[ẢNH] Cơ hội vàng khi Mỹ bán thanh lý giá rẻ lô F-35 sản xuất cho Thổ Nhĩ Kỳ

ANTD.VN - Do chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết tâm theo đuổi thương vụ mua sắm tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-400 của Nga, cho nên gần như chắc chắn họ sẽ bị Mỹ đình chỉ việc bàn giao tiêm kích tàng hình F-35A.

Hãng thông tấn Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ trích dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng nước này, ông Hulusi Akar cho biết Ankara sẽ bắt đầu triển khai tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa mua từ Nga vào tháng 10/2019.

Như vậy là bất chấp mọi nỗ lực ngăn cản từ Hoa Kỳ, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng thương vụ mua sắm S-400, điều này khiến Washington vô cùng tức giận.

Nguy cơ Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu các biện pháp cấm vận do hiệu lực của Đạo luật chống đối thủ của Mỹ thông qua biện pháp trừng phạt - CAATSA đang trở nên rõ hơn bao giờ hết.

Ngoài việc đình chỉ các gói viện trợ quân sự, biện pháp mạnh tay nhất được Mỹ đưa ra để trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ chính là đình chỉ bàn giao 100 máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35A Lightning II.

Cần lưu ý rằng Thổ Nhĩ kỳ là một trong những quốc gia góp vốn vào chương trình F-35 ngay từ khi nó còn phôi thai, vì vậy Ankara có quyền tiếp cận với nhiều công nghệ tối mật bên trong chiếc tiêm kích này.

Điều này dẫn tới lo ngại của Mỹ rằng khi đã nắm được một số bí mật của F-35 và đến lúc tiếp nhận sản phẩm hoàn chỉnh, Ankara có thể sẽ tiết lộ bí quyết công nghệ của F-35 để đổi lấy điều tương tự trên S-400.

Sở dĩ Thổ Nhĩ Kỳ toan tính như vậy là do nước này vẫn thực hiện chính sách tự chủ mọi sản phẩm phục vụ quốc phòng, nếu vậy Ankara sẽ phải nắm được mọi bí mật của những khí tài tiên tiến nhất bao gồm cả S-400 để tiến tới sản xuất tại chỗ trong tương lai.

Nếu Thổ Nhĩ Kỳ dùng F-35 để đổi chác lấy công nghệ sản xuất S-400 thì hành động này sẽ gây ra thiệt hại cực lớn cho không chỉ riêng nước Mỹ mà còn toàn khối NATO.

Trường hợp bí mật của F-35 bị tuồn sang cho Nga, ước tính Mỹ cùng đồng minh sẽ tốn cả ngàn tỷ USD để thay đổi khí tài cũ sang những hệ thống mới chưa bị lộ tẩy.

Đây là điều mà Mỹ và đồng minh không thể chấp nhận nổi, chính vì vậy mà mặc dù đã làm lễ bàn giao, nhưng 2 chiếc tiêm kích F-35A Lightning của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phải nằm trên đất Mỹ vì chưa có lệnh cho phép rời đi.

Tương lai không chỉ có 2 chiếc F-35 này mà còn tới gần 100 chiến đấu cơ khác của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ lâm vào tình cảnh tương tự nếu Mỹ quyết liệt áp dụng điều luật CAATSA.

Thiệt hại của Thổ Nhĩ Kỳ đã thấy rõ nhưng tổn thất của Mỹ cũng chẳng hề nhỏ, khi họ bị mất một khoản tiền cực lớn từ hợp đồng mua sắm vũ khí ký với Ankara.

Với đặc thù của phiên bản F-35 dành cho xuất khẩu, Không quân Mỹ có lẽ sẽ rất miễn cưỡng nếu phải tiếp nhận lô chiến đấu cơ này vì phải tiến hành nhiều chỉnh sửa.

Bên cạnh đó thì lợi nhuận của Tập đoàn Lockheed Martin chắc chắn cũng tụt dốc không phanh vì không được thanh toán hàng tỷ USD cho số lượng lớn tiêm kích đa năng này.

Để giảm thiểu thiệt hại, nhiều khả năng Mỹ sẽ tìm một đối tác quân sự nào đó để bán thanh lý giá rẻ số tiêm kích F-35A dư thừa lẽ ra đã phải vào biên chế Không quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây có thể xem như một cơ hội trời cho đối với nhiều đồng minh khác, khi họ đang muốn nhanh chóng gia tăng số lượng phi đội tiêm kích thế hệ 5 của mình, thậm chí đây còn là dịp không thể tốt hơn để những "Đồng minh hạng 2" mua được F-35, bất chấp việc trước đó Hoa Kỳ chưa sẵn sàng bán cho họ.