[ẢNH] Học Mỹ, Nga "ngoại giao tiêm kích" một tên trúng 3 nhạn

ANTD.VN - Tặng chiến đấu cơ cũ cho đối phương vừa giúp thắt chặt quan hệ giữa hai nước, vừa giải quyết được kho hàng tồn đọng, lại mang được ngoại tệ về nhờ việc nâng cấp các chiến đấu cơ này. Ngoại giao tiêm kích, "một tên trúng ba nhạn" là điều mà Nga đang làm.
 Ngoại giao bằng cách tặng máy bay chiến đấu cũ (ngoại giao tiêm kích) vốn không là điều mới mẻ, Mỹ đã thực hiện điều này từ lâu, mới nhất là việc Mỹ cho Indonesia hẳn một phi đội F-16 cũ bao gồm 24 chiếc. Tuy nhiên gần đây Nga mới bắt đầu làm theo cách này. Họ đã tặng không 6 chiếc tiêm kích MiG-29 cũ cho Serbia. Trong hình là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Lavrov

Phái đoàn ngoại giao Serbia hội đàm với Tổng thống Nga Putin về việc Nga tặng thiết bị quân sự trong đó có 6 tiêm kích MiG-29.

Theo truyền thông Serbia, 2 máy bay đã được vận chuyển dưới hình thức tháo rời trên một máy bay chở hàng hóa của Nga hạ cánh tại một sân bay quân sự gần Belgrade vào chiều 2/10. 

Tất cả 6 máy bay MIG-29 dự kiến sẽ được tới Serbia trong tuần này. Số máy bay này sẽ gia tăng đáng kể sức mạnh của không quân Serbia.

Với kho máy bay chiến đấu khổng lồ từ thời Liên Xô để lại trong đó có hàng ngàn chiếc đã bị loại biên, đưa vào kho bảo quản, chắc chắn trong thời gian tới, Nga sẽ theo đuổi chính sách "ngoại giao tiêm kích".

Ngoại giao tiêm kích được coi là lợi đôi bên, vẹn ba đường. 

Lợi đôi bên vì cả Nga và nước được nhận cũng vui vẻ, từ đó quan hệ giữa hai quốc gia theo đó mà nồng ấm lên.

 
 

Mua máy bay mới vừa đắt lại có nhược điểm chờ rất lâu so với việc nâng cấp những máy bay cũ hiện có, trong hoàn cảnh cần phải trám ngay vào chỗ những máy bay bị mất hoặc hết niên hạn sử dụng, thì đây là điều nên làm.

Còn phía Nga họ lợi ba đường, thứ nhất họ duy trì được quan hệ và tầm ảnh hưởng của nước này trên chính trường thế giới. 

Thứ hai, mang tiếng là cho không, nhưng để 6 chiếc MiG-29 đã loại biên này trở lại bầu trời, chúng cần phải được nâng cấp, Serbia đã phải trả cho Nga 200 triệu euro (235 triệu USD), như vậy tính ra gần 40 triệu USD/chiếc, bằng 2/3 tiêm kích Su-30 mới tinh, và cao hơn hẳn so với giá 25 triệu USD của tiêm kích mới xuất xưởng JF-17, vốn có tính năng chiến đấu tiệm cận với MiG-29.

Việc tặng tiêm kích cho đối tác không những giúp Nga thu về số ngoại tệ lớn, mặt khác họ có thể hưởng lợi tiếp theo từ việc bảo trì số máy bay này khi chúng đi vào hoạt động.

Thứ ba, là Nga đã giải quyết được ổn thỏa một số lượng nhất định tiêm kích cũ tồn kho. Ước tính các loại tiêm kích cũ bị loại biên và đưa vào bảo quản của Nga lên tới hàng ngàn chiếc, điều này tiêu tốn một số tiền không nhỏ hàng năm của Nga.