[ẢNH] Đòn hiểm tung ra với Nga khiến vũ khí Mỹ thống trị thị trường thế giới

ANTD.VN - Theo thống kê thì chỉ trong vòng nửa đầu năm 2018, Mỹ đã xuất khẩu được lượng vũ khí tương đương với cả năm 2017 cộng lại.  

Giám đốc Cơ quan hợp tác An ninh và Quốc phòng (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ đang đẩy mạnh việc bán vũ khí ra nước ngoài và nước này trong 6 tháng đầu năm 2018 đã bán được nhiều vũ khí hơn cả năm 2017.

Tổng trị giá các hợp đồng cung cấp vũ khí bán được cho đến nay là 46,9 tỷ USD, cao hơn doanh thu 41,9 tỷ USD trong cả năm ngoái - theo Giám đốc DSCA, Trung tướng Charles Hooper.

Vị quan chức này còn cho biết thêm, đây là kết quả của nỗ lực khiến ngành công nghiệp quốc phòng đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế Mỹ của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Phát biểu tại triển lãm hàng không Farnborough tại Anh, Trung tướng Hooper khẳng định nhiều đồng minh của Washington đang rất nóng lòng muốn sở hữu trang thiết bị quân sự Mỹ.

Ông cũng đánh giá: "Xuất khẩu sản phẩm quốc phòng mang đến tác dụng tốt cho an ninh quốc gia cũng như chính sách đối ngoại của chúng tôi".

Bên cạnh đó, "An ninh kinh tế Mỹ cũng được hưởng lợi. Như chính quyền và giới lãnh đạo của chúng tôi từng nói, an ninh kinh tế là an ninh quốc gia".

Theo giải thích thì một trong những nguyên nhân khiến số lượng vũ khí xuất khẩu của Mỹ tăng vọt là do tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động theo hướng phức tạp trong thời gian qua.

Các quốc gia trên khắp hành tinh đang bị cuốn vào vòng xoáy chạy đua vũ trang mới khiến cho nhu cầu tăng cường quân bị được đặc biệt coi trọng, dẫn tới chi tiêu quốc phòng tăng cao.

Ngoài ra cũng cần nhắc tới nguyên nhân cực kỳ quan trọng khác đó là Mỹ đã "hớt tay trên" được cực nhiều hợp đồng vũ khí quan trọng của Nga thông qua biện pháp có phần không đẹp.

Đó chính là đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt - CAATSA, cho phép chính quyền Washington áp đặt lệnh cấm vận lên quốc gia nào mua vũ khí Nga.

Để tránh làm mất lòng Mỹ, nhiều bạn hàng truyền thống của vũ khí Nga đã phải ngậm ngùi hủy bỏ nhiều thương vụ có giá trị cực lớn và xoay sang đặt hàng sản phẩm của Mỹ.

Một trong những thương vụ đình đám suốt thời gian qua chính là việc Thổ Nhĩ Kỳ hay Ấn Độ dự định đặt mua tổ hợp phòng không S-400 của Nga nhưng thương vụ vẫn chưa thành vì vướng sức ép từ phía Mỹ.

Nhưng gần đây đã có diễn biến mới đó là xung đột thương mại nổ ra giữa Mỹ với hai nền kinh tế hàng đầu khác là Trung Quốc và châu Âu, ngành công nghiệp quốc phòng có khả năng gặp nhiều sức ép hơn trong những năm tới. 

Mặc dù vậy theo Giám đốc của DSCA - Trung tướng Hooper cho biết ông không thấy những khách hàng của vũ khí Mỹ có bất kỳ dấu hiệu lo lắng nào.

"Tôi đã nói chuyện với nhiều đối tác từ khắp nơi trên thế giới, và phần lớn trong số này vẫn tin rằng các giải pháp mà Washington cung cấp để giải quyết những vấn đề an ninh của họ vẫn là giải pháp tốt nhất", theo ông Hooper.

Dự báo trong năm 2018 này, một đỉnh cao về giá trị xuất khẩu vũ khí của Mỹ sẽ chính thức được thiết lập và bỏ ra những quốc gia tiếp theo, đặc biệt là Nga.