[ẢNH] J-20 Trung Quốc "tàng hình tuyệt đối" hiện nguyên hình khi bị radar Su-30MKI "tóm sống"

ANTD.VN - Theo cổng thông tin Defense Research Wing, máy bay chiến đấu Su-30MKI của Không quân Ấn Độ đã theo dõi được tiêm kích tàng hình Chengdu J-20 của Trung Quốc khi nó bay qua Tây Tạng.

Tiêm kích tàng hình Chengdu J-20 là một dự án vũ khí đầy tham vọng của Trung Quốc, nó được kỳ vọng sẽ giúp nước này san lấp khoảng cách công nghệ với những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.

Trung Quốc thậm chí còn gây bất ngờ cho giới truyền thông khi tuyên bố J-20 đã được đưa vào biên chế và đã tham gia huấn luyện chiến đấu, khiến Bắc Kinh đi sau về trước cả Nga trong cuộc đua tiêm kích thế hệ 5.

Các kỹ sư hàng không Trung Quốc tuyên bố rằng J-20 có khả năng tàng hình tuyệt đối khi diện tích phản xạ radar của nó chỉ tương đương với một đồng xu.

Mặc dù vậy đa phần ý kiến đều nghi ngờ về phát biểu trên, vì thực tế cho thấy thiết kế của J-20 mang rất nhiều nét tương đồng với chiếc MiG-1.44 của Nga.

Và mới đây nhất, Không quân Ấn Độ đã gây chấn động khi tuyên bố rằng radar của máy bay tiêm kích Su-30MKI của họ đã phát hiện ra chiếc J-20 một cách khá dễ dàng.

Sự kiện này xảy ra vào tháng 1/2018, khi máy bay chiến đấu Trung Quốc tập luyện không chiến gần biên giới Ấn Độ. 

Sau đó các phi công Ấn Độ theo dõi cuộc diễn tập từ không phận của mình, nói rằng radar Su-30MKI có thể phát hiện ra máy bay "tàng hình".

Như vậy mặc dù tuyên bố không thể bị phát hiện nhưng thực tế radar mảng pha quét thụ động (PESA) BARS N011M trang bị cho tiêm kích Su-30MKI vẫn dễ dàng vạch mặt kẻ địch.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu gặp phải các loại chiến đấu cơ lắp radar mảng pha quét chủ động (AESA) thì chiếc Chengdu J-20 sẽ chẳng thể trốn tránh.

Đây là điều được dự báo trước vì chiếc J-20 có kích thước khá lớn và cục mịch, chưa kể lại còn cặp cánh mũi phía trước cũng gây ra diện tích phản xạ radar rất lớn.

Hiện tại chưa rõ chiếc Su-30MKI phát hiện được J-20 ở khoảng cách bao xa, nhưng chắc chắn rằng tiêm kích Ấn Độ không thể tiến tới gần khu vực luyện tập của Không quân Trung Quốc.

Như vậy có nghĩa phạm vi phát hiện mục tiêu của Su-30MKI vẫn đủ cho nó có thời gian triển khai các biện pháp chiến đấu thích hợp.

Bị một loại radar không thực sự hiện đại "vạch mặt" thì rõ ràng J-20 chẳng thể nào "thấy trước và bắn trước" như những gì mà Không quân Trung Quốc vẫn lớn tiếng rêu rao.

Ngoài việc khả năng tàng hình không được như quảng cáo, tiêm kích J-20 còn bị nhận xét là không thực sự mạnh trong không chiến quần vòng cự ly gần.

Kích thước và kết cấu khí động học của J-20 khiến nhiều người liên tưởng đến máy bay cường kích kiểu F-117A Night Hawk chứ không phải là tiêm kích chiếm ưu thế trên không.

Rõ ràng Trung Quốc vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước mắt, thậm chí chương trình J-20 còn đang đối diện nguy cơ trở thành một thất bại nặng nề của họ, nhất là sau sự kiện bị Su-30MKI "tóm sống".