khả năng cơ động cao, tiêu diệt được nhiều mục tiêu cùng lúc với xác suất lớn. 

Hình ảnh hệ thống phòng không Buk M2E của quân đội Syria.

Buk-M2E là phiên bản nâng cấp của dòng tên lửa Buk vốn được phát triển trên cơ sở phương án 2K12 Kub. 

Buk-M2E có khả năng bắn hạ được mọi mục tiêu trên không gồm cả tên lửa đạn đạo chiến thuật bay tốc độ 1.200m/s.

Theo SIPRI, Syria hiện có khoảng 8 tổ hợp phòng không Buk-M2E - mỗi tổ hợp có khả năng tiêu diệt đồng thời 24 mục tiêu cùng lúc, tầm bắn ước tính đạt 3-45km, độ cao bắn chặn tối thiểu chỉ 15m, tối đa đến 25km. Trong ảnh, Syria bắn thử nghiệm Buk-M2E trong một cuộc tập trận năm 2013

Hệ thống đáng sợ kế tiếp chính là 9K33 Osa (SA-8). Đây được coi là sát thủ của trực thăng tầm thấp.

9K33 OSA  là hệ thống tên lửa đất đối không chiến thuật tầm thấp và ngắn có độ cơ động rất cao được Liên Xô sản xuất, ra mắt lần đầu vào năm 1980.

9K33 OSA là hệ thống phòng không di động đầu tiên tích hợp cả radar chiến đấu trên cùng một phương tiện. Hệ thống này được lắp đặt trêb các xe chuyên chở 6 bánh có khả năng lội nước sâu. Tầm hoạt động trên đường bộ vào khoảng 500 km.

Tên lửa dụng một tầng đẩy nhiên liệu rắn và có thể tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết. Phiên bản đầu tiên của nó là 9K33 OSA chỉ mang được 4 quả đạn lắp sẵn. Sau này, 9K33 OSA được phát triển thêm 2 xe tiếp đạn BAZ-5937, mỗi xe mang được 18 quả đạn để hỗ trợ cho khẩu đội gồm 4 xe phóng.

9K33 OSA có trọng lượng 130kg, tốc độ tối đa Mach 2,4. Độ cao hiệu quả tối thiểu/tối đa là 25/5.000 m. 

Tầm bắn hiệu quả từ 1.500 m đến 12.000 m, tuy nhiên sau khi được cải tiến hệ thống điều khiển, tầm bắn hiệu quả tối đa được nâng lên 15.000 m.

Đạn tên lửa có trọng lượng đầu đạn là 19 kg và có bán kính sát thương (ở độ cao thấp) là 5 m. 

Tên lửa có thời gian triển khai là 4 phút, thời gian phản ứng là 26 giây. 

Radar điều khiển hoả lực LAND ROLL hoạt động 360 độ ở dải sóng H-band với tầm trinh sát tối đa 35 km và tầm hoạt động hiệu quả là 30 km.

Hệ thống 9K33 OSA của Syria đang khai hỏa.

Tiếp theo là hệ thống phòng không 2K12 Kub (SA-6) biệt danh "Ba ngón tay thần chết" từng khiến không quân Israel lạnh gáy.

 Israel đã mất tới 64 chiếc máy bay do hệ thống này bắn hạ.

Tổ hợp tên lửa phòng không 2K12 Kub do Liên Xô thiết kế và đưa vào trang bị từ đầu thập niên 1970. Đây từng được coi là hệ thống phòng không nguy hiểm nhất thế giới.

 2K12 Kub đạt tỷ lệ tiêu diệt là 1,4 tên lửa/1 máy bay, một con số cực kỳ ấn tượng với bất kỳ hệ thống tên lửa phòng không nào.

Hệ thống này có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không bay với tốc độ 420 - 600m/giây từ độ cao khoảng 100 mét tới 7 km và tầm bắn tối đa 20 km.

Mỗi hệ thống bao gồm 3 bệ phóng 2P25 với 3 đạn tên lửa sẵn sàng phóng lắp trên khung gầm xe bánh xích GM-578, xe radar điều khiển hỏa lực 1S91 được đặt trên khung gầm xe bánh xích GM-568. Xe radar này lại bao gồm 2 hệ thống radar khác nhau. Tên lửa được trang bị radar bán chủ động SARH 1SB4 để khóa mục tiêu ở pha cuối. Hệ thống có khả năng tiêu diệt các mục tiêu ở cự ly từ 4-24km với tầm cao từ 50-14.000m.

Phòng không Syria vẫn đang nắm giữ một số tiểu đoàn tên lửa Pechora-2M.

Pechora-2M - phiên bản nâng cấp hiện đại của dòng tên lửa S-125 Pechora (NATO gọi là SA-3). 

Pechora-2M được hiện đại hóa đưa hầu hết các thành phần cố định lên xe tự hành biến nó thành tổ hợp tên lửa di động hiện đại.

Phiên bản Pechora-2M sở hữu ưu điểm đáng chú ý là toàn bộ hệ thống được đặt trên khung gầm xe tải bánh lốp 6x6 MZKT-8022 có tính việt dã rất cao.

