[ẢNH] Iran lại nín thở khi Mỹ triển khai lá chắn thép Patriot tới Iraq

ANTD.VN - Quân đội Mỹ đã quyết định triển khai các hệ thống Patriot có khả năng chống tên lửa đạn đạo tới Iraq nhằm đối phó nguy cơ bị Iran tấn công.

"Chúng tôi đang đưa các hệ thống phòng không, lá chắn tên lửa đạn đạo tới Iraq để phòng vệ trước những cuộc tấn công tiềm tàng của Iran", chỉ huy Bộ tư lệnh Trung tâm quân đội Mỹ (CENTCOM) Kenneth McKenzie hôm qua cho biết trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ.

Tướng McKenzie không cho biết chi tiết về hoạt động này, các nghị sĩ Mỹ cũng không yêu cầu ông làm rõ thông tin. 

Hiện chưa rõ thời gian và địa điểm các hệ thống này sẽ đi vào hoạt động, cũng như liệu Baghdad có chấp nhận cho Washington đặt lá chắn tên lửa trên lãnh thổ Iraq hay không.

Mỹ đã đưa nhiều hệ thống Patriot đến Trung Đông, nhưng chúng không được triển khai tại Iraq do quân đội Mỹ tin rằng Iran sẽ nhằm tới những mục tiêu tại các quốc gia khác trong khu vực.

Quan niệm này thay đổi sau khi Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) rạng sáng 8-1 phóng 22 tên lửa nhằm vào hai căn cứ có lính Mỹ đồn trú tại Iraq là Ain al-Asad và Irbil để trả thù cho cái chết của tướng Qassem Soleimani. Quân đội Iraq cho biết toàn bộ tên lửa đều tới đích mà không bị đánh chặn.

Tuy nhiên, các chỉ huy Mỹ từng thừa nhận hệ thống Patriot nếu được bố trí tại Iraq cũng không bảo đảm chặn được đợt tấn công nhằm vào căn cứ Ain al-Asad. 

"Chúng được thiết kế cho nhiệm vụ đánh chặn, nhưng rõ ràng chúng ta không thể chắc chắn về điều đó", chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nói hồi cuối tháng 1.

Hệ thống tên lửa chống tên lửa đạn đạo PAC (Patriot Advanced Capability), gọi tắt là Patriot, được Mỹ phát triển để thay thế hệ thống Nike Hercules (là hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao của Lầu Năm Góc) và thay thế hệ thống MIM - 23 Hawk (hệ thống phòng không chiến thuật tầm trung của quân đội Mỹ).

Hệ thống Patriot đã phục vụ trong quân đội Mỹ từ tháng 12-1981.

Hệ thống Patriot có các phiên bản PAC-1, PAC-2, PAC-3 và biến thể mới nhất mang tên PAAC-4 đang được phát triển từ năm 2013.

Tuy nhiên nổi tiếng nhất hiện nay vẫn là hệ thống Patriot thế hệ thứ 3 mang tên Patriot PAC-3.

Patriot PAC-3 (hay còn gọi là MIM-104F) là biến thể nâng cấp gần như toàn bộ của hệ thống phòng không Patriot các phiên bản trước đó.

Ngoại trừ hình dáng xe phóng và radar điều khiển hỏa lực, nhà sản xuất Lockheed Martin đã thiết kế lại gần như toàn bộ các hệ thống bên trong.

Điểm khác biệt đầu tiên so với biến thể PAC-2 trước đó là tên lửa. Quả đạn tên lửa của PAC-3 được trang bị động cơ thế hệ mới điều đó cho phép đường kính của đạn thu gọn hơn so với trước.

Do kích thước tên lửa nhỏ hơn nên mỗi hộp phóng chứa được 4 tên lửa thay vì chỉ 1 tên lửa như PAC-2.

Như vậy, mỗi xe phóng mang đến 16 quả đạn và với 4 xe phóng mỗi khẩu đội thì tổng số đạn là 64 quả (so với 16 quả của PAC-2 trước đây).

Điều này mang lại lợi thế rất lớn về mặt hỏa lực trong cuộc đánh trả đòn tập kích từ máy bay đối phương.

Patriot PAC 3 có hệ thống Radar điều khiển hỏa lực AN/MPQ-53/65 được trang bị thêm các bộ phận khuếch đại tín hiệu bằng đèn chân không TWT giúp tăng cường khả năng phát hiện, phân biệt mục tiêu trong môi trường lộn xộn.

Hệ thống này có tầm hoạt động 100 km, với khả năng phát hiện và theo dõi cùng lúc từ 90-125 mục tiêu.

Đồng thời cung cấp dữ liệu hướng dẫn tên lửa tấn công đồng thời 6 mục tiêu cùng một lúc.

Hệ thống radar này cũng có thể nhận dạng mục tiêu từ khoảng cách 35-50km.

Một tính năng quan trọng khác của PAC-3 mà PAC-2 không có là, bổ sung đầu tự dẫn radar chủ động băng tần Ka cho việc khóa mục tiêu ở giai đoạn cuối.

Việc bổ sung đầu tự dẫn này mang lại khả năng phản ứng nhanh với các mục tiêu là tên lửa đạn đạo chiến thuật thay vì phải phụ thuộc vào việc khóa mục tiêu từ đài radar mặt đất.

Tên lửa PAC-3 mang lại khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật gấp 5 lần so với PAC-2.

Patriot từng đánh chặn thành công khi bắn hạ 70% các loại tên lửa đạn đạo của Iraq bắn đến Saudi Arabia, và 40% các loại tên lửa bắn tới Israel trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Trong khi đó đối thủ trực tiếp của nó là S-300 và S-400 của Nga lại chưa một lần khai hỏa thực chiến.

Hiện các hệ thống phòng thủ Patriot ngay sau khi chuyển tới Trung Đông đã được đưa vào trực chiến, sẵn sàng đối phó với tên lửa Iran.