[ẢNH] Khả năng "siêu cơ động" của tiêm kích Nga bị nhận xét là "vô dụng"

ANTD.VN - Trong khi Mỹ và phương Tây chú trọng nâng cao khả năng tàng hình cho tiêm kích thì Nga vẫn dành sự ưu tiên số một cho tính cơ động.

Việc sử dụng máy bay trong chiến đấu có từ thời Thế chiến thứ nhất, khi các phi cơ hai tầng cánh bắt đầu thực hiện những nhiệm vụ trinh sát đầu tiên.

Các phi công sớm nhận ra rằng họ có thể đánh bại kẻ thù bằng cách sử dụng vũ khí nhỏ . Kết quả là năm 1915, Pháp bắt đầu lắp súng máy trên máy bay, ý tưởng này đã được các nước khác tiếp thu.

Do đó ra đời thuật ngữ 'dog fight' (không chiến tầm gần]) bao gồm thực hiện các động tác nhào lộn trên không nhằm đưa phi cơ của bạn đến phía sau máy bay đối phương để thuận tiện cho việc sử dụng vũ khí tầm ngắn.

Tên gọi nói trên xuất phát từ chuyển động vòng tròn, gợi nhớ đến hành động của chó săn khi chiến đấu với nhau, chuyên gia Matteo Sanzani đã viết về điều này trên ấn bản Before Flight Staff.

Như đã chỉ ra trên báo chí phương Tây, vẫn còn nhiều nước coi trọng "những trận dog fight". Không quân Mỹ tiếp tục sử dụng các phi đội tiêm kích tham gia chiến đấu trên không trong những cuộc tập trận Red Flag.

"Có những trường học tương tự ở các nước khác, chẳng hạn như ở Nga, nơi đào tạo hiện đang diễn ra tại căn cứ không quân Lipetsk với hình thức tương tự", nhà báo Sanzani nói thêm.

Tuy nhiên tác giả cho rằng sau Chiến tranh Việt Nam, các trận không chiến tầm gần vẫn chưa được diễn ra, trừ những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi. Sự ra đời của những đổi mới công nghệ và thay đổi trong chiến thuật và chiến lược càng làm giảm tầm quan trọng của chúng.

Ông Sanzani gợi ý nhớ lại Chiến dịch Bão táp sa mạc ở Iraq (1991). Lực lượng liên quân đã chiến đấu giành ưu thế trên không bằng các cuộc tấn công tên lửa vào trung tâm chỉ huy và điều khiển, kết hợp với phòng không của Iraq.

"Bất chấp xu hướng rõ ràng này, Nga vẫn tiếp tục tập trung vào 'khả năng siêu cơ động' của các máy bay chiến đấu thế hệ 4 với những phiên bản mới của dòng họ MiG-29 và Su-27, chúng chính là MiG-35 và Su-35S".

"Người Nga đã phát minh ra các động tác nhào lộn trên không ấn tượng như 'rắn hổ mang' và 'quả chuông', những màn biểu diễn này chỉ có thể thực hiện được đối với máy bay trang bị động cơ có khả năng điều khiển vector lực đẩy ".

Vị chuyên gia giải thích đồng thời chỉ ra rằng Mỹ đã đi theo một hướng khác, cụ thể họ tập trung vào khả năng tàng hình khi phát triển hai dòng tiêm kích thế hệ năm là F-22 Raptor và F-35 Lightning II.

"Tầm quan trọng của không chiến tầm gần đã giảm dần trong những năm qua, và khả năng xảy ra một cuộc đụng độ như vậy trong tương lai là rất ít".

"Sự phát triển của máy bay không người lái, tên lửa đất đối không hiện đại, các biện pháp đối phó hiệu quả hơn bao giờ hết, chiến tranh điện tử và công nghệ tàng hình đang thay đổi điều kiện của chiến trường và giúp tránh được các cuộc 'dog fight'".

Kết thúc bài viết của mình, chuyên gia Sanzani viết, kết luận: "Không ai cần đến những pha nhào lộn của máy bay chiến đấu Nga nữa, chúng đã trở nên vô dụng".

Nhưng ở chiều ngược lại, phía Nga cho rằng học thuyết của mình vẫn không bị lỗi thời, khi radar hay tên lửa ngày càng trở nên dễ bị gây nhiễu, khi đó các tiêm kích sẽ lại phải đối đầu với nhau trong cự ly ngắn thay vì "ngoài tầm nhìn".