[ẢNH] Giật mình trước những phong tục cưới hỏi kỳ lạ trên thế giới

ANTD.VN - Phong tục tập quán chính là một trong những nét đẹp riêng của mỗi nền văn hóa. Bên cạnh phong tục đón năm mới hay xua đuổi vận đen, đám cưới được xem là một phần không thể thiếu khi nhắc tới một nền văn hóa nào đó. Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia lại có những tập tục đặc trưng và vô cùng ý nghĩa vào ngày lễ trọng đại của cuộc đời.

Đối với nhiều cô dâu, việc chuẩn bị cho ngày cưới có thể sẽ khiến cho họ cảm thấy vô cùng buồn bã. Tuy nhiên đối với những cô dâu đến từ tộc người Tujia ở Trung Quốc thì cảm xúc còn mãnh liệt hơn rất nhiều lần. Trước ngày cưới khoảng 1 tháng, cô dâu dù buồn hay không cũng phải tỏ ra đau buồn và khóc thật nhiều mỗi ngày. Thậm chí, mẹ và người thân của cô dâu cũng tham gia vào tập tục này

Cụ thể, 10 ngày đầu mẹ cô dâu sẽ khóc cùng con gái; 10 ngày tiếp theo, cả bà ngoại của cô dâu cũng sẽ khóc cùng con cháu và 10 ngày cuối cùng, tất cả phụ nữ thuộc họ hàng của cô dâu sẽ khóc than ngập trời. Ý nghĩa của tập tục này là để chứng minh nỗi buồn vì sắp xa gia đình của cô dâu. Ngoài ra, việc họ hàng cũng tham gia khóc lóc thảm thiết là cách mà họ chúc phúc cho cô dâu khi sắp bước vào cuộc sống mới

Ở một số vùng tại Scotland, cô dâu và chú rể phải tắm mình trong một hỗn hợp gồm bột mì, tro và mật đường một ngày trước khi diễn ra lễ cưới. Thậm chí, người thân và bạn bè họ còn dùng cả thức ăn thiu, cá chết hay nước sốt để đổ lên khắp người cặp đôi sắp cưới 

Người ta cho rằng, hành động này sẽ giúp cặp đôi trẻ loại trừ hết tà ma. Đồng thời, tập tục này còn có ý nghĩa là nếu cô dâu chú rể vượt qua được thử thách này thì họ cũng sẽ vượt qua được mọi rắc rối trong đời sống hôn nhân. Khi đó, tình cảm gia đình sẽ được bền lâu mãi mãi 

Tại Kenya, mọi cô dâu ở tộc người Masai sẽ được bố của mình phun nước bọt vào mặt và ngực trước khi cưới. Nước bọt của người cha tượng trưng cho tất cả những gì tốt đẹp nhất mà cha mẹ có thể dành cho con gái. Đây chính là lời chúc phúc mà mỗi ông bố đều phải làm trước khi tiễn con gái về nhà chồng 

Ngoài ra, khi rước dâu, cô dâu không được ngoáy đầu nhìn lại nếu không sẽ bị hóa thành đá. Không những thế, chú rể cũng phải là người do bố cô dâu chỉ định chứ không phải do cô lựa chọn 

Cộng đồng người Tidong ở Indonesia sở hữu khá nhiều phong tục kỳ lạ. Một trong số đó phải kể đến việc các cặp đôi mới cưới thuộc bộ tộc này không được phép đi vệ sinh trong 3 ngày liên tiếp sau khi cưới. Họ cũng sẽ không được phép bước ra khỏi nhà trong khoảng thời gian này. Do đó, họ chỉ được ăn và uống rất ít để không phải đi vệ sinh 

Đối với những người Tidong thì nghi lễ này giúp các cặp vợ chồng mới cưới tránh được những bất hạnh trong cuộc sống sau này. Nếu như không hoàn tất được nghi lễ này, hôn nhân của họ sẽ không lâu dài, không chung thủy và không có hạnh phúc. Sau 3 ngày, đôi uyên ương sẽ được đi vệ sinh và tắm rửa để bắt đầu một cuộc sống bình thường 

Mặc dù đám cưới có thể xem là ngày vui nhất của một đời người, cô dâu và chú rể ở Congo không được phép nở một nụ cười nào trong suốt thời gian tiến hành hôn lễ. Không những vậy, những người tham gia đám cưới cũng không nên hé môi cười vì hành động này được xem là bất lịch sự và khiếm nhã 

Theo người dân ở đây, kết hôn là một dịp vô cùng quan trọng và nghiêm túc nên một nụ cười cũng không được phép. Nếu bạn lỡ cười trong đám cưới của người khác thì chắc chắn lần sau sẽ không ai dám mời bạn đến ngày vui của họ nữa 

Tại vùng nông thôn, đồi núi ở một số nước châu Âu, người ta có quy định cô dâu, chú rể phải cùng nhau cưa một khúc gỗ. Đây thực sự là bài kiểm tra thể lực, sự khéo léo và khả năng phối hợp của họ 

