[ẢNH] Dàn vũ khí hạng nặng xuất hiện trong cuộc duyệt binh của Quân đội Triều Tiên

ANTD.VN - Hôm nay ngày 9/9, Quân đội nhân dân Triều Tiên đã tiến hành một cuộc duyệt binh quy mô lớn nhằm chào mừng 70 năm ngày quốc khánh.

Lễ duyệt binh chào mừng 70 năm Quốc khánh Triều Tiên năm nay có phần kém "hoành tráng" hơn những năm trước khi thiếu vắng các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà chỉ có vũ khí hạng nặng thông thường.

Điều này cũng dễ hiểu khi gần đây quốc gia Đông Bắc Á này và Mỹ đã có bước đột phá về ngoại giao, mở ra triển vọng giảm bớt căng thẳng và từ đó tiến tới ngừng xem nhau như thù địch.

Các xe tăng chiến đấu chủ lực Bão Phong Hổ 4 (Pokpung-ho 4) của Triều Tiên,  được nhận xét là một bản sao của T-72 về thân xe nhưng lại mang pháo giống T-62, nhưng điểm đáng chú ý nhất đó là trên xe được chất đầy tên lửa chống tăng và cả tên lửa phòng không vác vai lắp ngoài.

Pháo tự hành cỡ nòng lớn M1989 Koksan 170 mm, đây là hệ thống pháo mặt đất mạnh nhất của Triều Tiên, nó là bản nâng cấp từ M1978 Koksan sử dụng khung gầm xe tăng T-62.

Hệ thống pháo tự hành M1991 Chuch'e-Po sử dụng khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực Chonma-ho, trên tháp pháo lắp pháo nòng dài D-74 cỡ 122 mm và dàn hỏa lực gồm đủ loại tên lửa chống tăng, phòng không vác vai tương tự xe tăng Pokpung-ho.

Xe mang phóng tự hành của tổ hợp tên lửa phòng không tầm cao KN-06 do Triều Tiên tự nghiên cứu chế tạo, nó được xem như một bản sao dựa trên nguyên mẫu S-300 của Nga tuy nhiên rất khó để đánh giá chính xác tính năng vũ khí này.

Hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Kumsong-3 sử dụng đạn chống hạm cận âm do Triều Tiên tự chế tạo trong nước dựa trên thiết kế Kh-35 Uran-E do Nga chuyển giao công nghệ.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm thấp này của Triều Tiên có thể được xem như một bản sao của Strela-10 chế tạo dưới thời Liên Xô nhưng đã tăng cơ số đạn sẵn sàng phóng lên thành 8 quả.

Một loại xe radar cảnh giới chưa rõ tên định danh đặt trên khung gầm xe thiết giáp chở quân bánh lốp do Triều Tiên tự nghiên cứu và chế tạo hoàn toàn trong nước.

Tổ hợp pháo phản lực phóng loạt cỡ 122 mm của Triều Tiên, nó sử dụng xe đầu kéo và cấu hình giàn phóng dạng module rất giống với nguyên mẫu RM-70 do Tiệp Khắc chế tạo.

Xe thiết giáp chở quân bánh lốp do Triều Tiên sản xuất, nhìn trước mặt sẽ thấy nó rất giống BTR-60 của Liên Xô nhưng lại sử dụng cấu hình 6 bánh chủ động thay vì 8x8.

Hệ thống pháo phản lực dẫn đường thế hệ mới của Quân đội Triều Tiên, tổ hợp vũ khí này có khả năng bắn chính xác mục tiêu cách xa trên 100 km với sai số dưới 10 m nhờ hệ dẫn đường tham chiếu định vị vệ tinh tiên tiến.

Công nghệ chế tạo pháo phản lực dẫn đường của Triều Tiên được cho là học hỏi từ Trung Quốc, nó đang được sản xuất với 2 chủng loại mang các cỡ nòng khác nhau là 220 mm và 330 mm.

Kết thúc buổi lễ duyệt binh là hình ảnh ấn tượng được tạo ra bởi biên đội "máy bay bà già" hai tầng cánh An-2, trong Quân đội Triều Tiên thì An-2 còn phải đảm nhiệm thêm vai trò cường kích tấn công mặt đất thay vì chỉ vận tải thông thường.