[ẢNH] Hoảng hốt khi không quân hàng đầu Châu Âu lại chỉ có chưa đầy 10 chiến đấu cơ có thể cất cánh

ANTD.VN - Từ một không quân hùng mạnh đứng vào tốp đầu tại Châu Âu, không quân Đức hiện chỉ còn chưa đầy 10 chiến đấu cơ trong tổng số 128 chiếc tiêm kích đa năng Typhoon có khả năng cất cánh khi có chiến sự xảy ra.

Trong số 128 tiêm kích đa nhiệm Typhoon của không quân Đức, chỉ còn vài chiếc sẵn sàng xuất kích cho các sứ mệnh tác chiến trên thực tế, một phần vì thiếu tên lửa phần khác vì những lỗi kỹ thuật chưa được khắc phục, theo tạp chí Đức Spiegel.

Theo Spiegel hôm 2-5, vấn đề nằm ở một thiết bị quan trọng được lắp trên cánh của hầu hết máy bay trong phi đội của không quân Đức.

Thiết bị, tên chính xác là Hệ thống hỗ trợ phòng thủ (DASS), được thiết kế để phát hiện các vụ tấn công tên lửa nhằm vào máy bay và cảnh báo phi công.

 Nó cũng đóng vai trò thả pháo sáng hoặc mảnh vụn kim loại nhằm đánh lạc hướng tên lửa dẫn đường bằng radar, và có thêm chức năng cảnh báo bằng laser.

Cách đây nửa năm, các chuyên viên kỹ thuật phát hiện những thiết bị này không được làm nguội đúng cách, gây tổn hại nghiêm trọng đến năng lực của chúng.

Do đó không đảm bảo yêu cầu bay và khả năng hoạt động của hệ thống phòng vệ nên không được phép cất cánh trong mọi tình huống, kể cả nếu xảy ra chiến tranh.

Nếu không nhanh chóng khắc phục kịp thời toàn bộ khoảng hơn 110 chiếc Eurofighter của Không quân Đức sẽ trở thành "vô dụng"

DASS được cho là bộ phận cực kỳ quan trọng, đảm bảo sự sống còn của phi công và phải được kích hoạt trong mọi sứ mệnh.

Trong khi đó, việc thay thế các bộ phận bị hỏng lại vấp phải thách thức vì linh kiện cần thay thế hiện không có sẵn sau khi nhà sản xuất được bán cho một công ty khác.

Điều này không chỉ ảnh hưởng tới Không quân và sức mạnh quân sự của nước Đức mà còn ảnh hưởng tới cả sức mạnh quân sự của toàn khối NATO vì Không quân Đức đóng vai trò khá chủ chốt trong khối phòng thủ chung này.

Cụ thể, Đức đã cam kết sẽ luôn có ít nhất 82 chiến đấu cơ Eurofighter sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bất cứ lúc nào để phối hợp trong nỗ lực phòng thủ châu Âu cùng các thành viên NATO.

Tuy nhiên hiện tại, con số Eurofighter có thể cất cánh của Đức chỉ khoảng 10 chiếc và trong số đó chỉ 4 chiếc có khả năng được trang bị đầy đủ vũ khí. 

Rõ ràng đây là một tổn thất cực kỳ lớn với NATO vì khó có quốc gia nào có lực lượng máy bay đủ nhiều để bù đắp vào con số khoảng 80 chiếc chiến đấu cơ bị thiếu hụt này của Đức. 

Khi so sánh với các máy bay chiến đấu hàng đầu thuộc thế hệ thứ 4, chiến đấu cơ Typhoon "Cuồng phong Châu Âu" thậm chí còn được ưu ái đánh giá cao hơn vì tính năng bán tàng hình, cơ động cao và có khả năng bay siêu âm mà không cần đốt nhiên liệu lần 2.

EF-2000 Typhoon (Chiến binh châu Âu – Cuồng phong) là tiêm kích đa năng thế hệ 4 nổi tiếng do liên doanh Eurofighter GmbH (gồm Tập đoàn EADS của Đức – Tây Ban Nha; BAE System của Anh và Aleni Aeronautica của Italy) cùng hợp lực nghiên cứu phát triển vào cuối thập niên 1980.

Tiêm kích Typhoon được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2003 và chính thức đi vào biên chế chỉ ít lâu sau đó.

Hiện máy bay này đang phục vụ chủ yếu trong không quân Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Saudi Arabia.

Tiêm kích đa năng này được chế tạo từ: vật liệu tổng hợp sợi các bon, nhôm lithi, titan… giúp máy bay có khả năng giảm thiểu tiết diện radar.

Ngoài ra với kiểu thiết kế cánh tam giác kết hợp cánh mũi cung cấp khả năng linh hoạt cao, lực cản thấp và tăng lực nâng. 

Tổng thể máy bay có chiều dài 15,96m, sải cánh 10,95m, cao 5,28m, trọng lượng cất cánh tối đa 23,5 tấn.

Typhoon được trang bị hai động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy Eurojet EJ200 cung cấp lực đẩy khô 60kN và lực đẩy khi đối lần hai 90kN. 

Tốc độ tối đa của máy bay đạt được 2.390km/h ở trần bay cao, trần bay tối đa 19.812m, tầm hoạt động 1.390km.

Với hai động cơ hiện đại, tiêm kích Typhoon cũng sở hữu khả năng tương tự tiêm kích tàng hình F-22A là đạt tốc độ siêu âm Mach 1,5 mà không cần đốt nhiên liệu lần hai. 

Ngoài ra, thiết kế khí động học cùng hệ thống lái fly-by-wire hiện đại của Typhoon được đánh giá cao, các chuyên gia còn cho rằng Typhoon có khả năng cơ động chỉ đứng sau F-22A.

So với các chiến đấu cơ thế hệ 4 trên thế giới, Typhoon được áp dụng nhiều công nghệ hiện đại giúp giảm thiểu công việc cho phi công, ngoài ra nó còn còn trang bị hệ thống hiển thị mục tiêu trên mũ bay tích hợp khả năng phóng tên lửa chỉ bằng một cái "ngoái nhìn".

Tuy được đánh giá cao trên nhiều mặt nhưng đáng ngạc nhiên là Typhoon lại đang sử dụng radar xung doppler quét cơ khí CAPTOR thay vì loại radar mạng pha chủ động. 

Hiện không quân các nước Châu Âu đang nghiên cứu phương án thay thế bằng loại radar mảng pha chủ động cho khả năng không chiến mạnh mẽ hơn.

Về hỏa lực, tiêm kích đa năng Typhoon trang bị pháo 27mm với 150 viên đạn và 13 điểm treo trên cánh và dưới thân cho phép mang tổng cộng 7,5 tấn vũ khí. 

Typhoon có khả năng tác chiến tấn công mọi mục tiêu trên không, trên biển và trên bộ với bộ vũ khí "đa quốc gia" do Mỹ và các nước châu Âu sản xuất.

Trong tác chiến không đối không, Typhoon có thể mang tên lửa đối không tầm ngắn IRIS-T, AIM-9, AIM-132 và tên lửa tầm trung - xa AIM-120 và MBDA Meteor.

Trong tương lai, chiến đấu cơ Typhoon sẽ được tích hợp bom thông minh JDAM và SDB

Tuy được đánh giá là một tiêm kích thế hệ thứ 4 xuất sắc nhất hiện nay, nhưng Typhoon lại có một điểm yếu chí tử chính là giá thành đắt đỏ. Giá dao động cho mỗi chiếc máy bay này thường lên tới hàng trăm triệu USD, gấp rưỡi so với các chiến đấu cơ có cùng tính năng đến từ Nga.