Anh giúp Ukraine 'đóng cửa bầu trời' bằng cách cung cấp 1.000 tên lửa Rapier FSC?

ANTD.VN - Tên lửa Rapier FSC rút khỏi biên chế nhiều khả năng sẽ được Anh viện trợ khẩn cấp cho Ukraine với số lượng rất lớn.

Tên lửa Rapier FSC rõ ràng không mạnh bằng IRIS-T hoặc NASAMS, nhưng hệ thống này có thể bao phủ khá hiệu quả các vật thể đứng yên khỏi một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình, nhất là khi được sử dụng với số lượng lớn.

Bộ Quốc phòng Anh đã chính thức thông báo rằng họ sẽ cung cấp cho Ukraine một số lượng lớn tên lửa phòng không, khoảng 1.000 đơn vị, không chỉ bao gồm đạn mà còn cả bệ phóng.

Đồng thời mô tả về các hệ thống này khá rộng: "Tên lửa có thể được sử dụng cùng với các phương tiện hiện có trong Quân đội Ukraine. Tổ hợp bao gồm bệ phóng và tên lửa và có khả năng bắn hạ các mục tiêu trên không, như máy bay không người lái và tên lửa hành trình".

Ngoài ra vấn đề cần nói tới nữa chính là con số 1.000 đơn vị cuối cùng sẽ nói lên giá trị của lô vũ khí. Ví dụ, giá thành tên lửa AIM-120 mà NASAMS sử dụng là hơn 1 triệu USD, nhưng khi xuất khẩu sẽ được bán với giá cao gấp 2 - 3 lần.

Hơn nữa, mô tả trên của Bộ Quốc phòng Anh chỉ chung tên lửa phòng không các loại. Đó có thể là hệ thống Martlet - đã cho thấy hiệu quả đặc biệt chống lại UAV, hay loại STARStreak MANPADS cùng với phiên bản di động của nó là Stormer.

Nhưng bất luận thế nào, con số 1.000 đơn vị tên lửa cho thấy rằng loại đạn cung cấp phải có giá thành rất rẻ. Một lựa chọn là London mua tên lửa cho các hệ thống phòng không của Liên Xô ở một nước thứ ba và bàn giao cho Ukraine.

Giả thuyết có thể mong đợi là đạn cho Pechora và Kub, do số lượng của chúng trên thế giới lớn hơn nhiều so với Buk hoặc S-300. Nhưng ngay cả trong trường hợp này, cũng khó lòng gom đủ 1.000 quả đạn như đã nêu.

Nhưng không phải chờ đợi lâu, ứng viên số 1 mà Anh dự định giao cho Ukraine đã được tiết lộ. Chúng ta đang nói về tổ hợp tên lửa phòng không Rapier FSC, vũ khí này đã chính thức ngừng hoạt động vào tháng 1 năm nay .

Theo số liệu của trang Military Balance, tính đến năm ngoái, London có 14 hệ thống phòng không (đơn vị hỏa lực) như vậy. Và ở cấp độ đầu những năm 2000, có tới 48 tổ hợp Rapier FSC, trong tình trạng trực chiến trước khi chúng được giảm dần trong thời gian qua.

Cũng cần lưu ý, chúng ta đang nói về phiên bản hiện đại hóa của hệ thống phòng không. Bởi vì việc sản xuất Rapier bắt đầu từ những năm 1970, nhưng đến thập niên 1990, nó đã nhận một bản cập nhật đáng kể của tất cả các thành phần, bao gồm cả đạn đánh chặn.

Rapier FSC là hệ thống phòng không tầm ngắn với phạm vi tiêu diệt mục tiêu lên tới 8 km. Bản thân tổ hợp này được lắp ráp trên các xe kéo và có thể coi nó là cơ động có điều kiện.

Trung tâm của tổ hợp là radar phát hiện mục tiêu ba tọa độ (3D) Dagger, có thể nhận diện chính xác những đối tượng tấn công đường không ở khoảng cách hơn 15 km, thậm chí lên đến 32 km ở chế độ phát hiện sơ bộ.

Radar Blindfire của hệ thống có nhiệm vụ dẫn đường cho tên lửa dọc theo kênh vô tuyến, cung cấp khả năng bắn vào hai mục tiêu cùng lúc (khả năng bắn kép) và hoạt động ngay cả trong điều kiện có các biện pháp đối phó chủ động bằng phương tiện chế áp điện tử.

Ngoài ra, khí tài đặc trưng nhất của Rapier FSC là một trạm tìm kiếm quang học - được lắp đặt trên mỗi bệ phóng mang 8 tên lửa. Cụm thiết bị này có một kênh ảnh nhiệt, cho phép nó hoạt động mà không cần radar giám sát.

Rapier FSC được kỳ vọng sẽ giúp phòng không Ukraine đối phó hiệu quả các máy bay không người lái cảm tử mà Nga đang sử dụng, bao gồm Shahed-136 hay Lancet.