Tên lửa của hệ thống Pechora-2M gồm 2 phần. Phần thân dưới là động cơ đẩy phụ-nhiên liệu rắn, thời gian hoạt động 2,6 giây, gắn 4 cánh vây hình chữ nhật có thể xoay 90 độ; phần trên đường kính nhỏ hơn là động cơ đẩy chính-nhiên liệu rắn, thời gian hoạt động 18,7 giây và đầu đạn, được gắn 4 vây đuôi cố định và 4 vây chuyển động được nhỏ hơn ở đầu.

Đạn tên lửa được điều khiển bằng sóng radio qua antenna ở cánh vây sau phần trên (có thể tên lửa loại này được trang bị công nghệ tự tìm mục tiêu bằng hồng ngoại ở cuối hành trình IR terminal homing).

Tên lửa 5V24 (V600) có thể đạt tốc độ Mach 3-3,5. Tuy có tầm bắn ngắn và độ cao thấp hơn người tiền nhiệm S-75, nhưng điểm độc đáo là thiết kế hai gian đoạn bay nên cực kì hiệu quả để chống lại mục tiêu di động.

Hệ thống Pechora-2M sử dụng 2 phiên bản đạn tên lửa khác nhau. V-600 (hay 5V24) có đầu nổ nhỏ chỉ có trọng lượng 60 kg, có tầm bắn khoảng 15 km.

Phiên bản sau có tên gọi V-601 (hay 5V27). Nó có chiều dài 6,09 m, sải cánh 2,2 m và đường kính 0,375 m.

Trọng lượng tên lửa khi phóng là 953 kg, đầu nổ nặng 70 kg gồm 33 kg thuốc nổ mạnh và 4.500 mảnh nhỏ. Tầm bắn từ 3,5 đến 35 km (với Pechora 2A). Độ cao hoạt động của tên lửa từ 100 m đến 18 km.

Một cái tên nữa trong gia đình tên lửa phòng không Syria đó chính là 9K35 Strela-10 (Tên định danh NATO SA-13 Gopher). 

Đây là hệ thống tên lửa phòng không di động tầm thấp được phát triển từ "người tiền nhiệm" 9K31 Strela-1 (SA-9 Gaskin).Hiện Syria đang có khoảng 35 hệ thống phòng không 9K35 Strela-10.

Công việc sản xuất Strela-10 bắt đầu từ năm 1973 và nó chính thức gia nhập biên chế Quân đội Liên Xô vào năm 1976. Hệ thống đã được xuất khẩu rộng rãi đến nhiều quốc gia đồng minh trong đó có Syria.

9K35 Strela-10 có khả năng tiêu diệt các máy bay, trực thăng, UAV, vũ khí chính xác cao (tên lửa, bom thông minh) ở cự ly bắn tối thiểu 800m, tối đa đến 5km, độ cao tối thiểu từ 25m tới tối đa 3,5km.

 Đạn có ba kênh dẫn bắn gồm: tương phản hình ảnh; hồng ngoại và hồng ngoại - camera. 

Hình ảnh hệ thống phòng không 9K35 Strela-10 đang khai hỏa.

Syria cũng đang có khoảng 50 hệ thống phòng không thế hệ cũ do Liên Xô sản xuất đó chính là S-75.

Từ năm 1974 đến năm 1987, Syria đã nhận 52 tổ hợp tên lửa phòng không S-75M và S-75M3 cùng 1. 918 tên lửa có điều khiển V-755/V-759.

 Trước cuộc nội chiến, có 30 tiểu đoàn tên lửa phòng không Syria được trang bị S-75.

Đạn tên lửa có khả năng bắn hạ mục tiêu ở tầm xa tới 45km, độ cao 25km được trang bị đầu đạn nổ phân mảnh nặng 195kg, khi nổ tạo ra khoảng 29.000 mảnh vỡ có phạm vi sát thương lên đến 65m ở độ cao thấp hoặc 250m ở độ cao lớn.

Cuối cùng là hệ thống phòng không mang biệt danh "quái thú" Pantsir-S1. Sau Nga, Syria là một trong số ít quốc gia được trang bị hệ thống phòng không tầm ngắn cực nguy hiểm này.

Liên tục lập công, bắn hạ từ UAV trinh sát của Mỹ tới tên lửa đạn đạo tối tân Lora của Israel, Pantsir-S1 được coi là một trong số những hệ thống phòng không tầm thấp hiệu quả nhất hiện nay tại Syria.

Hệ thống phòng không tầm thấp Pantsir-S1 với sự kết hợp giữa pháo và tên lửa đem lại một lưới lửa dày đặc tầm thấp, bảo vệ chắc chắn căn cứ trước sức tấn công của đối phương.

Pantsir-S1 sử dụng radar 1RS2-1 có thể phát hiện mục tiêu ở cự ly 32-36 km. Ngoài ra nó còn được trang bị hệ thống camera quang học và ảnh nhiệt để tăng hiệu quả trong việc phát hiện và tiêu diệt mục tiêu.

Pantsir-S trang bị 12 ống phóng chứa tên lửa đất đối không 57E6 hoặc 57E6-E với tầm bắn tối đa 20km, độ cao bắn hạ 15km. 

Ngoài ra còn có hai pháo tự động 2A38M cỡ 30mm có tốc độ bắn 2.500 phát/phút, tầm bắn hiệu quả từ 20m tới 4km, độ cao từ 0m tới 3km. Với hệ thống phòng không dày đặc với nhiều tầng lớp, nếu có phương án tác chiến hợp lý, phòng không Syria có thể khiến không quân hùng mạnh đối phương "ngã sấp mặt".