[ẢNH] Đáng sợ khi hệ thống SPECTRA của Rafale có thể vô hiệu hoá gọn ghẽ Su-35

ANTD.VN - Hệ thống phòng vệ điện tử SPECTRA trên chiến đấu cơ Rafale đã vô hiệu hóa hệ thống điện tử trên Su-35, được biết sự việc vừa xảy ra khi Ai Cập cho hai loại tiêm kích này tập trận đối kháng.

Ai Cập hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới đang biên chế cả hai dòng chiến đấu cơ thế hệ 4.5 là Su-35 do Nga sản xuất và Rafale xuất xứ từ Pháp

Năm 2015 Ai Cập đã đặt mua 24 chiếc Rafale từ Pháp, tới tháng 5/2021 vừa qua, Cairo tiếp tục ký hợp đồng mua thêm 30 chiếc Rafale, tổng trị giá lên tới 4,5 tỷ USD.
Năm 2019, Ai Cập cũng ký hợp đồng mua của Nga 20 chiếc tiêm kích đa năng Su-35, tổng trị giá hợp đồng lên tới hơn 2 tỷ USD.

Có trong tay hai loại chiến đấu cơ hàng đầu này, Ai Cập lập tức cho chúng tập trận đối kháng. Su-35 đóng vai trò tiêm kích đánh chặn chủ lực, trong khi Rafale đóng vai trò "quân xanh" làm kẻ tấn công.

Bất ngờ đã xảy ra khi hệ thống phòng vệ điện tử SPECTRA trên chiếc Rafale đã vô hiệu hóa được hệ thống điện tử của chiếc Su-35, và sau đó dễ dàng vượt qua chiếc máy bay này.

SPECTRA là hệ thống bảo vệ và tránh hỏa lực đối phương dành cho chiến đấu cơ Rafale được phát triển bởi hãng Thales Group và MBDA.

SPECTRA là nền tảng cho khả năng sống sót nổi bật của Rafale khi nó dùng chúng để chống lại các mối đe dọa từ trên không và mặt đất.

Hệ thống SPECTRA tích hợp đầy đủ các thiết bị chiến tranh điện tử, cung cấp khả năng phát hiện tầm xa, xác định chính xác nguồn phát hồng ngoại, tần số vô tuyến và laser từ đối phương.

SPECTRA là sự tích hợp của nhiều thành phần bao gồm các hệ thống như: radar mảng pha chủ động tìm kiếm và chỉ thi mục tiêu, cảnh báo laser, cảnh báo tên lửa đang đến gần, radar gây nhiễu và bộ phóng mồi bẫy...

Các thành phần của SPECTRA được bố trí rải rái ở trên khắp máy bay. Hình ảnh hệ thống cảnh báo tên lửa (MAWS) ở 2 cửa hút khí (trái).

Hệ thống cảnh báo tên lửa này còn được bố trí ở trên cánh đuôi đứng. Với hệ thống này mọi tên lửa đang lao đến chiến đấu cơ được báo cho phi công điều khiển máy bay biết.

Trong khi đó hệ thống gây nhiễu tín hiệu radar và tín hiệu hồng ngoại lại đặt ở gốc 2 cánh mũi của máy bay. Hệ thống này dùng để theo dõi và xác định chủng loại các tên lửa đang tấn công chiến đấu cơ, từ đó đưa ra biện pháp đối phó.

Hệ thống bắn mồi nhiễu hồng ngoại và thả kim loại gây nhiễu được bố trí nằm ở gốc 2 cánh sau và thân sau máy bay.

Cận cảnh hệ thống thả kim loại gây nhiễu. Việc thả nhiều mảnh kim loại nhỏ sẽ khiến cho radar trên tên lửa và chiến đấu cơ đối phương nhiễu loạn.

Trong khi đó hệ thống mỗi bẫy hồng ngoại có thể phóng ra những quả pháo sáng có sức nóng tới hàng ngàn độ C để đánh lừa tên lửa tầm nhiệt.

Hệ thống cảnh báo laser (LWS) (khoanh tròn đỏ) lắp ở 2 bên dưới buồng lái máy bay và trên cánh đuôi đứng
Còn hệ thống gây nhiễu năng lượng cao lắp ở gốc cánh đuôi đứng phía sau của chiến đấu cơ Rafale.
Hệ thống SPECTRA còn bao gồm hai bộ cảm biến hồng ngoại cảnh báo tên lửa thế hệ mới (DDM NG) được phát triển bởi MBDA.

DDM NG là sự kết hợp một máy dò hồng ngoại mảng mới, trong đó tăng cường phạm vi phát hiện tên lửa.

Với hai cảm biến ống kính mắt cá, DDM NG cung cấp một trường phát hiện hình cầu xung quanh máy bay.

Rafale là một trong số ít chiến đấu cơ được trang bị radar quét mảng pha điện tử chủ động RBE2 AA do Thales phát triển.

Đây là loại radar tiên tiến có tầm quét trên 250km. Loại radar này có khả năng theo dõi hàng chục mục tiêu cùng lúc và dẫn đường cho vũ khí hủy diệt 4 mục tiêu cùng lúc.

Pháp vẫn đang nghiên cứu để cải tiến thêm hiệu năng cho dòng radar mảng pha chủ động trên chiến đấu cơ Rafale.

Rafale cũng là một trong số ít chiến đấu cơ phương Tây được trang bị hệ thống OSF (Optronique Secteur Frontal), đây là hệ thống quang điện tử tầm xa giúp phát hiện máy bay đối phương.

Hệ thống OSF cấu thành bởi một thiết bị tìm kiếm hồng ngoại (khối tròn bên trái) và một cảm biến TV/IR để xác định mục tiêu (khối vuông bên phải).
Thiết bị tìm kiếm hồng ngoại có thể xác định mục tiêu trên không ở khoảng cách lên đến 100 km. Trong khi cảm biến TV/IR có thể phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 40 km bằng tia laser.
Hệ thống OSF cung cấp những lợi ích cho chiến đấu cơ trong không chiến như: Tầm phát hiện thụ động xa và xác định được mục tiêu trước khi tham chiến.

Có thể nói, chiến đấu cơ Rafale là nét tinh hoa của người Pháp khi nó mang trong mình những đỉnh cao của kỹ thuật công nghệ quân sự.

Ngoài hệ thống điện tử tối tân, Rafale còn gây ấn tượng khi mang theo lượng vũ khí lên tới 9.500 kg. Nhiều hơn mức 8.000 kg nếu so với Su-30/35/57 của Nga.

Do được thiết kế khí động học cánh tam giác kết hợp cánh mũi nên khả năng cơ động của Rafale rất đáng nể. Chúng không hề thua kém so với các chiến đấu cơ dòng Su của Nga.

Điểm yếu duy nhất của loại chiến đấu cơ này là giá thành khá cao, cao hơn cả giá của tiêm kích tàng hình F-35 (khoảng 80 triệu USD/Chiếc). Đơn giá của một chiếc Rafale như hợp đồng của Ai Cập mới ký với Pháp năm 2019 là khoảng 150 triệu USD/chiếc, cao hơn 40 triệu so với Su-35.