[ẢNH] Hàng loạt máy bay Trung Quốc sớm phải loại biên vì luyện tập liên tục?

ANTD.VN - Tốc độ sản xuất tiêm kích thế hệ 4 của Trung Quốc diễn ra với tốc độ nhanh đến chóng mặt trong suốt thời gian qua đã đặt ra không ít câu hỏi về chất lượng thực sự của chúng.

Truyền thông Trung Quốc cho biết Không quân nước này đang hướng đến mục tiêu cạnh tranh với Mỹ ở vị trí lực lượng số 1 thế giới.

Nhằm hướng tới mục tiêu trên, ngoài việc tích cực tăng cường phi đội máy bay chiến đấu thì yếu tố con người cũng giữ vị trí cực kỳ quan trọng.

Để nâng cao trình độ phi công thì không có một con đường nào khác ngoài việc họ phải được luyện tập một cách thường xuyên.

Hiện tại số giờ bay tập thường xuyên hàng năm của phi công lái tiêm kích thế hệ 4 của Trung Quốc đã đạt tới con số 300 giờ (trước kia chỉ được 100 giờ), tức là đã tương đương Mỹ và châu Âu.

Việc bay tập thường xuyên có tác dụng thu về những kỹ năng cũng như cảm giác cần thiết mà việc luyện tập trên mô hình không thể mô phỏng hết, qua đó cải thiện đáng kể hình ảnh yếu kém trước kia của phi công Trung Quốc.

Luyện tập thường xuyên là yếu tố mang tính sống còn, nhất là khi các quốc gia xung quanh cũng được biên chế nhiều loại chiến đấu cơ với tính năng tương đồng, khi đó bản lĩnh của phi công sẽ quyết định bên chiến thắng trong các trận không chiến.

Tuy nhiên có một điểm yếu chí tử được chỉ ra khiến Trung Quốc cảm thấy không khỏi lo lắng, đó là với tần suất bay tập như vậy thì tiêm kích nội địa do họ sản xuất có thể trụ vững trong bao lâu?

Hiện nay độ bền khung thân của tiêm kích Mỹ, NATO sản xuất nằm trong khoảng 6.000 - 8.000 giờ bay, tiêm kích thế hệ cũ của Liên Xô như Su-24 hay Su-27 khai thác được 2.000 giờ.

Trong khi đó nhờ ứng dụng công nghệ vật liệu mới mà tiêm kích Nga chế tạo gần đây như Su-30MK đã lên được 3.000 giờ bay, con số này ở MiG-35 hay Su-35 là 6.000 giờ, đã tiệm cận phương Tây.

So sánh với các cường quốc trên, máy bay Trung Quốc chế tạo ngoài điểm yếu về tuổi thọ động cơ thì mặc dù tuổi khung ít được nhắc đến hơn nhưng cũng tương xứng.

Hiện nay theo một số nhận xét thì số giờ bay của tiêm kích nội địa J-10 cũng như J-11 hiện chỉ ước chừng trong khoảng 1.500 - 2.000 giờ bay.

Tức là một máy bay mới sản xuất, với tần suất luyện tập dày đặc của phi công thì chỉ sau 5 - 7 năm là hết thời gian khai thác, phải đại tu sửa chữa lớn hoặc bị loại biên.

Thời gian qua Trung Quốc đã rất tích cực nghiên cứu nhằm nâng cao con số này nhưng kết quả thu về chưa có đột phá lớn, kết quả là họ phải sản xuất rất nhiều để lấy lượng bù chất.

Đó là máy bay mới xuất xưởng, còn đối với những chiếc tiêm kích J-10/11 hoạt động đã cả chục năm thì số giờ hoạt động còn lại sẽ ít nữa.

Rõ ràng đối diện nguy cơ trên, Trung Quốc còn lâu mới đủ sức đe dọa vị thế thống trị của Không lực Hoa Kỳ trên bầu trời.

Phi công của họ nếu luyện tập với cường độ như trên sẽ luôn phải đối diện nguy cơ máy bay rớt bất thình lình vì khung thân xuống cấp.