[ẢNH] Điểm mặt loại tên lửa Nga khiến Mỹ vừa tức giận lẫn lo sợ, dẫn tới xé bỏ thỏa thuận với Nga

ANTD.VN -  Tên lửa 9M729 là phiên bản tăng tầm của tên lửa tầm ngắn 9M728 được trang bị trên tổ hợp Iskander-M, đây chính là loại vũ khí khiến Mỹ vừa lo sợ vừa tức giận dẫn tới việc xé bỏ thỏa thuận về hạn chế tên lửa đạn đạo hạt nhân tầm trung với Nga.

Cuộc chạy đua vũ trang có nguy cơ bùng phát giữa Mỹ và Nga khi hai nước liên tục tố cáo nhau vi phạm thỏa thuận Hiệp ước cắt giảm các lực lượng tên lửa hạt nhân tầm trung (INF).

Được biết hiệp ước INF đã được Mỹ và Liên Xô ký kết vào năm 1987, sau này Nga thay thế và tiếp tục duy trì thỏa thuận với Mỹ.

Tuy nhiên gần đây cả hai nước Mỹ và Nga liên tục tố nhau vi phạm hiệp ước. Thậm chí Mỹ còn có hành động gay gắt hơn là hủy bỏ hiệp ước này.

"Mỹ duy trì và tôn trọng thỏa thuận nhưng đáng tiếc là Nga không làm điều tương tự. Họ vi phạm hiệp ước này và chế tạo vũ khí mới suốt nhiều năm qua trong khi Washington không được phép làm vậy. Chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra, Mỹ sẽ rút khỏi hiệp ước INF", Tổng thống Donald Trump ngày 20-10 tuyên bố.

Quyết định này được Trump đưa ra sau nhiều lần cáo buộc Moscow vi phạm hiệp ước INF khi phát triển tên lửa hành trình Novator 9M729. 

Dù nhiều lần khẳng định 9M729 vi phạm hiệp ước INF, nhưng Mỹ gần như không công bố thông tin chi tiết và khả năng tác chiến của loại tên lửa này,

Truyền thông Mỹ cho biết Nga thử tên lửa 9M729 lần đầu vào năm 2008 tại bãi thử Kapustin Yar, vùng Astrakhan. 

Năm 2014, Nga hoàn tất các cuộc thử nghiệm cấp nhà nước tên lửa 9M729 cùng các phiên bản cải tiến và phóng thành công một năm sau đó với khoảng cách xấp xỉ 500 km. 

Tuy nhiên, truyền thông Nga chưa công bố bất cứ thông tin nào liên quan đến các vụ thử tên lửa 9M729.

Trong báo cáo công bố vào tháng 4-2017, Bộ Quốc phòng Mỹ cáo buộc Nga trong năm 2016 tiếp tục vi phạm các cam kết của mình trong hiệp ước INF về việc không sở hữu, sản xuất hay phóng thử tên lửa hành trình mặt đất với tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km cũng như sở hữu hay sản xuất bệ phóng dành cho các loại tên lửa này.

"Có thể tình báo Mỹ có bản thiết kế chi tiết với tất cả các đặc tính kỹ thuật của tên lửa này. Theo tài liệu trên, việc mở rộng tầm bắn của tên lửa 9M728 trong tổ hợp Iskander-M là vấn đề rất đơn giản", giám đốc Dự án các lực lượng Hạt nhân Nga thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kiểm soát Vũ khí Pavel Podvig cho biết. 

Một số chuyên gia nhận định 9M729 là phiên bản tăng tầm của tên lửa tầm ngắn 9M728 hay còn gọi là Iskander-K.

9M728 là phiên bản mặt đất của tên lửa hành trình Kalibr, được quân đội Nga thử nghiệm thành công vào tháng 8-2018 với trần bay 6 km, tầm bắn lên tới trên 500 km, thậm chí có nguồn tin cho biết tên lửa này có thể bay tới hơn 100 km và có thể tự điều chỉnh hướng bay.

Một số nguồn tin cho rằng, tên lửa 9M728 được thiết kế nhằm đánh chìm các loại chiến hạm mang theo tên lửa hành trình Tomahawk và hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis như tuần dương hạm lớp Ticonderoga của Mỹ.

Theo Global Security, phiên bản tăng tầm Novator 9M729 được trang bị cánh định hướng mở ra sau khi phóng, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn và có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Hệ thống điều khiển và dẫn hướng của 9M729 được cho là hoạt động tự động với các cảm biến điều chỉnh góc tấn công theo hệ thống định vị vệ tinh GLONASS hoặc GPS. 

Ở pha cuối, đầu tự dẫn radar chủ động của tên lửa được kích hoạt, tìm kiếm mục tiêu vào lao tới tấn công với đầu đạn nặng 450 kg.

9M729 có thể được phóng từ tổ hợp 9K720 Iskander. Quân đội Nga hiện có 11 lữ đoàn tên lửa được trang bị tổ hợp tên lửa Iskander.

Nếu phóng từ Moscow hoặc Kaliningrad, tên lửa 9M729 có tầm bắn bao phủ toàn bộ khu vực Tây Âu. 

Nếu phóng từ vùng cực đông của Nga, tên lửa này có thể bắn trúng mục tiêu tại khu vực bờ biển phía tây nước Mỹ.

Tuy nhiên, tầm bắn có thể lên tới khoảng 5.000 km của tên lửa 9M729 khiến các chuyên gia đặt câu hỏi về mục tiêu chiến thuật hoặc chiến lược của tên lửa này bởi Nga sở hữu nhiều tên lửa khác đủ bao phủ các khu vực nói trên.

Ông Podvig cho rằng tên lửa 9M729 có liên hệ mật thiết, thậm chí là phiên bản phóng trên đất liền của tên lửa hành trình Kalibr-NK đang có mặt trên các chiến hạm Nga.

"Tên lửa 9M729 gần giống với tên lửa được thử nghiệm trong tầm bắn của INF, có thể là Kalibr. Theo tôi, Mỹ cho rằng sau một vụ thử nghiệm tên lửa từ bệ phóng phù hợp quy định của INF sẽ có vụ thử từ bệ phóng không phù hợp quy định trên với tên lửa tương tự", ông Podvig nói.

Tại phiên điều trần trước quốc hội Mỹ vào tháng 4-2017, đại tướng John Hyten, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, thừa nhận tên lửa 9M729 của Nga có khả năng xuyên thủng lá chắn phòng thủ của Mỹ và các đồng minh châu Âu, đặc biệt khi được phóng với số lượng lớn. 

Washington nhiều lần cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước INF khi bí mật triển khai tên lửa 9M729, nhưng Nga đều lên tiếng phủ nhận.

Moscow tuyên bố cáo buộc của Washington thiếu cơ sở và bằng chứng. "Tên lửa mà Mỹ gọi là 9M729 có thông số hoàn toàn phù hợp với quy định của hiệp ước. Việc triển khai tên lửa này hoàn toàn tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của chúng tôi", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết.

Ngày 2-10-2018, đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison cho biết: "Nếu các hệ thống tên lửa mới của Nga (9M729) đi vào hoạt động, Mỹ sẽ cân nhắc khả năng tiêu diệt những loại vũ khí mà Nga có thể sử dụng để tấn công Mỹ và các đồng minh châu Âu".