Sau lễ cưới, cô dâu và chú rể cầm cưa tay cùng cưa đôi khúc gỗ đặt cố định trên giá. Đây được coi là dấu hiệu họ sẽ cùng nhau xử lý công việc như thế nào sau khi lập gia đình 

Người Do Thái nổi tiếng là thông minh, bởi vậy, những phong tục truyền thống trong đám cưới của người Do Thái rất tinh tế và sâu sắc. Sau khi buổi lễ kết thúc, cô dâu và chú rể sẽ bước lên một túi vải chứa đầy kính thủy tinh để làm vỡ nó
Việc làm này hàm chứa nhiều ý nghĩa, và một trong số đó là cho cặp đôi thấy hôn nhân chứa đựng nhiều nỗi buồn cũng như niềm vui, miễn họ bên nhau và thấu hiểu, đồng cảm cho nhau thì sóng gió nào cũng sẽ vượt qua 

Trong bộ lạc Surma ở Ethiopia, trước khi cưới, cô gái sẽ bị nhổ đi răng hàm dưới, xỏ khuyên ở môi và đeo một chiếc đĩa bằng đất sét vào đó. Từng chút một, kích cỡ chiếc đĩa sẽ to dần 

Các cô gái tin rằng việc đeo đĩa lên môi sẽ giúp họ trở nên duyên dáng và chiếc đĩa gắn lên môi càng to thì họ càng nhận được nhiều của hồi môn từ nhà chồng
Một phong tục cổ xưa và vẫn được sùng bái đến ngày nay của người Thụy Điển là cô dâu phải mang những đồng xu trong giày của mình

Một đồng xu bằng bạc do cha cô tặng được giấu vào trong giày trái, trong khi đồng xu bằng vàng của mẹ cô cho được giấu vào trong giày phải để tâm niệm rằng dù cô có đi đâu thì cha mẹ cô luôn ở bên cạnh bảo vệ cô 

Phụ nữ của bộ tộc Himba cư trú ở phía Bắc của Namibia sở hữu nhan sắc trời ban, cùng với những cách làm đẹp vô cùng độc đáo nên họ được phong danh hiệu: Phụ nữ đẹp nhất "lục địa đen". Có lẽ chính bởi vẻ đẹp này mà nhà trai có tục lệ bắt cóc cô dâu vào ngày cưới

Vào ngày cưới, chú rể cùng gia đình sẽ tới nhà gái để bắt cóc cô dâu. Khi cô dâu bị chú rể và gia đình chú rể bắt cóc về làm vợ, cô dâu phải dùng chiếc khăn da bò để che mặt để tránh bị chú rể khác nhìn thấy mặt và cướp mất 

Không giống với hình thức đeo nhẫn vào ngón áp út như thông thường, các cô dâu theo đạo Hindu sẽ đeo chiếc nhẫn cưới vào ngón chân của mình. Chiếc nhẫn này phải được làm bằng bạc và sẽ được đeo ở ngón chân cái bên chân trái của cô dâu

Ở Ấn Độ, những chiếc nhẫn đeo chân này cũng có ý nghĩa tương tự như nhẫn cưới ở phương Tây, tuy nhiên chú rể lại không cần phải tự tay đeo chúng cho người bạn đời của mình 

Tại Mali, màu đen tượng trưng cho vẻ đẹp, sự hoàn mỹ. Vì thế, trong đám cưới của mình, các cô dâu thường bôi màu đen lên chân tay và răng để mình trông đẹp hơn. Phụ nữ Mali thường dùng lá cây và hoa chỉ có ở vùng này để chế ra loại nước có màu đen rồi xoa lên tay, chân. Trước khi nhuộm răng đen, cô dâu thường dùng kim châm vào chân răng để chảy máu, sau đó mới xoa lên chỗ chảy máu 

Điều này có ý nghĩa cô dâu sẽ cam tâm tình nguyện hy sinh vì chồng. Sau khi hoàn tất quá trình bôi đen chân, tay và răng, cô dâu tiến hành tắm gội, xịt nước hoa và mặc lễ phục đẹp nhất, đội khăn che mặt và đợi chú rể đến đón 

Lễ cưới truyền thống của người Ấn Độ kéo dài nhiều ngày, trải qua nhiều nghi lễ phức tạp, trong đó có việc vẽ các hoa văn tinh xảo hình hoa, hình lá trên tay và chân của cô dâu, gọi là Mehndi. Ý nghĩa của việc này là để cô dâu cảm thấy mình là một nàng công chúa khi chuẩn bị bắt đầu cuộc sống mới 

Ngày xưa, khi chưa có sơn móng tay, nước hoa…, người ta dùng các thứ sẵn có để tô vẽ, trang điểm cho cô dâu. Trong khi thực hiện nghi lễ Mehndi, các cô gái trong trang phục truyền thống có những điệu múa sinh động trong lời ca rộn rã có nội dung ca ngợi tình yêu lãng mạn